Không chừa con gì
Sống nhiều năm trên núi Cấm, nay đã hơn 100 tuổi, cụ Nguyễn Văn Y (ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, H.Tịnh Biên) rất thành thạo những món ăn đặc sản của vùng núi này. Nhưng khi nói đến các loài côn trùng thì cụ lắc đầu lia lịa: “Chẳng qua người ta bịa ra rồi đồn thổi rùm beng chứ có chứng minh được bò cạp, bọ rầy, bửa củi… có tác dụng gì đâu. Ai cũng tìm mua về ngâm rượu, chiên xào. Cứ thế, bò cạp vùng Bảy Núi bây giờ làm gì còn, con bửa củi thì ngày càng khan hiếm”. Theo cụ Y, trước kia các loài bò cạp, rết, thằn lằn bay… ở xứ này nhiều vô kể. Từ khi có lời đồn thực phẩm này có tác dụng “cường dương, bổ thận”, một số người bắt ăn và bán, dần dần mạnh ai nấy săn lùng.
tin liên quan
Phải ngăn chặn tận diệt chim trờiMới đây về quê ở H.Cần Giờ, TP.HCM tôi bắt gặp mấy nhóm người chuyên hành nghề bẫy, bắt chim trời. Người bắt, bẫy chim đứng ở các trụ điện, giương sào cao lên ngang với trụ điện, để bẫy chim (ảnh), bởi loài chim sẻ thường đậu vào dây điện hoặc các trụ điện.
Chị Nguyễn Thị Đẹp (ngụ ấp Tà Lọt, xã An Hảo, H.Tịnh Biên) thông tin: Bây giờ con gì người ta cũng ăn. Nào là trứng kiến vàng đem xào thịt bò hoặc trộn gỏi bắp chuối hột, nấu canh chua. Còn ong bầu, loài ong chuyên hút mật hoa, bông trái cây, thì người ta đem ngâm rượu uống trị sưng khớp, bệnh gút. Riêng cua núi, trước đây là “đồ bỏ” nhưng giờ giá lên tới 80.000 - 100.000 đồng/kg, có lúc 150.000 đồng/kg, khách muốn mua nhiều phải đặt hàng trước. Cua núi sống ở suối và các khe núi, kích cỡ tương đương cua đồng nhưng màu sắc rất đẹp (xanh hoặc ánh đỏ), có đặc tính rất hung dữ.
“Vì giá bán cao, luôn luôn hút hàng nên nhiều người chuyển sang sống bằng nghề câu cua núi”, chị Đẹp cho biết.
Khuyến cáo của cơ quan chức năng
Ông Phạm Việt Tân, Trưởng ấp Vồ Đầu (núi Cấm, xã An Hảo), cho hay thằn lằn bay trở nên hiếm gặp vì chúng bị bắt gần như tận diệt. Trứng kiến vàng cũng trong tình trạng tương tự. “Vườn cây ăn trái không có kiến vàng sẽ tai hại vô cùng, bởi thiên địch sẽ tấn công, sâu bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất”, ông Tân nói.
Theo ông Bùi Duy Lân, Phó chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên, việc ăn các loại côn trùng, bò sát xuất phát từ sinh hoạt bản địa rồi đồn thổi chứ chưa có chứng minh nào về đặc tính bổ dưỡng của chúng.
“Song các loại côn trùng, bò sát ở núi rừng thuộc loài hoang dã, chúng thường hút và chích mủ cây rừng để sống. Mà cây rừng chưa ai biết hết tác hại của từng loài và ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Do vậy, mọi người phải cẩn thận trước khi dùng hoặc hạn chế sử dụng để an toàn sức khỏe”, ông Lân khuyến cáo.
tin liên quan
Dân phố dở khóc dở cười vì bị con khỉ tinh quái 'đại náo' cả tháng trờiDù bị gài bẫy nhưng đến hôm nay 20.5, đã 3 ngày trôi qua, con khỉ tinh quái ở tổ dân phố 3, phường Nam Lý, TP.Đồng Hới, Quảng Bình vẫn nhởn nhơ chọc phá người dân và vật nuôi.
Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết các nhà nghiên cứu chuyên môn xác định được 893 cá thể thuộc 103 loài dược liệu đã có mặt tại vùng Bảy Núi nhờ môi trường trong lành, không bị nguy cơ ô nhiễm; trong đó có 6 loài nằm trong Sách đỏ cây thuốc VN. Bảy Núi được xem là một vùng dược liệu lớn ở miền Tây Nam bộ, xếp thứ hai sau huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), rất dồi dào trữ lượng về giống loài.
“Tuy nhiên, nguồn dược liệu, côn trùng, bò sát tự nhiên bị khai phá gần như cạn kiệt. Trong khi đó, khả năng tái sinh trong môi trường tự nhiên thường rất chậm. Vì vậy, việc xây dựng vùng dược liệu là rất cần thiết nhằm khôi phục các loài dược liệu quý hiếm, đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng núi, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững”, ông Hòa nói.
Bình luận (0)