Tại sao người trẻ chịu chi cả trăm triệu để nuôi bọ cánh cứng?

13/10/2022 15:56 GMT+7

Nuôi bọ cánh cứng ngày càng trở thành trào lưu rất phổ biến đối với người trẻ, nhiều người còn sẵn sàng chi gần trăm triệu đồng để được khám phá sự mới lạ trong bộ môn đặc biệt này.

Nuôi bọ cánh cứng dần trở thành trào lưu trong giới trẻ

MINH QUANG

Đem lòng “yêu” bọ cánh cứng

Bắt đầu đam mê và tìm hiểu về nuôi bọ cánh cứng từ khi còn học lớp 6, Lê Quang Tử (22 tuổi, du học sinh Canada), cho biết thú nuôi bọ cánh cứng bắt nguồn từ Nhật Bản, khi mùa hè đến, những đứa trẻ sẽ đi bắt côn trùng về chăm sóc và cho chúng chiến đấu với nhau. Hiện nay, thú chơi này đã lan rộng ra toàn thế giới, đặc biệt là phương Tây, nổi tiếng với những buổi triển lãm và hội chợ côn trùng. Khi đến Việt Nam, trào lưu nuôi bọ cánh cứng này cũng được nhiều người trẻ đón nhận.

Bọ cánh cứng có vẻ ngoài rất đẹp và ngầu

MINH QUANG

“Tôi biết về bọ cánh cứng khi đọc truyện tranh, thấy hình dáng bọ rất đẹp và ngầu, thế là đem lòng yêu luôn. Sau đó, tôi đọc nhiều thông tin từ các tài liệu tiếng Anh lẫn tiếng Nhật nhằm hiểu thêm về những loài bọ cánh cứng, càng đọc thì càng biết thêm nhiều điều hay ho và thấy được độ đa dạng, phong phú của loài côn trùng này”, Quang Tử chia sẻ.

Cũng chung niềm đam mê với Quang Tử, Nguyễn Bảo Khánh Duy (sinh viên Trường ĐH FPT, ngụ tại Q.2, TP.HCM) cũng cho biết mình cũng bị thu hút bởi loài côn trùng này từ khi còn học tiểu học. “Hồi lớp 5, tôi đã bắt đầu tham gia vào rất nhiều các hội nhóm chuyên về nuôi bọ cánh cứng, ngoài ra, tôi còn “thuộc lòng” cách người ta nuôi bọ trên các trang mạng của nước ngoài. Lúc đó, tôi cũng bỏ ra vài trăm ngàn đồng để mua bọ về chăm sóc”, Khánh Duy cho hay.

Tùy vào mỗi loại bọ mà sẽ có thời gian nuôi dưỡng khác nhau, từ vài tháng đến cả năm

QUANG TỬ

Những người trẻ đam mê nuôi bọ cánh cứng như Quang Tử, Khánh Duy thường được gọi là “beetle breeder” (người gây giống bọ cánh cứng). Người nuôi sẽ tìm cặp bọ trưởng thành để làm giống, sau đó cung cấp môi trường và dinh dưỡng phù hợp cho bọ phát triển. Sau khi ghép đôi, sẽ thu hoạch trứng hoặc ấu trùng và tiếp tục chăm sóc cho đến khi ấu trùng lột xác trưởng thành tạo nên lứa mới. Tùy vào mỗi phân loài, mà từ cặp bọ bố mẹ ban đầu người nuôi có thể nhân giống được hơn 30 - 40 cá thể.

Ngoài ra để tạo điều kiện phù hợp nhất cho bọ cánh cứng, nhiều người trẻ còn sẵn sàng chi gần 100 triệu đồng đầu tư nuôi bọ, điển hình là Ngô Minh Quang (17 tuổi, du học sinh đang sống tại bang Iowa, Mỹ).

“Để tạo điều kiện thích hợp dành cho bọ, tôi mua tủ mát và một bộ điều chỉnh nhiệt độ để giữ cho bọ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, còn mua thêm hộp nhựa, dớn trồng lan làm nền lót, thạch thức ăn chuyên dụng cho bọ và cả mùn gỗ, lá cây, đất… Hầu như toàn bộ kinh phí đều do tôi tự tiết kiệm hoặc mua bán các bọ cánh cứng để phục vụ thêm cho đam mê”, Minh Quang chia sẻ.

Quang Tử là một trong những người trẻ đầu tư cả tủ mát để tạo điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho bọ

NVCC

Nâng đỡ hệ sinh thái

Vì công việc nuôi bọ cánh cứng vẫn chưa quá phổ biến rộng rãi, nên nhiều “beetle breeder” chịu rất nhiều định kiến và khó khăn khi theo đuổi đam mê này. Đặc biệt là khi đối diện với gia đình.

“Phần lớn mọi người khi nhìn vào bộ môn này đều có cái nhìn chung về bọn tôi là “chơi dơ” vì tất cả đều quen với những con vật đáng yêu như chó, mèo, hamster mà bọn tôi thường hay tiếp xúc với nhiều vật liệu tự nhiên phân hủy như mùn gỗ, lá cây, đất… Và ai cũng nghĩ côn trùng là dơ hoặc mang bệnh cả. Lúc tôi bắt đầu thì ba mẹ cũng rất sốc, nhưng dần cũng ủng hộ vì bình thường tôi rất lười đọc sách cũng như là học bài nhưng mà qua bộ môn này lại siêng hẳn ra”, Khánh Duy dí dỏm nói.

Việc nuôi bọ cánh cứng đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng và tính kiên nhẫn rất cao

QUANG TỬ

Những nguồn mẫu được những người trẻ này thu thập từ những chuyến đi thực tế tại các vùng núi cao, rừng cây; mua lại từ người dân địa phương hoặc những cửa hàng thú nuôi được cấp phép. “Đối với bộ môn này, người chơi có thể tự do tìm và nuôi dưỡng các loài bọ cánh cứng nhưng tuyệt đối không được nuôi những loài có nguy cơ cần bảo tồn cao hoặc quý hiếm, ở nước ngoài còn phải xin cả giấy phép nữa”, Quang Tử nói.

Người nuôi bọ cánh cứng ngoài việc tận hưởng quá trình sinh trưởng của bọ, còn có thể thu nhặt xác bọ làm tiêu bản phục vụ cho nghiên cứu. Nếu quá trình nuôi dưỡng bọ sinh ra quá nhiều, các “beetle breeder” sẽ đem bán, tặng lại hoặc thả về tự nhiên.

“Khi tìm hiểu bộ môn này nó không chỉ gói gọn ở những con bọ mà còn có cả những vấn đề xã hội và kiến thức mới. Tôi biết nhiều hơn về tự nhiên, trau dồi được vốn tiếng Anh vì đa số tài liệu khoa học đều là tiếng nước ngoài và trong lúc tìm hiểu thì còn học thuộc được phần lớn tên các quốc gia ở châu Phi nữa. Và việc nuôi dưỡng còn rèn cho người chơi tính kiên nhẫn nữa”, Khánh Duy cho hay.

Theo Quang Tử, nếu muốn theo đuổi bộ môn này thì người chơi cần có sự kiên trì, vì có rất nhiều người nuôi dăm bữa lại bỏ. Đối với người mới thì luôn phải trang bị vốn kiến thức cơ bản, tích lũy kinh nghiệm dần rồi mới thử sức với những dòng bọ cánh cứng khó nuôi, vì có nhiều loài đòi hỏi môi trường sống và sinh sản cực kỳ khắc nghiệt, nếu không đáp ứng được thì sẽ chết ngay lập tức, sẽ tốn phí rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Việc nuôi côn trùng đem đến hiệu quả rất lớn cho nghiên cứu khoa học và hệ sinh thái môi trường

MINH QUANG

“Đối với tôi, việc nuôi bọ cánh cứng này rất quan trọng vì có rất nhiều loài đang bị đe dọa và công việc của tôi đang làm hoàn toàn thích hợp để hạn chế điều đó diễn ra. Dù cách làm có vẻ rất nhỏ nhưng cũng là cách để góp phần nâng đỡ cho hệ sinh thái. Khi cho bọ sinh sản và thả đời sau về rừng, vừa đảm bảo được nguồn gen vừa giúp được hệ sinh thái không bị suy tàn”, Quang Tử nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.