Quốc lộ 1A đoạn tránh TP.Vinh (Nghệ An) có chiều dài hơn 25 km, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2005 để giảm tải và thay thế cho đoạn quốc lộ 1A cũ chạy qua nội thành TP.Vinh.
Tuy nhiên, do lòng đường hẹp, nên từ nhiều năm qua, tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh của các tài xế, nhất là tài xế đường dài. Thời gian gần đây, trên tuyến đường này còn được cắm rất nhiều biển báo hạn chế tốc độ, cấm vượt, công trường đang thi công… và nhiều camera giám sát, phạt nguội khiến tài xế "hoa mắt".

Biển báo công trường trên tuyến đường tránh TP.Vinh
ẢNH: K.HOAN
Anh Lê Văn Hải, một tài xế xe tải thường xuyên qua tuyến đường này cho biết, do đã quá quen với đoạn đường này nên với anh không vấn đề gì, nhưng với những tài xế chưa quen đường thì rất dễ bị dính phạt.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, từ điểm đầu của tuyến đường tránh này là cầu Bến Thủy 2 đến nút giao với quốc lộ 46 (khoảng 10 km) được cắm rất nhiều biển báo. Trên đoạn đường này có 2 công trình xây dựng là đường đấu nối với bến xe Nam Vinh và đường đấu nối từ khu nhà xưởng ở xã Hưng Mỹ (H.Hưng Nguyên) với đường tránh TP.Vinh.
Mặc dù các công trình đã hoàn thành nhưng hàng rào chắn cảnh báo và các biển báo hạn chế tốc độ do công trình đang thi công vẫn chưa được tháo dỡ.

Đường đấu nối bến xe Nam Vinh ra đường tránh TP.Vinh đã hoàn thiện từ lâu nhưng rào chắn và biển báo vẫn chưa được tháo dỡ
ẢNH: K.HOAN
Đầu cầu vượt đường sắt (thuộc địa bàn P.Vinh Tân, TP.Vinh) có biển báo cấm vượt được cắm ngay đầu cầu. Trên cầu này, vạch kẻ đường phân làn ở giữa được kẻ vạch liền cho đến hết cầu. Tiếp đó, quy định cấm vượt còn kéo dài thêm khoảng 400 m, vạch kẻ phân làn là vạch nét đứt.

Biển báo cấm vượt đầu cầu vượt đường sắt
ẢNH: K.HOAN
Đoạn đường cấm vượt này có tầm quan sát rất thoáng vì đường thẳng, hai bên đường là đồng ruộng, không có nhà dân. Theo quan sát của phóng viên, nhiều tài xế không chú ý biển báo, thấy đường vắng, vạch đứt nên đã vượt và đều bị "dính" phạt. Trong khi đó, chỉ cách biển báo hết cấm vượt khoảng vài trăm mét luôn có một tổ CSGT túc trực tại đó để xử lý lỗi này. Mức phạt cho lỗi này là 4-6 triệu đồng và bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe.

Đoạn đường cấm vượt này có tầm nhìn thoáng đãng
ẢNH: K.HOAN
"Đoạn đường này thoáng đãng, không bị khuất tầm nhìn, vạch kẻ đứt nên nếu không để ý biển cấm vượt cắm ở đầu cầu rất dễ dính phạt. Nhiều đoạn đi qua khu dân cư, bến xe, lối rẽ vào các nhà máy thì không cấm vượt, đoạn thoáng đãng nhất lại cấm vượt là không phù hợp", anh Trần Minh Trung, một tài xế thường lái xe qua tuyến đường này nói.
Sẽ rà soát lại biển báo
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ 2 (Cục Quản lý đường bộ Việt Nam), cho biết biển báo trên tuyến đường trên là do đơn vị này thực hiện. Ông Dũng cho rằng theo quy định hiện hành, đã có biển cấm vượt thì không cần thiết phải kẻ vạch liền. Biển cấm vượt được cắm trên những đoạn đường có tầm nhìn bị hạn chế hoặc thường xảy ra tai nạn đối đầu. Việc cắm biển thường được thực hiện do đề xuất của đoàn liên ngành sau khi kiểm tra thực tế.
Ông Dũng cũng cho hay, 2 đường đấu nối với đường tránh TP.Vinh chưa được nghiệm thu nên chưa thể tháo dỡ biển vì sợ nguy hiểm. "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu họ đã thi công xong sẽ nghiệm thu để tháo dỡ biển báo hạn chế tốc độ và xem xét điều chỉnh các biển báo khác cho phù hợp với thực tế", ông Dũng nói.
Tương tự, tại đường N5 (nay là quốc lộ 7C) qua xã Nghi Thuận (H.Nghi Lộc, Nghệ An) có biển báo khu vực đông dân cư, khoảng 300 m. Đoạn này đường rất rộng, mỗi bên có 3 làn xe ô tô. Tuy nhiên, biển báo chỉ cắm ở bên phải lề đường (giải phân cách giữa không có biển) và không có cần vươn nên khó phát hiện, nhất là xe chạy làn trong cùng, khi có xe tải ở làn ngoài chạy song song che khuất. Điểm này khiến nhiều tài xế bị dính phạt.

Biển báo khu vực đông dân cư trên quốc lộ 7C
ẢNH: K.HOAN
Bình luận (0)