Tăng tốc khách quốc tế đến Việt Nam

02/11/2022 06:20 GMT+7

Phố Tây Hà Nội và TP.HCM nêm kín khách ngoại quốc; những khách sạn “full” booking từ nước ngoài… Thị trường khách quốc tế đến VN bắt đầu khởi sắc.

Nhộn nhịp khách tây

Tối thứ bảy một ngày cuối tháng 10, phố bia Tạ Hiện (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) chật như nêm. Khắp các ngả ra, lối vào tuyến đường từ Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang - Hàng Đào chật cứng người. Từ 21 giờ, nhạc bắt đầu mở lớn, có cảm giác như nhạc lớn bao nhiêu thì khách cũng tới đông bấy nhiêu. Không chỉ là tụ điểm của giới trẻ, những cửa tiệm, quán bia vỉa hè nằm san sát nhau bày bán những món ngon vỉa hè đặc trưng Hà Nội ken đặc hai bên con đường dài gần 300 m còn thu hút nhiều gia đình từ người lớn tuổi đến trẻ nhỏ. Len lỏi trong những chiếc bàn nhựa tràn ra đường, có khá nhiều khách nước ngoài.

Du khách phủ kín Tạ Hiện, phố Tây sầm uất nhất của Hà Nội

Hà Mai

Anh Trần Thanh, nhân viên một khách sạn nằm ngay giữa phố Tạ Hiện, cho biết từ sau khi Hà Nội gỡ “lệnh cấm sau 21 giờ” hồi tháng 3, cuối tuần nào Tạ Hiện cũng đông như vậy. Càng về đêm, con phố càng náo nhiệt. “Gần đây, khách nước ngoài tới đông hơn nhiều. Họ thường đi mua ít đồ lưu niệm vào ban ngày và tối quay trở về Tạ Hiện ngồi nhâm nhi vài chai bia. Có tới 40% lượng khách đặt phòng ở khách sạn chúng tôi hiện là người nước ngoài. Họ chủ yếu là những cặp đôi hoặc nhóm bạn đi du lịch tự túc, đến từ Hàn Quốc hoặc Pháp, Bỉ. Mở cửa ra là con phố đông nghẹt, vui nhộn, khách nước ngoài rất thích Tạ Hiện”, anh Thanh nói.

Du khách Kazakhstan đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày 25.10, mở đầu cho sự trở lại của thị trường khách quốc tế từ khu vực Trung Á

Thế Quang

Nếu như phố nhỏ, ngõ nhỏ là cái cớ mà người ta thường dùng để lý giải về những lần “thất thủ” của Tạ Hiện, thì với Bùi Viện (Q.1, TP.HCM), con đường rộng hơn gần gấp đôi cũng không đủ thỏa mãn những cuộc vui của du khách. Trước ngày lễ Halloween, phố Tây của Sài Gòn như một “thỏi nam châm” hút cả người dân TP.HCM cũng như khách quốc tế. Trở lại VN sau gần 1 thập niên, Leelou Flotta (19 tuổi, người Pháp) vô cùng ngạc nhiên trước sự thay đổi của Bùi Viện. Trong ký ức của cô gái trẻ trong lần đầu đến VN hồi 2015, Bùi Viện cũng chỉ đơn giản là một con phố với hàng quán phục vụ chủ yếu cho người nước ngoài.

Du khách nước ngoài tham quan chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) ngày 1.11.2022

Ngọc Dương

“Giờ thì nó không thua bất cứ tuyến phố đi bộ nổi tiếng nào trong khu vực Đông Nam Á. Rất nhiều vũ trường mở, quán bar, quán nhậu với nhạc sống sôi động. Còn có cả những người biểu diễn nghệ thuật đường phố. Hai người bạn của tôi ở VN đã đưa tôi khám phá Bùi Viện về đêm tới gần 2 giờ 30 sáng”, cô Leelou chia sẻ.

Sự xuất hiện dày đặc của khách nước ngoài tại 2 con phố Tây nổi tiếng ở Hà Nội và TP.HCM là dấu hiệu rõ ràng cho thấy du lịch quốc tế của VN đã có những tín hiệu khởi sắc. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết trong 10 tháng năm 2022, ước tính VN đón hơn 2,3 triệu lượt khách quốc tế. Con số này tuy giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019 - khi chưa xảy ra dịch Covid-19, nhưng đã tăng gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 10, khách quốc tế đến VN đạt 484.400 lượt, tăng 12,1% so với tháng trước và gấp 45,9 lần so với cùng kỳ 2021. Tín hiệu khả quan của lượng khách quốc tế đến là nhờ việc VN đã mở cửa du lịch hoàn toàn, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại trong 10 tháng qua.

Nhiều cơ hội mới

Trong tổng số hơn 2,3 triệu khách quốc tế đến VN, Hàn Quốc đang là thị trường gửi khách đến lớn nhất với 130.185 người. Tiếp theo là Mỹ với 41.568 lượt người. Khách đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines vẫn duy trì mức tăng trưởng đều, trong đó khách đến từ Thái Lan cao nhất, ước đạt 31.650 lượt người.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, đánh giá tình hình thị trường đang có nhiều chuyển biến tích cực và mang lại tín hiệu tốt nhất vẫn là thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Bên cạnh đó, trong quá trình chủ động xúc tiến quảng bá tại Các tiểu vương quốc Ả Rập vùng vịnh (GCC) thời gian vừa qua, Vietravel ghi nhận phản ứng của du khách rất tốt. Đây là những đối tượng khách mang tới doanh thu cao, lượng khách ổn định. Cùng với tốc độ tăng trưởng khá tốt từ khách Thái Lan, thị trường Đông Á, Đông Bắc Á được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều khởi sắc cho du lịch VN giai đoạn tới.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, tuy đã gần tới mùa cao điểm khách châu Âu nhưng do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, chiến sự Nga - Ukraine vẫn căng thẳng nên khách đến VN khá chậm, chưa đạt tốc độ như các năm trước dịch. Hiện nay khách Mỹ, châu Âu đến VN chủ yếu là những đoàn trả tour do bị kẹt đợt dịch.

“Có thể phải cần tới 8 - 10 tháng nữa, thị trường khách quốc tế tới VN mới có thể phục hồi hoàn toàn. Mục tiêu đón 5 triệu khách nước ngoài trong năm nay khá khó khăn, song chúng ta có thể kỳ vọng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc sẽ sớm mở ra cơ hội nối lại việc qua lại biên giới giữa hai nước, để VN sớm đón được dòng khách truyền thống lớn nhất này. Vừa rồi Vietravel đã tổ chức khảo sát tại 4 TP mà Trung Quốc đã mở cửa. Họ đang đi du lịch nội địa rất đông và rất nóng lòng để xuất ngoại, du lịch VN”, ông Kỳ thông tin.

Tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng tuần nào Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng đón được một số đoàn khách từ châu Âu như Đức, Pháp. Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty, số lượng khách tuy không nhiều, chỉ 15 - 20 khách/đoàn nhưng khá đều, ổn định.

Mặc dù còn nhiều khó khăn ở các thị trường nguồn, song Lữ hành Saigontourist lại nhìn thấy cơ hội từ dòng khách tàu biển. Dự kiến từ khoảng tháng 1 - tháng 2 năm sau, các du thuyền lớn sẽ bắt đầu đến VN nhộn nhịp hơn. Mỗi tháng, Saigontourist có thể đón được khoảng 2 - 3 tàu. Thông thường, khách sẽ bay tới Singapore, lên tàu rồi đi theo hải trình tới Thái Lan, Malaysia, VN, sau đó qua Hồng Kông, neo đậu ở đó khoảng 7 ngày để đón khách mới rồi đi Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, giờ khu vực phía nam từ Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan đều đang đóng cửa. Có thể VN sẽ tạm thời trở thành “hub” thay cho Hồng Kông nếu các hãng tàu vẫn giữ hải trình này.

“Khi đó, chúng ta không chỉ được phục vụ các đoàn khách từ du thuyền hạng sang mà còn có thể đón được khách từ nước khác bay qua VN để lên tàu. Đây là cơ hội rất lớn cho du lịch VN”, ông Nguyễn Hữu Y Yên nhận định.

Đa dạng sản phẩm để hút khách

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, VN tiếp tục nằm trong những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Chính phủ cũng đã có chính sách mở cửa thông thoáng cho khách du lịch hai chiều đến và đi, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi du lịch nước ngoài và để khách nước ngoài đến VN hưởng những dịch vụ tốt nhất. Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến VN vẫn còn khiêm tốn so với trước đại dịch Covid-19 khi mới chỉ đạt gần 40% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022.

Tổng cục Du lịch đã có những kế hoạch, chiến lược, định hướng phục hồi, phát triển du lịch VN trong giai đoạn tới. Theo đó, tập trung thu hút các thị trường khách quốc tế như Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; các thị trường tiềm năng như ASEAN - Ấn Độ; các nước Tây Âu… Về chiến lược sản phẩm, VN coi trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái chất lượng cao, du lịch xanh, du lịch thể thao như du lịch golf, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững.

“Thời gian tới, thị trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Vì vậy, bên cạnh các phân khúc đã khai thác tốt, chúng ta cần phát triển phân khúc nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các hoạt động thể thao ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Âu, Úc và thị trường mới nổi là Trung Đông. Trong đó, mỗi địa phương nên xác định một số sản phẩm nổi trội, không chồng chéo để tạo thành thương hiệu sản phẩm du lịch đa dạng của từng khu vực, tạo thêm nhiều trải nghiệm để thu hút khách đến VN”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.

Nhiều thị trường khách mới

Trưa 25.10, chuyến bay số hiệu VJ1862 đưa 350 khách quốc tế từ Kazakhstan hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu (từ 25.10.2022 - 30.4.2023), đường bay Cam Ranh - Almaty sẽ được khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần. Đường bay thẳng đầu tiên kết nối TP biển Nha Trang với TP.Almaty - trung tâm kinh tế lớn nhất Kazakhstan, được kỳ vọng mở đường cho sự trở lại của thị trường khách quốc tế từ khu vực Trung Á đến với Khánh Hòa.

Tiếp đó, hôm qua (1.11), chuyến bay mang số hiệu HY3211 của Hãng hàng không Uzbekistan Airways đã đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đưa đoàn du khách Uzbekistan tới trải nghiệm 10 ngày lưu trú, tham quan đảo ngọc của VN. Dự kiến thời gian đầu, mỗi tuần sẽ có 1 chuyến bay thẳng từ Uzbekistan đến Phú Quốc. Đây là bước khởi động quan trọng, tạo tiền đề phát triển ngành du lịch trong bối cảnh mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.