Tăng sức ép giải trình lên cán bộ, công chức

29/10/2024 16:50 GMT+7

Những than phiền về hồ sơ trễ hẹn của người dân sẽ tạo sức ép giải trình lên lãnh đạo cơ quan hành chính và công chức, theo PGS-TS Đỗ Quốc Anh.

Ngày 29.10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Xây dựng chính sách về phát triển vùng: Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức không gian và quản lý công".

PGS-TS Đỗ Quốc Anh, Đại học Monash, Úc nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình trong hoạt động hành chính, không chỉ công chức thực thi mà còn cả cấp lãnh đạo.

Trong hệ thống hành chính, mọi người thường bỏ qua các vị trí có cấp bậc thấp hơn vì cho rằng trách nhiệm không nhiều. Tuy nhiên, nhiều khi đây lại là mấu chốt để tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách, nhất là các thủ tục xin giấy phép. "Chỉ cần mỗi thứ cắt giảm 30% thì tăng hiệu quả cho xã hội nhiều lắm rồi", chuyên gia này nhận định

Ông Quốc Anh đánh giá nhiều địa phương ở Việt Nam có sự sáng tạo, giải quyết hồ sơ quy trình một cửa để các bước gọn nhẹ, đơn giản hơn. Dù vậy, một cửa chỉ là quy trình trên giấy, mấu chốt quan trọng là khi hồ sơ đến tay công chức thì họ làm gì tiếp theo. Muốn tăng trách nhiệm giải trình thì thông tin phải minh bạch, bao gồm cả đối với người dân và cấp quản lý.

Tăng sức ép giải trình lên cán bộ, công chức- Ảnh 1.

PGS-TS Đỗ Quốc Anh, Đại học Monash, Úc

ẢNH: C.T.V

Đơn cử như thủ tục làm sổ đỏ, người dân cần có mẫu số chung về thời hạn giải quyết hồ sơ, tỷ lệ theo từng mốc 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần. Đối với cơ quan, cấp trên có thể dùng công nghệ để biết được cùng một thủ tục đó nhưng 2 công chức xử lý hồ sơ nhanh chậm khác nhau. Các thông tin này phải biết được tức thời chứ không chờ báo cáo định kỳ hay khi có thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến kiểm soát hiệu suất làm việc của công chức, PGS-TS Đỗ Quốc Anh cho biết công việc của họ tương đối rõ ràng, khó xác định mục tiêu một năm xử lý bao nhiêu hồ sơ, làm bao nhiêu việc. Tuy nhiên, nếu dùng dữ liệu lớn thì cấp quản lý có thể phân bổ công việc của phòng ban, thời gian xử lý hồ sơ từng loại hồ sơ.

"Khi người dân được minh bạch thông tin, sự than phiền về hồ sơ chậm trễ tạo sức ép giải trình, thông qua đó tăng hiệu quả làm việc của công chức", PGS-TS Đỗ Quốc Anh nhấn mạnh.

GS Richard M. Walker, Giám đốc Trung tâm công vụ và luật pháp, Đại học TP.Hồng Kông nói rằng đổi mới dịch vụ công không có điểm dừng, và hoạt động này bị tác động bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả những thôi thúc từ bên trong cơ quan hành chính. Các cơ quan nhà nước có thể học hỏi lẫn nhau, cùng đổi mới để cung cấp dịch vụ công tốt hơn.

Về kinh phí, GS Richard M. Walker đồng tình rằng đây là vấn đề nan giải nên các cơ quan phải xác định lĩnh vực ưu tiên đổi mới, phân bổ nguồn lực, nhất là những mục tiêu có thể thực hiện được ngay. "Nên chọn những việc có thể làm ngay để đổi mới dịch vụ công cung cấp cho người dân nhưng không chịu gánh nặng quá nhiều về chi phí", chuyên gia khuyến nghị thêm.

Tăng tính minh bạch để thu hút đầu tư

GS-TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận thành phố thông minh và công nghệ số là những yếu tố then chốt trong việc định hình tương lai của không gian đô thị, không còn bị giới hạn bởi không gian vật lý.

Nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã sử dụng công nghệ số để quản lý không gian ảo của địa phương. Phát triển thành phố thông minh không chỉ giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có mà còn mở ra không gian phát triển mới.

Ông Lợi cũng cho rằng việc đầu tư công có chọn lọc và hiệu quả sẽ là động lực quan trọng cho việc phát triển không gian đô thị, kết cấu hạ tầng. Nguồn vốn đầu tư phát triển không gian đô thị đòi hỏi nhiều nguồn lực trong khi ngân sách luôn có giới hạn buộc các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý phải đưa ra lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, phương thức lựa chọn hoặc các tiêu chí để sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án không phải là công việc dễ dàng.

Tăng sức ép giải trình lên cán bộ, công chức- Ảnh 2.

Thạc sĩ Vũ Thị Quý, Học viện Chính trị khu vực 2 nhận định tăng tính minh bạch của bộ máy sẽ giúp thu hút đầu tư tốt hơn

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Thạc sĩ Vũ Thị Quý, Học viện Chính trị khu vực 2 nhận định trong 4 chỉ số đánh giá môi trường đầu tư: năng lực cạnh tranh, nhận thức về tham nhũng, mức độ thuận lợi trong kinh doanh và rủi ro quốc gia, thì năng lực cạnh tranh và chỉ số tham nhũng mang tính quyết định.

Khảo sát năng lực cạnh tranh tại Singapore và Đan Mạch, bà Quý cho biết cả 2 quốc gia này tập trung xây dựng nền kinh tế có tính mở và tự do, là yếu tố mà Việt Nam có thể tham khảo.

Riêng với chỉ số tham nhũng, kết quả nghiên cứu tại Phần Lan và Đan Mạch chỉ ra điểm chung của 2 nước này là chỉ số tham nhũng khá thấp, không chỉ khu vực công mà còn khu vực tư, các hình phạt không hề nặng nhưng lại là biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ.

5 bài học cho Việt Nam trong hoàn thiện môi trường đầu tư gồm: tiếp cận hệ thống toàn diện các yếu tố; xác định mục tiêu, ưu tiên rõ ràng trong thu hút; tạo môi trường bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và ngoài nước; phát huy sức mạnh con người trên cơ sở kết hợp giá trị truyền thống với thời đại; tăng tính minh bạch, hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.