Mà lạ, đi đâu xa tôi lại nhớ mảnh đất này. Nhớ nhất trong tôi vẫn là những con phố nhỏ nhắn như có thể đựng trong lòng một bàn tay và những mùa hoa. Độ tiết tháng 3, tháng 4, “đặc sản” là hoa sưa vàng. Đây cũng là thời điểm xuân đã qua nhưng hạ thì mới chớm. Một buổi bình minh, bất chợt ở cuối con đường ùa lại những tiếng ve. Những chú ve ai bảo vô tâm mà cứ thổn thức báo hoài những mùa chia biệt.
Tuổi học trò đã đành, còn những ai đã qua tuổi học trò chẳng thể không bồi hồi nghe ký ức vọng về bao thanh âm, bao niềm luyến tiếc, khi tuổi đầu đời biết nhớ nhung ai. Cái cảm giác bồn chồn, xao xuyến, đắng đót, vui buồn hòa trộn vào nhau để một chiều ngõ vắng nghe ngọn gió tiễn làn hương tóc ai dịu êm chầm chậm đi vào hoàng hôn tím ngát mà hụt hẫng, chơi vơi. Đi dưới sắc vàng hoa sưa và cơn nắng đổ bóng bên vườn cừa, con sông quê mải miết xôn xao nhưng nhiều khi lại lắng mình như để cảm nhận rõ hơn cảnh làng mạc yên bình ngày nào giờ lên phố lên phường với bao sắc màu tươi mới. Ở Tam Kỳ bây giờ bạn bè với sưa vàng còn có bằng lăng tím, phượng hồng huyết dụ, thảo cỏ hoa vàng, mai chiếu thủy trắng trong tinh khiết trên những lối đường tôi vẫn thường qua.
Nhớ hồi mới chia tách tỉnh về Tam Kỳ lập nghiệp, những ngày cuối tuần tôi vẫn thường rong ruổi về Hòa Hương không chỉ để ngắm hoa sưa (bởi sưa nở trong thời gian ngắn trong năm rồi lại tàn) mà để hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng xào xạc của miền quê kiểng... xóa nhòa bao lo toan phiền muộn.
Nhớ về Tam Kỳ là tôi nhớ và nghĩ ngay đến cảm xúc những chiều cưỡi xe lòng vòng trên những con đường quanh thành phố. Nhìn những vạt ruộng lúa lét chét lên xanh xen trong phố, những ao trũng chưa kịp lấp đi chứa lưng chừng nước mưa bên con đường nắng bụi, những con rãnh chưa khớp nối mọc đầy bèo hoa dâu, rồi nở ra những bông hoa tím đến xao lòng, thoang thoảng hương bùn ngai ngái mỗi khi tôi qua đường. Vậy thôi, cũng đủ sức rủ rê tôi mỗi khi rảnh rang hay lúc cảm giác bức bối trong công việc tôi lại dong xe đi một vòng, rồi quay về chốn cũ. Những con đường như những đường chỉ tay trong bàn tay.
Có lúc tôi hình dung Tam Kỳ sẽ khép mình, lạnh lùng biết bao khi không còn những cảnh cứ coi như là hơi nhếnh nhác như vậy. Đi đâu, ở đâu cũng nhà mái bằng, cửa gương kín mít, đêm về bất chợt cơn giông đầu mùa đổ xuống mái hiên… có còn tìm ra được không tiếng ếch nhái um oang góc vườn nhà bên có lùm chuối chát, vài rãnh môn dùng để nấu lẩu cá lóc mấy quán nhậu bình dân… May là đến bây giờ Tam Kỳ lên phố vẫn còn giữ được nét quê kiểng của mình. Năm 2015 tổ chức định cư con người của Liên hiệp quốc công nhận nơi tôi ở là Thành phố cảnh quan châu Á. Với ai không biết, riêng tôi thú thật, tôi công nhận họ có con mắt rất xanh.
Lại nhớ những ngày đầu chia tách tỉnh tôi có thời gian sống cùng những người lao động chân tay “Xóm Củi”, “Cồn Thị” Tam Kỳ. Từng ăn tô cơm vào lúc bình minh chưa lên. Giản đơn một tô cơm đầy, thức ăn là khúc cá ngừ kho dưa cải, tí mắm đặc dầm hành tỏi, ớt cay giã dập… mà sao ngon quá đỗi. Mỗi lần lùa miếng cơm vào miệng tôi có cảm giác cả cánh đồng đang ùa chạy vào tôi, cả vũ trụ chắt chiu tiếp cho tôi năng lượng sống để mà tồn tại, để mà chống chọi với bao trắc trở, đắm đuối, nhiêu khê… Bởi vậy, mỗi lần qua đây tôi luôn cảm thức về những hạt gạo, những giọt mồ hôi tràn cay khóe mắt, tiếng bánh xe sận sụt đẩy lên bậc dốc và cả tiếng thở hụt hơi trong lồng ngực những người dân lao động một nắng hai sương. Họ đâu có biết rằng chính họ đã góp cho thành phố này một thứ năng lượng không tên, những làn hương cỏ dại vô tư, chân chất nhưng không có loài hương hoa nào thay thế được. Tam Kỳ ơi… nhớ nhớ.
|
Bình luận (0)