“Mình có chi thì giúp nấy, quan trọng là tấm lòng”
Xuất thân trong thành phần lao động nghèo chí thú làm ăn, hơn 25 năm qua ông Nguyễn Văn Hai - bà Nguyễn Thị Nuôi dành nhiều thời gian để tham gia các tổ nấu cơm, cháo, nước sôi miễn phí tại các trung tâm y tế thuộc tỉnh Vĩnh Long và TP.Cần Thơ với mong muốn bệnh nhân và người thân giảm bớt phần lo toan vất vả.
Bà Lê Thị Đó, ngụ H.Bình Tân (Vĩnh Long), kể: “Con gái tôi bị bệnh hiểm nghèo điều trị tại Bệnh viện TX.Bình Minh, nhà nghèo không tiền thang thuốc. Biết chuyện, chị Nuôi, anh Hai vận động nhiều tấm lòng vàng xa gần giúp đỡ hơn 30 triệu đồng, mỗi ngày anh chị mang cơm đến tận giường bệnh và động viên mẹ con tôi cố gắng vượt qua nỗi đau như những người thân trong gia đình. Người dưng mà sao họ quá tốt đến vậy”. Bà Đó bật khóc.
Không chỉ vậy, đôi vợ chồng già nhân ái còn giúp đỡ hàng trăm trường hợp học sinh nghèo không đủ điều kiện đến trường; những trường hợp người già neo đơn không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi trong lẫn ngoài địa phương. Từ đó trẻ con quanh vùng đã quen gọi ông bà bằng các từ rất gần gũi “ông ngoại, bà ngoại”.
Để có nguồn kinh phí giúp đỡ hộ nghèo, vợ chồng ông đã làm rất nhiều nghề như: làm mộc, sản xuất tàu hủ ky, chăn nuôi, trồng trọt... Cạnh đó ông bà luôn dạy các con chí thú làm ăn, tiết kiệm các khoản chi tiêu, luôn sống và giúp đỡ các trường hợp đặc biệt khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, con gái của ông bà, xúc động kể: “Ba mẹ tôi luôn dạy các con sống tốt, sống trung thực, chia sẻ nỗi mất mát của người khác. Từ đó mỗi tháng chúng tôi đều dành dụm tiền hỗ trợ các hoạt động từ thiện của cha mẹ. Mình có chi thì giúp nấy”.
25 năm qua, người dân địa phương đã rất quen thuộc hình ảnh đôi vợ chồng cần mẫn gieo trồng hơn 30 loại cây để làm dược liệu cung cấp cho các tổ thuốc nam. Dù nắng nóng hay mưa giông, họ vẫn miệt mài gieo hạt trên diện tích 3.500 m2 đất nhà. Khi cây đã lớn, ông bà chặt và phơi khô để cung ứng cho các phòng thuốc nam, bình quân mỗi năm từ 12 đến 15 tấn dược liệu. Có một câu chuyện rất cảm động là ông bà đã từ chối lời trả giá khu đất trên với giá hơn 1 tỉ đồng để tiếp tục trồng cây thuốc nam đến tận bây giờ.
Ông Hai cho biết: “Tiền ai mà không ham muốn. Nhưng bán rồi lấy đất đâu mà trồng thuốc phục vụ miễn phí cho người nghèo”. Vậy là “huề cả làng”. Một câu nói giản đơn thấm đẫm tình người.
|
Lòng nhân lan tỏa từng ngày
Năm 2019, ông Hai bất ngờ bị tai biến ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, sinh hoạt, trồng thuốc nam. Từ đó bà Nuôi đã mở ra 2 mô hình nhân đạo khác là “Cấp thức ăn cho người nghèo quanh vùng và người khó khăn tại các bệnh viện thuộc TP.Cần Thơ”; mô hình “Tủ quần áo 0 đồng”.
Thấy cực vậy chớ “qua mô” được hết, làm từ thiện vui và khỏe trong mình lắm. Mình giúp người dưng cũng chính là tự giúp mình đó thôiBà Nguyễn Thị Nuôi |
Đến hẹn lại cấp phát. Vào chủ nhật hằng tuần, bà Nuôi đã cùng 12 cộng sự tổ chức nấu nhiều loại thức ăn như: cơm, hủ tiếu, bún, bánh lọt... để cấp phát từ 450 - 500 suất cho các đối tượng. Mỗi suất có giá trị khoảng 12.000 đồng. Nếu làm một bài toán đơn giản thì sau 2 năm hoạt động, tổ từ thiện này đã bỏ ra trên 500 triệu đồng, một con số quá lớn lao, quá ý nghĩa với một vùng quê còn nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Bé Bảy, thành viên của tổ, kể: “Kinh phí hoạt động chủ yếu từ sự đóng góp của anh Hai, chị Nuôi và các con. Cạnh đó là sự chi viện của các tấm lòng vàng gần xa. Để có hàng trăm suất ăn, chúng tôi phải chuẩn bị rất lâu để có thức ăn vừa ngon, vừa lạ miệng lại vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”
Chúng tôi có mặt tại “Tủ quần áo 0 đồng” để chứng kiến niềm vui của nhiều người đến đây lựa chọn những bộ quần áo ưng ý cùng với những vật dụng sinh hoạt khác.
Em Nguyễn Thị Lệ Thu ngụ xã Mỹ Hòa xúc động nói: “Nhà con nghèo lắm, từ khi có mô hình này con thường đến đây nhận quần áo đã qua sử dụng nhưng còn mới lắm cùng nhiều dụng cụ học tập khác, từ đó giảm bớt gánh nặng lo toan cho gia đình”.
Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi trước áp lực công việc quá lớn với sức khỏe của một người phụ nữ tuổi đã 66, bà Nuôi nói liền một mạch: “Thấy cực vậy chớ “qua mô” được hết, làm từ thiện vui và khỏe trong mình lắm. Mình giúp người dưng cũng chính là tự giúp mình đó thôi”.
Bà Nuôi còn khoe với chúng tôi: Người bạn đời đã có nhiều dấu hiệu phục hồi rất khả quan và đang toan tính tiếp tục cuộc hành trình trồng thuốc nam phục vụ miễn phí cho cộng đồng, riêng bà Nuôi đang dự tính sẽ tăng số lần phục vụ các suất ăn miễn phí.
Tấm lòng nhân của đôi vợ chồng già thật đáng trân trọng xiết bao. Họ đã sống thật đẹp, thật ý nghĩa giữa bộn bề bon chen cuộc sống bằng tấm lòng thánh thiện, thư thái, sáng trong.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
|
|
Bình luận (0)