Tham gia càng sớm càng có lợi
Nhiều nước sẽ bắt đầu áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) 15% đối với các công ty đa quốc gia kể từ đầu năm 2024. Theo Bộ KH-ĐT, hiện VN đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư lớn của VN như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng có kế hoạch thực hiện chính sách thuế TTTC. Đồng thời, các quốc gia cạnh tranh thu hút vốn FDI với VN trong khu vực cũng đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. VN đã tham gia xây dựng, ủng hộ sáng kiến thuế TTTC.
Theo đó, các quốc gia của công ty mẹ có đầu tư vào VN có quyền thu phần thuế tối thiểu đối với thu nhập của công ty con tại VN mà không cần phải đàm phán lại các điều khoản của hiệp định với VN, trừ trường hợp VN và các quốc gia đó đạt được thỏa thuận song phương nhằm không thực thi các điều khoản của quy tắc thuế TTTC. Nhưng đây cũng là cơ hội để VN xem xét, đánh giá, nghiên cứu và hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động đầu tư nước ngoài.
Như nhiều chuyên gia đã phân tích, VN cũng phải bắt đầu áp dụng sớm chính sách thuế TTTC từ năm tới để không bị mất đi số phần chênh lệch thuế ước tính lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Vì nếu không sớm luật hóa để điều chỉnh mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) tương đương với mức thuế TTTC là 15% thì VN sẽ không thu được phần thuế chênh lệch. Trong khi đó, các công ty đầu tư tại VN cũng không được hưởng các ưu đãi này vì sẽ bị các quốc gia của công ty mẹ thu.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), nhấn mạnh: Nội dung về thuế TTTC đã được các chính phủ trên thế giới đưa ra thảo luận từ rất lâu, các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn đã nghiên cứu và có đối sách cho chiến lược đầu tư của tập đoàn mình trong các năm tiếp theo. Hiện tại, không phải mọi dự án đầu tư đều bị giảm hiệu lực do tác động của chính sách này. Nhưng chắc chắn sau thời gian áp dụng đối với các tập đoàn lớn thì chính sách thuế TTTC cũng có thể diễn ra đối với tất cả DN.
Ngoài việc đưa ra quy định để thực hiện thuế TTTC, VN cần có chính sách thích ứng để đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh đầu tư chung. Làm thế nào để cho tất cả mọi DN dù nhỏ đang có chủ trương đầu tư vào VN cũng sẽ thấy được tính hấp dẫn, lợi thế dù không còn ưu đãi về thuế thu nhập DN. Việc tham gia chính sách thuế TTTC là có lợi chung cho cả VN cũng như mọi DN, ngay cả các công ty trong nước. Bởi khi quy tắc này được đưa ra bản chất cũng là để bảo vệ các nước yếu thế, các DN nhỏ hơn sẽ không bị các tập đoàn lớn "đè bẹp" với những ưu đãi riêng.
Vốn FDI vượt mốc 20 tỉ USD sau 9 tháng
Giảm chi phí chính thức và không chính thức
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng không còn cách nào khác là VN phải nhanh chóng đưa ra những quy định cụ thể để áp dụng thuế TTTC cũng như một số chính sách đầu tư rõ ràng hơn. Thậm chí nếu cần, có thể xem xét một số loại thuế, phí khác để thay thế thuế thu nhập DN không còn ưu đãi dưới 15%. Chẳng hạn như tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng áp dụng với một số sản phẩm nào cần khuyến khích sản xuất, phát triển. Nhưng điều quan trọng nhất của VN hiện nay là đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính; chuyển mạng sang chính phủ điện tử, kinh tế số.
Nếu làm tốt sẽ giúp DN giảm được rất nhiều chi phí trong hoạt động, nhất là chi phí không chính thức mà nhiều đơn vị vẫn đang phải gánh chịu theo như khảo sát của VCCI trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm. Đồng thời, VN phải đầu tư vào kết cấu hạ tầng để giảm chi phí logistics vốn cũng đang bị "kêu" thuộc hàng cao nhất trong khu vực; đầu tư mạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong các ngành công nghệ, bán dẫn…
"Đây là cơ hội để VN thay đổi mạnh, tạo ra môi trường đầu tư minh bạch với các yếu tố hấp dẫn mang tính dài hạn hơn dành cho nhà đầu tư ngoại. Chúng ta đang muốn thu hút các dòng vốn FDI lớn trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng nếu thiếu lao động chất lượng cao cũng sẽ khiến họ chần chừ vì dự án sẽ khó triển khai", TS Lê Đăng Doanh nói.
Đồng tình, TS Nguyễn Quốc Việt phân tích thêm VN cần đưa ra những chính sách dài hạn để dù bất cứ DN nào, là nước ngoài hay trong nước cũng sẽ thấy được một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. Xu hướng chung của thế giới là cũng sẽ xóa dần các ưu đãi riêng hay phân biệt DN trong nước với ngoài nước mà chỉ là chính sách chung cho mọi đối tượng tham gia thị trường. Điều quan trọng nhất mà nhiều DN đều bày tỏ mong muốn là giảm các chi phí không chính thức, chi phí tuân thủ pháp luật của VN do vẫn còn khá cao. Hay như chi phí về vốn, logistics của VN cũng đang cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực sẽ khiến cho môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn. Vì vậy, Chính phủ hãy sử dụng các nguồn lực để đầu tư tốt hơn về hạ tầng phục vụ cho sản xuất kinh doanh lẫn hạ tầng xã hội như đảm bảo nhà ở cho công nhân. Việc kéo giảm chi phí hay hạ tầng được gia tăng cũng giúp cộng đồng DN trong nước hưởng lợi và tăng sức cạnh tranh.
Từ đó cũng là một yếu tố hấp dẫn khác trong thu hút nguồn vốn FDI. Nhiều tập đoàn nước ngoài khi muốn đặt dự án sản xuất tại VN họ mong muốn sẽ có chuỗi cung ứng đầu vào tại chỗ đáp ứng yêu cầu. Nếu cộng đồng DN Việt lớn mạnh hơn thì sẽ thỏa mãn được điều kiện này, tạo nên ngành công nghiệp phụ trợ phát triển thay vì hiện nay chủ yếu vẫn do các công ty ngoại tham gia vào các chuỗi cung ứng tại VN. Hay Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh đầu tư nguồn nhân lực khi ở nhiều ngành hiện nay lao động không đáp ứng đủ, cả DN trong nước hay ngoài nước đều rất khổ và phải chịu chi phí cao để tìm nhân lực chất lượng cao. Khi làm được thì tất cả điều đó sẽ tạo nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư VN trong dài hạn, thu hút được cả dòng vốn ngoại lẫn trong nước nhiều hơn.
Từ ngày 1.1.2024, chính sách thuế TTTC do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng sẽ có hiệu lực. OECD đưa ra báo cáo phân tích các biện pháp ưu đãi như trợ cấp bằng tiền mặt và giảm trừ thuế có thể được hoàn lại đạt chuẩn sẽ không bị ảnh hưởng bởi các quy tắc thuế TTTC. Tuy nhiên, OECD cũng lưu ý các quốc gia cần cân nhắc ảnh hưởng về ngân sách nếu sử dụng các biện pháp hỗ trợ này. OECD không ngăn cấm các quốc gia thực hiện cải cách về ưu đãi thuế. Tuy nhiên các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phải đảm bảo các yếu tố như được áp dụng không chỉ cho DN là đối tượng bị ảnh hưởng bởi thuế TTTC; việc thiết lập các tiêu chí cần rõ ràng để xác định việc hưởng trợ cấp không nhằm mục đích đền bù, đối trừ nghĩa vụ do thực hiện thuế TTTC…
Bình luận (0)