Tăng tốc giao thông công cộng, 'dọn đường' siết xe cá nhân

24/04/2022 07:01 GMT+7

Hà Nội và TP.HCM đều được đầu tư rất lớn để phát triển giao thông công cộng. Việc 2 TP phát triển mạng lưới từ xe buýt, metro, xe đạp công cộng... hiệu quả tới đâu được xem là mấu chốt quan trọng nhất cho sự thành công của bài toán hạn chế dần xe cá nhân.

Để tạo bước đệm cho việc chính thức “siết” xe cá nhân, thời gian qua, TP.HCM đã đẩy rất mạnh các hoạt động nhằm đưa xe buýt, xe đạp công cộng đến gần hơn với người dân. Đơn cử, từ một phương tiện gần như không nằm trong danh sách lựa chọn của hành khách tại sân bay, xe buýt đang được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng “giải nguy” cho sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm lễ 30.4 - 1.5 sắp tới.

Xe buýt điện Vinbus tại TP.HCM

CTV

Trước tình trạng thiếu trầm trọng taxi đón khách, Sở GTVT TP đã điều chỉnh 2 tuyến xe buýt đang đón khách tại nhà chờ ga Quốc tế kết nối với ga Quốc nội để giảm ùn ứ cho sân bay. Trong đó, 1 tuyến xe buýt liên tỉnh đường dài đi Vũng Tàu, tuyến còn lại cho xe buýt chạy nội thành.

Theo đại diện Công ty AVI (đơn vị quản lý và khai thác tuyến xe buýt số 72-1 chạy tuyến sân bay - Vũng Tàu), hầu hết các chuyến xe đơn vị này khai thác đều đạt tỷ lệ lấp đầy tối đa, trong đó chỉ có 20% khách đặt xe online, 80% còn lại là khách đón xe trực tiếp tại sân bay. “Chúng tôi đang làm văn bản đề xuất dự kiến tăng lên 10 - 12 chuyến/ngày để phục vụ nhu cầu di chuyển tăng cao trong dịp lễ tới”, vị này thông tin.

Tương tự, nhiều hành khách tại TP.HCM đáp chuyến bay đêm về Tân Sơn Nhất cũng đã thay đổi nhu cầu, muốn đi xe buýt về nhà vì thời gian chờ đợi đón taxi, xe công nghệ quá lâu. Vì thế, Sở GTVT TP.HCM cũng đang xây dựng kế hoạch tăng tần suất và thời gian hoạt động của xe buýt chạy tuyến nội thành từ khu vực sân bay kéo dài tới 21 giờ để phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách.

Không chỉ đón khách từ sân bay, mới đây, hình ảnh người dân TP.HCM xếp hàng dài chờ đi xe buýt điện Vinbus cũng gây khá nhiều bất ngờ. Chính thức đi vào vận hành từ ngày 9.3, tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM đã thực hiện 2.623 chuyến, bình quân 94 chuyến/ngày, đạt 99,6% so với kế hoạch trong 1 tháng đầu hoạt động. Tổng sản lượng hành khách vận chuyển là 38.267, tương đương 14,6 hành khách/chuyến, đạt theo kỳ vọng, vì đây là tuyến mới. Đặc biệt vào thứ bảy và chủ nhật, hành khách đi lại đông, hầu hết từ VinHomes Grand Park về công viên 23.9. Đáng nói, chất lượng phục vụ của tuyến được đánh giá 4,9/5 sao, đặc biệt là các hành khách cao tuổi đánh giá rất cao vì cảm thấy được phục vụ tốt.

Ngoài ra, hệ thống xe đạp công cộng sau 3 tháng thí điểm cũng đang được sự đón nhận vượt mức kỳ vọng của người dân TP. Lượng xe sử dụng luôn lớn hơn 50%. Tại các trạm trung tâm như Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Vincom Đồng Khởi… thường xuyên sử dụng 100% công suất. TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng mô hình này ra 5 quận sau 1 năm thí điểm theo kế hoạch.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin trong giai đoạn từ nay đến 2025, TP sẽ mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, các phương thức vận tải khác. Các giải pháp về phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) như đầu tư phương tiện, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách... sẽ tiếp tục được thực hiện.

Bên cạnh đó, ngoài các dự án về đường sắt đô thị, TP cũng đang triển khai dự án Phát triển giao thông xanh, trong đó có đầu tư tuyến xe buýt nhanh số 1 (BRT số 1) dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (từ vòng xoay An Lạc đến ngã ba Rạch Chiếc) với chiều dài 23 km. Dự kiến, tuyến BRT đầu tiên sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2022.

Tại Hà Nội, theo kế hoạch về phát triển VTHKCC giai đoạn từ nay đến năm 2030, chỉ tiêu xe buýt đến năm 2025 đạt 16 - 18%, đến năm 2030 đạt 25%. Tính đến thời điểm hiện tại, TP đã đưa vào khai thác 136 tuyến xe buýt, trong đó có 2 tuyến buýt du lịch và 3 tuyến buýt điện. Riêng trong năm 2022, Hà Nội sẽ mở thêm 28 tuyến buýt, trong đó xe buýt điện sẽ mở thêm 6 tuyến, nâng tổng số buýt điện lên 9 tuyến.

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm quản lý GTCC Hà Nội, cho biết việc mở thêm các tuyến buýt sẽ giúp kết nối vận tải khách theo hướng đa phương thức. Đáng chú ý, từ chỗ “ế khách” trong tháng đầu tiên vận hành, thì tới nay tuyến đường sắt đầu tiên của Hà Nội - Cát Linh - Hà Đông lượt khách đang tăng rất nhanh với những đánh giá tích cực nhờ sự tiện lợi, sạch sẽ và thoát cảnh tắc đường so với xe máy, ô tô. Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, đơn vị quản lý vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, ngày 20.4, tuyến đã cán mốc trên 20.000 lượt hành khách/ngày.

Tuy nhiên, ngoài 1 tuyến đường sắt và 1 tuyến buýt nhanh BRT, hiện hệ thống VTHKCC của Hà Nội vẫn chỉ trông đợi vào hệ thống buýt. Để mạng lưới công cộng đáp ứng được tới 30 - 35% vẫn là mệnh đề nan giải (hiện tại đáp ứng tỷ lệ 10 - 12%). Trong khi theo đánh giá, việc trùng lặp giữa các tuyến trục chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, tốc độ lưu thông bị chậm kéo dài. Việc kết nối giữa các loại hình và kết nối với các khu dân cư còn hạn chế do thiếu các loại hình phương tiện sức chứa nhỏ hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.