Tăng cường quản lý hàng lậu, hàng giả cuối năm

15/12/2021 14:41 GMT+7

Xu hướng mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang phát triển mạnh đã thúc đẩy tình trạng buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và đặt ra cho cơ quan quản lý nhiều thách thức lớn.

Lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch

quang thuần

Tràn lan hàng giả trên mạng

Theo nghiên cứu của Facebook, có tới 79% người mua sắm được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến và 82% sử dụng các thiết bị di động vì an toàn và thuận tiện hơn; 60% người mua hàng cho biết đã chuyển sang các kênh trực tuyến như sàn thương mại điện tử. Việc kiểm soát hàng hóa trên các nền tảng internet đã khiến cho cơ quan chức năng bối rối và vất vả hơn trước nhiều, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài cũng đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tại buổi tọa đàm trực tuyến về tình hình chống hàng lậu, hàng giả ngày 15.12 do Tạp chí Hải quan tổ chức, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Trong 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh doanh hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở các mặt hàng y tế phục vụ cho việc chống dịch như găng tay y tế, khẩu trang, dụng cụ sát khuẩn... Ngoài ra, các loại thuốc lá, thực phẩm chức năng, thời trang giả nhãn hiệu nước ngoài bị phát hiện tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong quý 4/2021 cơ quan này đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến mặt hàng y tế và thiết bị y tế. Các sản phẩm thu giữ được là máy sản xuất khẩu trang, máy phun dung dịch sát khuẩn, kính chống giọt bắn, mặt nạ nhựa, nước muối sinh lý... Đặc biệt có vụ phát hiện doanh nghiệp đang kinh doanh máy đo nồng độ oxy trong máu hiệu PULSE, mã LK87 do Trung Quốc sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, số lưu hành và hóa đơn, chứng từ.

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường), việc đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada... để đưa hàng từ nước ngoài vào Việt Nam rất dễ dàng. Đặc thù của việc kinh doanh online là người bán không có gian hàng thực tế nên rất khó kiểm tra, có khi họ chỉ lập ra website hoặc gian hàng ảo trong một thời gian ngắn và bán hết lô hàng thì đóng cửa, nên khi cơ quan chức năng phát hiện thì đã không xử lý được. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm tăng cao, tâm lý sính hàng ngoại và có một bộ phận cán bộ ngó lơ hoặc tiếp tay cho việc buôn lậu đã khiến cho tình hình chống hàng gian, hàng giả trở nên phức tạp hơn trước.

Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền

Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ để tăng cường kiểm soát hàng hóa cuối năm

quang thuần

Trong dịp cuối năm, tình hình buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng lại trỗi dậy, chẳng những gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm thất thu thuế cho Nhà nước. Các giải pháp để hạn chế, kiểm soát tình trạng này, theo ông Đặng Văn Dũng - Phó Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thì phải quyết liệt tăng cường xử lý các đường dây ổ nhóm và những người tổ chức cầm đầu. Bên cạnh đó là tuyên truyền các quy định pháp luật cũng như thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Người tiêu dùng khi mua hàng thì đa số có thể phân biệt được hàng giả, hàng nhái, các thương hiệu chính hãng cao cấp thì giá rất cao, tuy nhiên khi mua trên mạng xã hội hay trên sàn thương mại điện tử với giá vài trăm nghìn thì chắc chắn không thể là hàng chính hãng được, nhưng vì nhu cầu làm đẹp họ vẫn mua, vô tình tiếp tay cho hàng lậu, hàng giả. Tương tự với câu chuyện trang thiết bị y tế, người dân với tâm lý lo lắng, tự bảo vệ sức khỏe, dẫn đến thời điểm máy thở oxy, khẩu trang, nước khử khuẩn... có lúc bị khan hiếm, nhưng người dân cũng cần phải sáng suốt lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng công nhận để tự bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của chính mình.

Ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, những nội dung mới trong kế hoạch tập trung kiểm tra cuối năm là tăng cường kiểm soát việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm lần này sẽ là tổ chức, cá nhân sản xuất, chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa hoặc có hoạt động thương mại điện tử, hoạt động trên môi trường mạng để kinh doanh, có hành vi, dấu hiệu vi phạm: kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc có hành vi, dấu hiệu vi phạm về quảng cáo, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, niêm yết giá hoặc có hành vi, dấu hiệu vi phạm khác thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường; đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, sản phẩm phòng chống dịch bệnh Covid-19 có nhu cầu lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; các đối tượng hoạt động có tổ chức đường dây, ổ nhóm, thường xuyên vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần.

Trong từng trường hợp cụ thể, nội dung kiểm tra sẽ bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại; thương mại điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xúc tiến thương mại, quảng cáo, chất lượng sản phẩm, các dấu hiệu của hành vi đầu cơ, găm hàng; kiểm tra hàng hóa, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.