Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với phương án 1 của việc tăng tuổi nghỉ hưu (mỗi năm nam tăng thêm 3 tháng và nữ tăng thêm 4 tháng) nhưng cho biết trong “tâm tư, suy nghĩ”, ông “không đồng tình với phương án nào cả”, vì đây là vấn đề rất khó.
“Xét về tâm tư, nhà khoa học, người quản lý khác biệt với người lao động bình thường, người khó khăn. Chị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có đưa ra ý kiến tôi cho là hay, là cần có độ tuổi nghỉ hưu linh hoạt. Tôi lấy ví dụ thế này, mà chắc ai cũng thấy thôi, người phụ nữ nếu làm cô giáo thì thế này, bác sĩ thì thế kia, giáo sư thì thế khác, sẽ mong kéo dài hơn; nhưng người lao động tay chân chỉ mong được nghỉ hưu sớm”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Theo đại biểu Trí, dự thảo bộ luật này cũng đã tính đến chuyện áp dụng với từng đối tượng khác nhau, như thời gian nghỉ với nhà quản lý, nhà khoa học thì kéo dài ra; còn người làm công việc độc hại thì nghỉ sớm hơn, nhưng “xét kỹ vào nữa cũng vẫn có điểm không hợp lý”.
“Xin lỗi, không phải giáo sư nào cũng giỏi. Tôi khẳng định luôn. Tôi cũng giáo sư nên tôi nói điều đó được. Tôi cũng đã làm thầy. Trừ những thầy rất biết dìu dắt thế hệ sau, còn không phải thầy nào cũng biết hết, làm được hết. Có người giỏi nhưng chuyên sâu một vấn đề, mà là công nghệ cũ rồi, mà họ vẫn ngồi đấy thì thế hệ con em rất khổ”, đại biểu Trí phát biểu.
Cũng theo đại biểu Trí, năng lực khoa học là một chuyện, còn năng lực quản lý, lãnh đạo lại không phụ thuộc vào tuổi tác, thậm chí, trẻ tuổi còn tốt hơn.
“Có người lớn tuổi nhưng rất trẻ về tư duy, biết tiếp thu cái mới. Nhưng cũng có những người chưa già lắm đã trì trệ. Nên riêng quản lý, lãnh đạo lẽ ra phải có tiêu chí khác”, đại biểu nói.
Cũng đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) cho rằng, muốn tăng tuổi hưu thực sự phải có tính toán khoa học, chứ không chỉ so sánh nước nọ, nước kia; rồi ang áng phiên sang nước mình.
“Tôi chỉ đồng ý là hiện nay đến 62 tuổi người Việt Nam vẫn còn rất khỏe mạnh, nhưng không phải vì thế mà tăng tuổi hưu lên 62 tuổi. Việc này còn tác động đến hàng triệu lao động bị dư ra, gánh nặng xã hội là cực kỳ lớn. Tôi tin là Bộ Lao động phải có phương án tính toán, nhưng phải cung cấp cho đại biểu để có đầy đủ cơ sở quyết định. Như anh Trí nói, giáo sư cũng dăm bẩy kiểu giáo sư..”, đại biểu Thanh phát biểu.
Sau ý kiến này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã giơ tay phát biểu để nói cho rõ, “không lại bảo tôi nói xấu giáo sư”. “Tôi nói lại nhé, tôi bảo giáo sư không phải giáo sư nào cũng giỏi. Có những người chỉ chuyên sâu một lĩnh vực thôi, mà làm công nghệ cũ, còn ngồi đó thì rất ách tắc cho các bạn trẻ”, đại biểu Trí nhắc lại.
Bình luận (0)