Xuất phát từ 7 giờ sáng tại Vũng Tàu nhưng trên đường đi phải dừng lại nhiều nơi nên khi chúng tôi tới Khu du lịch sinh thái Suối Mơ thì đã hơn 11 giờ trưa. Tiếp đón đoàn là lãnh đạo của huyện Tân Phú, khiến chúng tôi vừa bất ngờ, xúc động vừa áy náy, băn khoăn. Giám đốc khu du lịch Suối Mơ đích thân lái xe dẫn chúng tôi đi tham quan khu du lịch rộng hơn 30 ha này, có nhiều nơi đẹp như ở chốn bồng lai tiên cảnh. Không chỉ các nghệ sĩ nhiếp ảnh mà tất cả anh chị em văn nghệ sĩ trong đoàn đều say mê trước những thác nước róc rách hát ca, những vòi nước phun ra từ lòng đất, những con thiên nga trầm lặng, đàn cá koi dạn dĩ… và một hệ thống các khu vui chơi, ngắm cảnh đang được xây dựng.
Chiều hôm đó, đoàn đã đến viếng bia tưởng niệm nhà ngục Tà Lài. Anh Đặng Vũ Hiệp - Trưởng phòng Tuyên giáo Huyện ủy Tân Phú cho biết: "Gần 100 năm trước, đây là nơi giam giữ những người tù cộng sản. Có thời điểm số tù nhân trong ngục lên tới 500 người. Thực dân Pháp muốn mượn nơi rừng thiêng nước độc để nếu không tàn sát thì cũng lưu đày vĩnh viễn những người tù cộng sản. Thế nhưng, 'chẳng tù ngục nào có thể giam giữ, khuất phục được ý chí con người'.
Với tinh thần bất khuất kiên cường, sự mưu trí, lòng can đảm vô song, những người tù cách mạng, bằng những vật liệu đơn sơ và sự giúp đỡ của đồng bào, đã tổ chức nhiều cuộc vượt ngục theo quy mô nhỏ. Nổi trội là cuộc vượt ngục ngày 27.3.1941 của 8 người tù cộng sản ưu tú: Dương Văn Đông, Tô Ký, Trần Văn Giàu, Châu Văn Giác, Trần Văn Kiệt, Trương Văn Nhâm, Trần Văn Đức, Nguyễn Công Trung. Họ, phần lớn đều trở thành lực lượng nòng cốt của Xứ ủy Nam kỳ, góp phần quan trọng trong thắng lợi cách mạng giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nhắc nhở thế hệ mai sau không quên tội ác của giặc và chiến công anh dũng của những người cộng sản, năm 2000, bia di tích nhà ngục Tà Lài bằng đá hoa cương đã được dựng lên…".
Rời Tà Lài, chúng tôi lên ca nô qua bên kia sông, đến tham quan Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, nơi được coi là lá phổi xanh của miền Đông Nam bộ. Nằm cách TP.HCM chừng 150 km về phía bắc, với diện tích 72.000 ha, nối giữa 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng cùng điều kiện địa hình, khí hậu thuận lợi, Nam Cát Tiên trở thành nơi "tập trung" động, thực vật lớn nhất Việt Nam, là điểm du lịch thú vị cho tất cả các du khách yêu mến và quan tâm tới rừng.
Không gian nơi đây vô cùng trong lành và mát mẻ, là nơi sinh trưởng của hơn 1.700 loài động vật. Chúng tôi vô cùng háo hức với hành trình trải nghiệm đầu tiên: tour đi xem thú đêm đầy hấp dẫn. Chuyến đi bắt đầu lúc hơn 18 giờ. Trời cuối thu mát lạnh, cả đoàn ngồi trên chiếc xe mui trần tiến sâu vào rừng già. Xe không bật đèn, chỉ có một ngọn đèn rọi trên tay cô hướng dẫn viên trẻ trung và am hiểu về rừng Thanh Vy.
Trời đầy sao, cộng với sự hướng dẫn nhiệt tình của cô khiến sự e dè về những hiểm nguy khi đi đêm trong rừng của tôi tan biến ngay. Lúc lên xe, Thanh Vy đã dặn trước chúng tôi giữ im lặng, không chụp ảnh có đèn flash, tránh làm những con thú hoang sợ hãi. May mắn trong lộ trình 12 cây số cả đi lẫn về ấy, đoàn đã được chứng kiến cảnh đi ăn đêm của gần cả trăm con thú, thú đi lẻ có, đi theo bầy có, nhiều nhất là nai, bò tót... và cả trăn.
Có lẽ do được bảo vệ nghiêm ngặt và đã khá quen với sự xuất hiện của con người nên phần lớn những con thú khá ở đây dạn dĩ. Khi nghe tiếng ồn hoặc thấy ánh đèn chiếu vào chúng vẫn tiếp tục gặm cỏ, thỉnh thoảng mới có con ngẩng lên hướng ánh nhìn về nơi có người. Tôi ấn tượng với cặp mắt sáng như sao của những con thú trong bóng tối. Thanh Vy hào hứng giới thiệu về những loại động vật đặc trưng của Nam Cát Tiên, những con voi châu Á, những chú bò tót khổng lồ nặng cả tấn, những con gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, nai... Cô nói ngày xưa ở đây có cả hổ, báo, sư tử, tê giác… nhưng đáng tiếc hiện nay không còn nữa. Tuy nhiên Nam Cát Tiên vẫn là nơi trú ngụ của khoảng 40 loài động vật nằm trong sách đỏ thế giới.
Một thành viên trong đoàn hỏi, các tour thăm thú chỉ diễn ra vào ban đêm trên những chuyến xe mui trần như vậy có khi nào gặp nguy hiểm, ví như bị thú dữ tấn công không. Vy cười: "Hổ báo thì không nhưng cũng có lần gặp voi qua đường". "Thế rồi mình làm sao?", chúng tôi hỏi. "Mình nép vào chờ voi đi qua rồi mình đi tiếp thôi ạ!", Vy kể. Trong bóng tối, một ai đó khẽ nói: "Thường là thú hoang, kể cả thú dữ, cũng không tự nhiên tấn công con người".
Kết thúc tour, mọi người trầm trồ xuýt xoa về tấm ảnh chụp hai con nai ăn đêm đẹp như tranh vẽ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Ngọc Thành. Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi tiếp tục có chuyến tham quan khám phá hệ thực vật của Nam Cát Tiên. Vẫn trên chiếc xe mui trần, cậu hướng dẫn viên tên Nam nhiệt tình thuyết minh cho chúng tôi về hệ thực vật của rừng Nam Cát Tiên. Theo lời Nam thì khoảng 50% diện tích của Cát Tiên là rừng cây xanh, 40% là rừng tre, 10% là nông trại. Nơi đây có khoảng 1.600 loài thực vật, trong đó có những cây cổ thụ hàng trăm năm, giá trị như những báu vật của rừng già.
Nam dẫn chúng tôi đến thăm cây tung 400 tuổi, cây gõ đỏ 700 năm tuổi (được mang tên "cây gõ bác Đồng"), những cây cổ thụ mang những cái tên khá ngộ như cây bằng lăng 6 ngọn, cây đa bóp cổ... Những cây thiên tuế mấy trăm năm tuổi, những cây săng lẻ mấy người ôm… cũng đều khiến mọi người náo nức, mạnh dạn dấn bước qua những lối mòn ẩm ướt nhiều dây leo, lá mục và cả vắt.
Nam giải thích cho chúng tôi về những vết thương của cây. Nam nói hồi đó rừng chưa được bảo vệ nghiêm ngặt nên hàng trăm cây gỗ quý, có cây cả ngàn năm tuổi, đã ngã xuống. Chỉ vào vết cắt ngắt quãng trên thân cây gõ đỏ 700 năm tuổi, Nam bảo, "đây là vết thương do bọn lâm tặc gây ra mấy chục năm rồi mà vết sẹo vẫn chưa lành", rồi Nam cười, cho biết thêm "cũng may là hồi ấy họ cưa bằng tay - chậm, kiểm lâm phát hiện kịp thời chứ giờ bọn họ dùng cưa máy thì chỉ trong một buổi sáng là xong cây". Ừ, nhưng bây giờ rừng lại được bảo vệ bằng cả ngàn nhân viên kiểm lâm, cứ suy từ những con thú vẫn bình thản bứt lá, gặm cỏ khi người xe đi tới tối qua thì biết, chúng đang gần gũi trở lại với con người.
Bình luận (0)