Đó là cảm giác luyến lưu, bồi hồi, không nỡ xen lẫn một chút gì đó ăn năn, hối lỗi nhưng chân vẫn phải cất bước đi, nói lời tạm biệt trong thầm thì với mảnh đất đã gần thập kỷ gắn bó, cận kề - mảnh đất của những khu công nghiệp, mảnh đất đang vươn lên từng ngày từng ngày, thay da đổi thịt để những con người sống trong lòng nó cũng ngỡ ngàng như lạ như quen.
Trong 30 năm cuộc đời trôi nhanh như một cơn gió, tôi đã có 3 lần chia ly với vùng đất mà mình đã sống, học tập và làm việc. Lần đầu là khi rời xa vùng quê nghèo mộc mạc bình dị với ruộng đồng còn thơm mùi lúa thì con gái đến với thành phố Đà Nẵng - thành phố đáng sống để theo sự nghiệp học hành thắp sáng tương lai. Hết thời sinh viên đầy mộng mơ, nhiệt huyết, tôi cất bước nam tiến, trở thành bạn hữu của mảnh đất Đồng Nai để tìm kiếm một cơ hội làm nên công danh sự nghiệp của riêng mình. Và bây giờ khi đã đi gần nửa cuộc đời, tôi tạm biệt nơi đây, hướng tới hai chữ ổn định cho một gia đình nhỏ vì cuộc sống, vì tương lai mà bị chia cắt bấy lâu nay.
Lần nào cũng vậy, cứ mỗi khi chia xa là một lần thao thức với bao tâm trạng ngổn ngang, bồn chồn, không nỡ…, nhưng lần này nó mãnh liệt, nôn nao hơn cả. Kể ra cũng lạ, nơi đây không yên bình như làng quê nghèo dung dị, không phải là "thành phố đáng sống" như Đà Nẵng thân thương, mà có vô số những "cái đẹp mà chưa đẹp" không thể nào đếm xuể. Vậy nhưng không hiểu sao bây giờ khi sắp phải chia xa mảnh đất này tôi lại thấy luyến tiếc, vấn vương…
Tại sao ư? Vì tôi sợ! Sợ không còn được nhìn thấy cảnh tượng đẹp đẽ vào mỗi sớm mai, ông mặt trời như quả cầu rực lửa từ từ di chuyển "tấm thân tròn lẳn" của mình xua đi màn khói xám đang bủa vây khắp nơi, để phát ra tia nắng rực rỡ làm cho cả không gian xung quanh như được khoác thêm một lớp áo màu hồng bàng bạc mới tinh tươm. Sợ mùa mưa đến không còn nghe thấy tiếng ầm ầm của "thần nước" cố gắng công phá "thành lũy rác" để đưa dòng chảy của mình đến nơi nó nên thuộc về. Sợ mảnh đất mới có bao dung tôi, vị tha tôi như mảnh đất này đã từng lúc tôi mới chập chững bước vào đời với bao bỡ ngỡ, ngô nghê.
Và tôi cũng nhớ: nhớ lắm những người đồng nghiệp thân yêu đã cùng nhau trải qua những ngày tháng miệt mài làm việc khi xưởng bắt đầu đi vào hoạt động, nhớ ngày chủ nhật hát hò quên lối về trên bãi cỏ của khu chung cư... Sẽ nhớ lắm phút giây được giao làm thủ môn bất đắc dĩ nhìn theo trái bóng mà tim cứ nhảy lên bình bịch từng hồi, mặc cho thằng bạn hậu vệ đằng trước cứ liên tục động viên "không sao đang có tau phía trước". Nhớ luôn cả những lúc thảnh thơi hiếm hoi buổi sáng, chạy xe tà tà trên con đường khói bụi… Và còn nhiều lắm, biết bao nhiêu kỷ niệm của một thời tuổi trẻ giờ đây phải tạm biệt thật rồi…
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"!
Tạm biệt nơi "đã hóa tâm hồn", chúc cho những con người ở đó sẽ luôn luôn mạnh khỏe, vui tươi, chúc cho mảnh đất đó sẽ luôn luôn phát triển và vẫn giữ được môi trường xanh, tươi mới như thuở ban đầu. Có dịp gặp lại, tôi hy vọng sẽ lại nhìn thấy bầu trời trong xanh thăm thẳm đã chiến thắng khói bụi mịt mùng để làm chủ không gian của mình, thấy dòng nước không còn phải gồng mình lên vì rác thải, và đàn chim có thể tự do bay lượn hát vang giữa không gian rộn rã đón chào một người con "lạc đường" trở về chốn thân quen…
(*): Trích Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)