Tài xế Việt cần học thêm kỹ năng lái xe và văn hóa giao thông

Đình Tuyên
Đình Tuyên
25/03/2024 10:50 GMT+7

Dù có giấy phép lái xe (GPLX), tuy nhiên có một thực tế là không ít tài xế tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa nắm vững kiến thức, kỹ năng lái xe; thậm chí các quy tắc, văn hóa khi tham gia giao thông.

Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2023 Việt Nam xảy ra hơn 22.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 11.600 người, bị thương hơn 15.000 người. Đáng chú ý, riêng giao thông đường bộ đã chiếm đến gần 21.900 vụ, làm chết 11.498 người. Những con số này dù có giảm nhẹ so với năm trước đó, tuy nhiên vẫn cho thấy thực tế là tình trạng giao thông ở nước ta vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro tai nạn.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những nguyên nhân từ hạn chế về cơ sở hạ tầng, việc các tài xế dù đã có GPLX nhưng vẫn thiếu kỹ năng, kiến thức khi điều khiển phương tiện cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn.

Tài xế Việt cần học thêm kỹ năng lái xe và văn hóa giao thông- Ảnh 1.

Không ít người lái xe tại Việt Nam hiện nay dù có GPLX nhưng vẫn thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện, cũng như kiến thức về giao thông

Nhận định về quan điểm này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận: "Đại đa số người lái xe tại Việt Nam hiện nay đã được trang bị khá đầy đủ kiến thức về pháp luật cũng như những kỹ năng cơ bản để điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người lái xe, có thể họ biết quy định pháp luật nhưng không tuân thủ. Ngoài ra, đúng là cũng có một bộ phận người lái xe còn hạn chế về kỹ năng điều khiển phương tiện".

Vì vậy, theo ông Hùng, ngoài yếu tố chủ quan nằm ở khả năng của người lái xe, cần có thêm những thay đổi, bổ sung cũng như cải tiến trong cách thức đào tạo, rèn luyện các kỹ năng cho người điều khiển phương tiện. Do đó, có mặt trong buổi lễ khánh thành Trung tâm đào tạo An toàn giao thông thứ hai của Honda Việt Nam tại TP.HCM mới đây, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá rất cao mô hình đào tạo kiểu mới của hãng xe Nhật Bản.

Tài xế Việt cần học thêm kỹ năng lái xe và văn hóa giao thông- Ảnh 2.

Mô hình đào tạo lái xe kiểu mới như Trung tâm đào tạo An toàn giao thông của Honda Việt Nam sẽ giúp học viên nâng cao kỹ năng khi lái xe tham gia giao thông

Đình Tuyên

Bên cạnh cơ sở vật chất hiện đại với sân thực hành rộng đến 4.000 mét vuông cùng mặt đường chất lượng cao, được thiết kế thành các khu đào tạo chuyên biệt như: khu vực thực hành phanh, kỹ thuật phản xạ, giữ thăng bằng, cua vòng, đường gồ ghề, zíc-zắc; trung tâm còn chú trọng đầu tư 2 phòng đào tạo với máy tập lái xe an toàn (riding trainer) tiên tiến giúp những người lái xe trải nghiệm tình huống nguy hiểm một cách an toàn, từ đó nâng cao kỹ năng dự đoán phòng tránh nguy hiểm cho họ khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, điểm nổi bật của trung tâm này nằm ở phương pháp đào tạo. Ngoài các kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cơ bản như: phanh, thăng bằng, cua vòng, học viên còn được đào tạo thêm những kỹ năng dự đoán và phòng tránh rủi ro trên máy tập lái xe an toàn (riding trainer), mô phỏng chính xác và chân thực các tình huống nguy hiểm và thực hành kỹ năng phản xạ với các tình huống nguy hiểm bất ngờ. Đây cũng là nội dung đào tạo độc đáo và mới chỉ được triển khai duy nhất tại các Trung tâm đào tạo An toàn giao thông của Honda Việt Nam.

Tài xế Việt cần học thêm kỹ năng lái xe và văn hóa giao thông- Ảnh 3.

Cần được nhân rộng những mô hình đào tạo lái xe kiểu mới ở nhiều địa phương trên cả nước, góp phần nâng cao an toàn cho người dân trong quá trình tham gia giao thông

Ngoài ra, ông Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận, các chương trình đào tạo về kỹ năng điều khiển phương tiện trong chương trình đào tạo lái xe cơ bản của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, nếu so với những chương trình đào tạo của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, chúng ta cần phải phấn đấu hơn nữa, bổ sung thêm những kỹ năng, và đặc biệt cũng phải trang bị thêm những trang thiết bị giúp cho người học lái xe (bao gồm cả xe máy, mô tô và ô tô) được trải nghiệm những tình huống nguy hiểm, đòi hỏi phải có những ứng xử phù hợp khi điều khiển phương tiện trên đường. Thứ mà nhìn chung những chương trình đào tạo hiện nay của Việt Nam vẫn còn thiếu.

Từ đó, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, mô hình đào tạo kiểu mới như Trung tâm đào tạo An toàn giao thông của Honda Việt Nam cần được nhân rộng ở nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, không chỉ Honda tham gia vào việc thành lập những mô hình này, những trung tâm đào tạo, sát hạch khác của Việt Nam hoàn toàn có thể trao đổi kinh nghiệm với hãng xe Nhật để có thể triển khai, áp dụng. Như vậy sẽ nâng cao an toàn cho người dân trong quá trình tham gia giao thông, đồng thời đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa mục tiêu chung "không có tử vong do tai nạn giao thông đường bộ" vào năm 2045 của Chính phủ Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.