Khách vượt cao điểm 2019, khó tránh ùn tắc
Đặt vé máy bay cho cả gia đình về Đà Nẵng ăn tết từ hơn 1 tháng trước, chị Quỳnh Loan (Q.11, TP.HCM) hồi hộp vì chỉ mua được vé chiều TP.HCM - Đà Nẵng của hãng Vietnam Airlines ngày 17.1 (nhằm 26 tết), chặng bay vào hãng đã hết vé phổ thông, chỉ còn vé thương gia giá tới gần 7 triệu đồng/chiều. Mỏi mòn chờ hãng hàng không quốc gia tăng chuyến, tới gần đây chị Loan mới canh mua được vé Đà Nẵng - TP.HCM ngày 29.1 (mùng 8 tết) vào lúc 18 giờ 30.
“Lúc đầu tôi tính bay trưa hoặc chiều nhưng chuyến bay tăng cường toàn bay đêm, gửi gắm nhiều đại lý bán vé thân thiết mới kiếm được chuyến giờ chập tối. Có vé rồi, giờ chỉ hy vọng đừng delay tới tối muộn đêm khuya vì tết sân bay đông nghẹt, nói hơn 20 giờ hạ cánh chứ có khi phải hơn 22 giờ mới về tới nhà. Nếu mà còn delay thì đúng khổ”, chị Loan lo lắng.
Hành khách vật vờ chờ đợi tại sân bay Tân Sơn Nhất |
Độc Lập |
Máy bay delay, vạ vật chờ đợi giữa sân bay ùn tắc không chỉ là nỗi lo của chị Loan mà đã trở thành nỗi ám ảnh của hành khách mỗi dịp tết, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Giai đoạn vừa qua, chưa tới cao điểm mà tình trạng ùn ứ, chậm trễ đã bủa vây từ bên trong nhà ga ra tới khu vực taxi đưa/đón khách. Phương án Tân Sơn Nhất đón cao điểm tết được người dân quan tâm hơn bao giờ hết.
Mỗi giờ, Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 42 lượt máy bay cất - hạ cánh. Tính riêng nhà ga quốc nội, công suất chỉ 15 triệu lượt hành khách nhưng hiện nay phải phục vụ tới gần 30 triệu lượt hành khách. Đó là lý do khiến đơn vị khai thác cảng dù đã làm đủ mọi phương án điều phối, co kéo nhưng cũng không tránh khỏi bất cập.
Khởi công nhà ga T3 cùng dự án trọng điểm 'cứu' sân bay Tân Sơn Nhất |
Căn cứ Quyết định số 2692 ngày 30.11 của Cục Hàng không VN về việc công bố điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ - cất cánh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn phục vụ cao điểm Tết Nguyên Đán, từ 3.1 - 5.2.2023, số lượng chuyến bay đến/đi từ sân bay này mỗi giờ sẽ tăng lên 44 chuyến. Ước tính mỗi ngày có khoảng 130.000 lượt người qua sân bay, phần lớn là khách nội địa với khoảng 90.000 lượt, còn lại khách quốc tế.
Trong đó, khách qua sân bay cao điểm trước tết dự báo đông nhất ngày 20.1 (29 tháng chạp) với gần 123.000 người; sau tết, ngày 29.1 (8 tháng giêng), lượng lượt khách lên đến hơn 144.000. Dự báo trong cả dịp Tết Quý Mão, Tân Sơn Nhất sẽ đón hơn 3,8 triệu lượt hành khách với gần 27.000 chuyến bay, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.
“Với mức độ khách tăng kỷ lục, lại dồn vào nhà ga quốc nội như vậy, rất khó tránh ùn tắc”, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo.
Về phía Nội Bài, ước tính đợt tết sắp tới sản lượng vận chuyển nội địa ngày cao điểm nhất có thể đạt khoảng 80.000 lượt khách và 450 chuyến. Theo tính toán, sản lượng khách nội địa dù cao nhưng chưa vượt qua đỉnh hè 2022. Cục Hàng không cũng đã cho phép tăng slot khai thác tại đây để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong giai đoạn cao điểm.
Cụ thể, giai đoạn trước tết, trung bình slot xác nhận cho các hãng trong nước và nước ngoài là 526 slot/ngày, trong đó slot khung giờ ban ngày trung bình 474 slot/ngày, chiếm khoảng 90% và khung giờ ban đêm trung bình 52 slot/ngày. Tuy nhiên, giai đoạn tết (từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng), tổng số slot trung bình đạt 645 slot/ngày (cao điểm nhất có ngày lên đến 690 slot), tăng 23% so với giai đoạn trước tết và chủ yếu sử dụng cho các chuyến bay nội địa với số lượng trung bình 110 slot/ngày.
Các đường bay có tần suất tăng cao bao gồm đường bay trục từ Hà Nội đến TP.HCM, các đường bay nối các điểm du lịch như Phú Quốc, Cam Ranh, Bình Định và các đường bay từ Hà Nội đi, đến các cảng hàng không địa phương Vinh, Huế, Cần Thơ.
Kiểm soát lịch bay, giải tỏa hành lý
Để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm căng thẳng sắp tới, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã áp dụng thử nghiệm phương án lưu thông của xe Cobus đón trả khách trên đường công vụ A2, đoạn tiếp giáp nhà ga quốc nội, để giảm thiểu ùn tắc. Từ ngày 23.11, nhiều vị trí đỗ và đường công vụ A10 đã được đưa vào khai thác để giảm áp lực luồng tuyến cho các hoạt động đón trả khách, vận chuyển hành lý. Cảng đã triển khai 80 vị trí đỗ tàu bay khai thác thương mại, 2 vị trí phục vụ công tác khẩn nguy.
Trong thời gian phục vụ cao điểm sẽ vẫn duy trì sử dụng các cửa 15 và 26 để tăng diện tích cho hành khách ngồi chờ. Đồng thời thực hiện việc điều phối luồng tuyến sảnh A, sảnh B; phân luồng hành khách tại ga đến quốc nội… Dự kiến giai đoạn cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, các hãng sẽ không kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách tại cửa boarding để góp phần giảm ùn ứ hành khách tại nhà ga đến nội địa.
Tân Sơn Nhất
Đối với hạ tầng giao thông, Cảng sẽ thành lập Tổ phản ứng nhanh để xử lý các đối tượng cò mồi, xe dù, xe ôm chèo kéo hành khách gây mất an ninh trật tự; Thiết lập kênh thông tin liên lạc với các hãng xe taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ để kịp thời thông báo bổ sung, tăng cường xe taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ phục vụ hành khách.
Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất đã họp với các đơn vị vận tải yêu cầu tăng số lượt vận chuyển xe lên hơn 20% so với hiện nay. Tổng cộng sẽ có khoảng 13.000 -14.000 lượt phương tiện đưa/đón hành khách mỗi ngày (hiện nay trung bình khoảng 11.500 lượt/ngày). Trong đó, xe taxi có 5.700 - 6.000 lượt, xe hợp đồng 1.800 - 2.000 lượt, xe công nghệ 5.500 - 6.000 lượt.
Nội Bài
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng cho biết sẽ mở hết các quầy thủ tục, chuẩn bị một cơ số quầy dự phòng cho các hãng hàng không sử dụng khi tăng chuyến bay; mở tối đa các máy soi chiếu an ninh; ứng dụng công nghệ thông tin để tính toán các khung giờ cao điểm của từng khu vực, qua đó điều tiết nhân sự, thiết bị phù hợp; phối hợp với lực lượng công an điều tiết giao thông tại sân đỗ ô tô, các luồng phương tiện tiếp cận nhà ga để đảm bảo sự thông thoáng và thuận tiện cho hành khách.
Bên cạnh đó, Nội Bài đã yêu cầu các công ty nhượng quyền cung cấp dịch vụ vận tải tại cảng đảm bảo đủ phương tiện phục vụ người dân, kể cả những chuyến đêm muộn hay sáng sớm; triển khai các đoàn đánh giá nội bộ để tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ...
Bình luận (0)