Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt luật số 67/2020) có những điểm mới đáng chú ý so với quy định cũ. Cụ thể, luật số 67/2020 sửa đổi tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực; bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt; tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thay đổi thời hiệu xử phạt một số lĩnh vực; bổ sung thêm 4 trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính…
Bổ sung phù hợp với luật mới
Trong đó, điểm mới nhất có thể kể đến là luật số 67/2020 bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, mà trước đó luật cũ không quy định. Cụ thể, điều 24 bổ sung mức phạt tiền tối đa: 30 triệu đồng đối với tín ngưỡng, đối ngoại; 100 triệu đồng đối với an toàn thông tin mạng; 250 triệu đồng đối với sở hữu trí tuệ; 50 triệu đồng đối với cứu nạn, cứu hộ.
Phân tích về thay đổi mới này, Th.S Lưu Đức Quang, giảng viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng luật số 67/2020 chỉ quy định mức phạt tối đa của từng lĩnh vực, còn hành vi nào vi phạm và mức phạt bao nhiêu thì sẽ phải quay lại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó. “Chẳng hạn Nghị định 99/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, trong đó nêu mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng. Song, trong luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực lại “quên” quy định mức tối đa đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ nên luật 67/2020 đã bổ sung để đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, theo Th.S Lưu Đức Quang, luật số 67/2020 cũng có những thay đổi phù hợp với các luật và nghị định mới đang có hiệu lực thi hành.
“Luật an toàn thông tin mạng ra đời năm 2015, trong đó đề cập các hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời quy định các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Theo đó, Nghị định 15/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15.4.2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cũng được ban hành (thay thế Nghị định 174/2013) đã nêu mức phạt tiền tối đa trong viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100 triệu đồng, trong đó bao gồm cả vi phạm về an toàn thông tin mạng. Vì vậy, luật số 67/2020 đã bổ sung mức phạt tiền tối đa 100 triệu đồng trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng nhằm đảm bảo đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật mới”, ông Lưu Đức Quang phân tích thêm.
Tăng mức phạt tối đa để dự liệu trong tương lai
Đối với quy định tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân ở một số lĩnh vực, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, các lĩnh vực tăng mức phạt tối đa, gồm: giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng; lĩnh vực cơ yếu, giáo dục; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia tăng từ 50 triệu lên 75 triệu đồng; điện lực tăng từ 50 triệu lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí tăng từ 100 triệu lên 250 triệu đồng; và lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu lên 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan cho thấy, Nghị định 100/2019 (thay thế Nghị định 46/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đường bộ, thì mức xử phạt tối đa đối với cá nhân chỉ là 40 triệu đồng.
Một số trường hợp khác như: Nghị định 167/2013 quy định mức phạt tiền tối đa trong phòng chống tệ nạn xã hội chỉ 40 triệu đồng; Nghị định 119/2020 xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản nêu mức phạt tiền tối đa với mỗi hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản là 100 triệu đồng; Nghị định 139/2017 cũng quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 150 triệu đồng; Nghị định 134/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực... cũng quy định mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc tăng mức phạt tối đa ở một số lĩnh vực là cách mà các nhà làm luật đang dự liệu trong tương lai có thể sẽ phát sinh một số hành vi vi phạm mới hoặc các hành vi vi phạm đang được điều chỉnh cần tăng mức hình phạt hơn để tương xứng với hành vi, hậu quả gây ra.
“Luật 67/2020 điều chỉnh mức tối đa nhằm khi cần thiết phải tăng hình phạt trong tương lai, thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định liên quan, không cần sửa luật. Đồng thời, sẽ đảm bảo được tính ổn định đối với các luật sau khi ban hành”, luật sư Hậu nhấn mạnh.
Bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chínhĐiều 122 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
Song, luật số 67/2020 bổ sung thêm 4 trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính, gồm: Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
|
Bình luận (0)