TP.HCM có trăm điều thú vị

14/12/2023 09:00 GMT+7

Ở TP.HCM, những người dân sống gắn bó nơi đây đã chứng kiến sắc diện đổi thay của thành phố, rõ ràng hơn ai hết!

1. Dòng sông "khoác áo mới", cũng là một câu chuyện để người Sài Gòn - TP.HCM tự hào. Trước đây, khi nhắc đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người ta sợ. Hai bên kênh ngày ấy, nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm mọc, trông nhếch nhác; dưới kênh nước đen kịt, đặc quánh, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Giờ đây sông đã hồi sinh.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận Bình Thành, TP.HCM

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận Bình Thạnh, TP.HCM

Ngọc Dương

Chiều chiều, người ta có thể tản bộ trên đường Trường Sa, Hoàng Sa mà nghe thành phố thở. Trưa trưa có thể ngồi thư thả dưới bóng cây xanh mát, ru giấc mơ trưa. Buổi sáng, người ta ngồi trong những hàng quán nhâm nhi tách cà phê, lấy năng lượng cho một ngày mới với bầu không khí trong lành, xanh mát. Mọi người không ai nói với nhau về sự thay đổi của dòng kênh, nhưng ai cũng biết môi trường sống của mình đã tốt đẹp hẳn lên!

Sông rồi sẽ xanh! Còn những cây cầu không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, mà còn kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, đưa kinh tế thành phố vượt lên dẫn đầu thu nhập của cả nước. Cầu Bình Triệu, cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Bình Lợi, cầu Ông Lớn, cầu Khánh Hội..., trải qua năm tháng, những cây cầu này đã trở thành một phần kỷ niệm để những người đi xa nhớ về Sài Gòn - TP.HCM.

2. Văn hóa mọi miền đất nước, kể cả thế giới, như hội tụ tại Sài Gòn - TP.HCM bởi thiết chế xã hội mềm dẻo. Cư dân sinh sống, học tập và lao động nơi đây đến từ các vùng miền khác nhau của đất nước, kể cả những người nước ngoài. Họ mang đến đây nhiều sự khác biệt, như: tôn giáo, dân tộc, phong tục tập quán, văn hóa, lối sống… hòa vào tinh thần cộng đồng cởi mở, khoan dung. Chính điều này đã tô thêm vẻ đẹp cho bức tranh văn hóa Sài Gòn – TP.HCM, tạo nên vẻ đẹp của con người Sài thành giàu lòng mến khách, thân thiện, đáng yêu và sống hết sức nghĩa tình.

Sài Gòn - TP.HCM là "vùng đất lành", Sài Gòn – TP.HCM "tạp pín lù", nhưng nó thể hiện sức mạnh truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Tựu trung, văn hóa Sài Gòn - TP.HCM trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh đã vững vàng từng bước tiến lên.

Giờ đây, đi sâu vào những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo nằm cùng trục với hẻm 148, đường Tôn Đản, quận 4, người ta sẽ không còn cảm giác rờn rợn vì sự im ỉm của nó bởi cái cũ và mới đan xen nhau, cái cũ đổi thay từng ngày theo nhịp sống văn minh - hiện đại… Hẻm và người quận 4 giờ khác xưa, nhiều người Sài Gòn khẳng định vậy.

3. Đến TP.HCM là đến với "thiên đường ẩm thực". Ẩm thực nơi đây là sự kết tinh của nhiều món ngon, độc đáo đến từ nhiều nét văn hóa Đông - Tây, hiện đại - truyền thống. Và dù ở nội thành hay ngoại thành, người ta vẫn thích ăn món khoai mì hấp nước cốt dừa chấm muối mè, mà khoai mì Củ Chi mới chịu à nghen!

Tôi có ông sếp, năm nào giỗ má, ông cũng đặt lên bàn thờ món khoai mì hấp nước cốt dừa để thắp hương. Ông nói, má mình khi còn sống thích ăn món này dữ lắm. Thời bao cấp, cuộc sống nhà sếp tôi khá vất vả. Hằng ngày, ba má của ông phải quần quật với đồng áng để kiếm cái ăn cho cả gia đình 6 người. Bữa cơm thường bo bo, bắp, khoai mì, rau tàu bay…

Mỗi sáng trước khi đi học, chị em của sếp lót dạ bằng khoai mì. Đôi lúc bà cụ tỉ mẩn làm bánh tằm khoai mì hay bánh khoai mì nướng cho mấy chị em của sếp ăn đổi món. Ăn miết, nhìn miết…. mùi khoai mì như ngấm vào máu thịt của sếp tôi, nó trở thành xúc cảm yêu thương ắp đầy kỷ niệm, để khi nhắc nhớ về nó, sếp tôi hoài niệm về một thời khốn khó.

Giờ không chỉ với người dân Củ Chi, món khoai mì hấp nước cốt dừa đã để thương để nhớ cho du khách xa gần, và hẳn với các nguyên thủ quốc gia bạn bè khi đến thăm địa đạo Củ Chi.

Và món cơm tấm "sà bì chưởng" - cách nói lái của cơm tấm "sườn bì chả", cũng thuộc hàng đệ nhất món ngon Sài thành. Có người nói sườn bì chả thì ở đâu, nơi nào mà chẳng có. Nhưng, để nói ngon đúng điệu, món cơm tấm sườn bì chả ở Sài Gòn là "ngon nhức nách", tôi có thể khẳng định điều này! Ở đây, ăn món này ngon nhất là phải ăn vào lúc nửa đêm, hay trời về sáng. Bởi thế, nếu rảo xe một vòng quanh thành phố vào lúc tĩnh mịch, ta sẽ không khó để thấy những quán cơm sườn bì chả bình dân bên đường, chẳng bảng hiệu nhưng thực khách vào ra tấp nập.

Đến Sài Gòn –TP.HCM mà chưa thưởng thức món cơm tấm "sà bì chưởng" thì xem như chưa thưởng thức hết món ngon nơi đây!

4. Vĩ thanh…

TP.HCM có trăm điều thú vị - Ảnh 2.

Khi kể chuyện về Sài Gòn – TP.HCM phải bắt đầu từ những hẻm nhỏ...

Ngọc Dương

Và ở Sài Gòn – TP.HCM mà chưa sống ở hẻm sâu ngoằn ngoèo, chưa ngồi lê la quán cà phê cóc đầu hẻm nghe người ta bàn với nhau về tin tức thời sự trong ngày... thì uổng lắm! Chiều về ngắm các chị, các cô dắt con nhỏ đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm đút cơm, vừa đi vừa "tám chuyện" với mấy chị hàng xóm. Mấy đứa con nít tận dụng chút không gian ở hẻm chộn rộn vui đùa…, lâu lâu xe máy chạy ra - vào, tụi nhỏ lại nép vô vách tường, chờ xe qua lại tiếp tục cuộc vui… Nếu chưa "trải nghiệm" không khí này thì xem như chưa hiểu hết văn hóa Sài Gòn.

Và khi kể chuyện về Sài Gòn – TP.HCM phải bắt đầu từ những hẻm nhỏ, nhỏ tưởng chừng như hai chiếc xe máy đi ngược chiều không thể vượt qua nhau, nhưng là nơi hồn quê giữa chốn Sài thành náo nhiệt, nơi người với người sống để yêu thương nhau!

TP.HCM có trăm điều thú vị - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.