Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị về gói hỗ trợ doanh nghiệp

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
10/06/2021 17:04 GMT+7

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiến nghị nếu có gói hỗ trợ mới lần này, nên nhắm vào hỗ trợ doanh nghiệp về thuế phí, về tài chính và an sinh xã hội cho trực tiếp người lao động .

Ngày 10.6, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Vinatex và Công đoàn Vinatex cho hay khoảng tháng 3.2020, các ban ngành, cơ quan nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ nhất như giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ về vốn; gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất với doanh nghiệp gặp khó do Covid-19; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn
Theo Vinatex, những nội dung hỗ trợ trên rất phù hợp với khối doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tuy nhiên, Vinatex cũng cho biết có nhiều điều kiện áp dụng không thực tế khiến doanh nghiệp không tiếp cận được hỗ trợ. Chẳng hạn, các doanh nghiệp khó đáp ứng quy định "có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 - 31.12.2020” để vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp chỉ thực hiện giãn giờ làm, chỉ để người lao động nghỉ 7 ngày, 15 ngày trong tháng để đảm bảo người lao động đi làm luân phiên có lương.
Ngoài ra, các gói hỗ trợ tín dụng của ngành ngân hàng còn nhiều bất cập ở khâu thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận phải đáp ứng các thủ tục phức tạp.
Vinatex kiến nghị điều chỉnh điều kiện hưởng hỗ trợ vay tiền trả lương ngừng việc như doanh nghiệp đảm bảo 100% duy trì được việc làm cho người lao động thì được hỗ trợ như hạ lãi suất ngân hàng ở mức tối đa 0%; xem xét đưa ra điều kiện liên quan đến thiệt hại về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chứ không xem xét dựa trên số lao động nghỉ việc để điều chỉnh điều kiện hưởng hỗ trợ dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất.
Nếu có gói hỗ trợ mới lần này, Vinatex kiến nghị gói hỗ trợ tập trung vào ba nhóm giải pháp chính gồm hỗ trợ doanh nghiệp về thuế phí, về tài chính và hỗ trợ trực tiếp cho người lao động thông qua các gói hỗ trợ về an sinh xã hội.
Đồng thời, cần có hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn bởi có một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, dệt may... song cũng lại có một số ngành có cơ hội phát triển tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.