Tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội

Thu Hằng
Thu Hằng
07/03/2024 08:30 GMT+7

Dự kiến giữa năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72. Trong đó, Bộ TT-TT sẽ tham mưu tăng mức phạt tiền, cũng như là các hình phạt bổ sung đối với các hành vi trên mạng xã hội.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT chiều 6.3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cho biết hiện Bộ TT-TT trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó có các quy định về hoạt động phát ngôn trên không gian mạng.

Theo ông Lê Quang Tự Do, quy định hiện hành mức xử phạt hành chính đối với hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực, phát ngôn sai sự thật trên không gian mạng từ 5 - 10 triệu đồng. Các sở TT-TT thường chọn xử phạt ở mức giữa là 7,5 triệu đồng. Ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận: "Mức xử phạt 7,5 triệu đồng đối với một bộ phận người dân có tác động rất lớn. Tuy nhiên, với một số người, đơn cử như: người nổi tiếng, nghệ sĩ, Kols… thậm chí là những người kinh doanh thu lời trên mạng xã hội… mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe, bởi họ kiếm được số tiền lớn hơn rất nhiều số tiền phạt".

Nghiên cứu từ kinh nghiệm quốc tế, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng trong một số trường hợp dù tăng đến mức nào cũng không đủ sức răn đe, nhất là với những nghệ sĩ có quảng cáo hàng tỉ đồng. Họ chấp nhận mức xử phạt hàng trăm triệu đồng, đơn cử như trường hợp bà Phương Hằng.

Để khắc phục tình trạng này, ông Lê Quang Tự Do cho biết: "Dự kiến giữa năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72. Trong đó, Bộ TT-TT sẽ tham mưu tăng mức phạt tiền, cũng như là các hình phạt bổ sung đối với các hành vi trên không gian mạng. Người dùng mạng xã hội cũng sẽ phải khai báo xác thực số điện thoại để cơ quan chức năng có cơ sở, căn cứ xử lý khi vi phạm trên mạng xã hội".

Ngoài ra, Bộ TT-TT vẫn đang phối hợp với Bộ VH-TT-DL ban hành quy chế phối hợp hạn chế sóng đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Đây là nội dung mới, trong thời gian sớm nhất 2 bộ sẽ khởi động lại để ban hành quy chế. Ngoài xử phạt hành chính, hạn chế sóng cũng là cách để góp phần răn đe đối với các nghệ sĩ có phát ngôn sai lệch, thiếu chuẩn mực.

Liên quan đến ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng một mình Bộ TT-TT không đủ sức xử lý. Các bộ, ngành quản lý chuyên ngành như Bộ Công thương, Bộ Công an… cần phối hợp với Bộ TT-TT ngăn chặn, xử lý, loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng. Bộ TT-TT cũng sẽ có nhiều biện pháp tuyên truyền về chống lừa đảo, quảng cáo lừa đảo. Các cơ quan báo chí cần thông tin về những hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới để người dân biết và phòng tránh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.