Chao đảo thời dịch giã: Thạnh Lộc sau những barie

09/06/2021 08:50 GMT+7

Cách chỗ chúng tôi đứng chừng vài trăm mét là những barie và tấm bảng ghi khu vực phong tỏa chắn ngay lối vào UBND P.Thạnh Lộc.

Còn phía trước mặt là đường TL13 (khu phố 1, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM) với nhiều ổ gà, cỏ mọc um tùm ra sát mép lộ.
Đứng ở đường TL13, cứ cách 2 phút là thấy các phụ nữ đèo bịch gạo trên chiếc xe đạp. Họ bảo nguồn sống tạm thời của mình giữa lúc dịch giã phụ thuộc vào tấm phiếu nhận gạo tại cây ATM gạo gần đó.
Bà Nguyễn Thị Thanh “đi chợ” ở gian hàng 0 đồng ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Bà Nguyễn Thị Thanh “đi chợ” ở gian hàng 0 đồng

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Từ trung tâm TP.HCM, di chuyển theo đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp), qua cầu An Lộc đến đường Hà Huy Giáp là địa phận P.Thạnh Lộc. Phường này có nhiều tuyến đường, kênh xẻ ngang dọc. Khuya 26.5, Thạnh Lộc phát hiện 2 ca dương tính Covid-19. Tính đến thời điểm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (0 giờ ngày 31.5), phường có 7 ca nhiễm Covid-19 và 48 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn. Đến ngày 8.6, đã hơn một tuần Thạnh Lộc sống trong giãn cách.

Người dân khu cách ly Covid-19 thi trồng táo, quên căng thẳng ngày dịch

Gói mì chia đôi

Trên giỏ xe đạp cà tàng của bà Lê Thị Liên (60 tuổi, ngụ trên đường TL19, khu phố 3B) có mấy gói mì tôm và một chai nước tương. Bà hớn hở nói mình mới được nhận những món đó tại cây ATM gạo đặt ở Trường mầm non Bông Sen (khu phố 1). Ban nãy, trên đường từ nhà qua đây nhận gạo, bà may mắn nhặt được thêm vài thùng giấy carton.
Bà Liên là người Thanh Hóa, vào TP.HCM gần chục năm nay và mưu sinh bằng việc nhặt ve chai. Bà Liên sống cùng gia đình 2 người con trai. Tiền phòng trọ của cả nhà tính luôn điện nước là gần 2 triệu/tháng. Hai con bà cũng nghèo. Ngày trước lúc mới đến, ai cũng đi làm, bà ở nhà buồn quá thành thử mới đi thu mua phế liệu, nhặt ve chai.
Lúc Thạnh Lộc chưa giãn cách xã hội, cứ 7 giờ là bà lọ mọ đi kiếm ve chai quanh khu phố, đến trưa về nghỉ một lúc và bỏ bớt phế liệu ở nhà, sau đó lại tiếp tục cữ chiều đến 19 giờ rồi về. Mỗi tháng bà cũng kiếm được 3 triệu đồng. “Nhưng giờ giãn cách, tôi không thể đi làm nữa vì đại lý họ đóng cửa, không thu mua”, bà Liên kể. Bao năm đi thu lượm phế liệu, đôi tay bà đã chai sần.
Khi được hỏi về mấy ngày qua sống thế nào, tay cầm gói mì tôm từ trong giỏ xe, bà Liên nói: “Đây nè, mấy ngày nay ăn món này nè, mà chia đôi gói mì ra, ai ăn nổi thì ăn. Mình có phiếu lãnh gạo, 2 kg gạo ăn cũng được 2 ngày. Mà bữa ăn của mình khác rất nhiều. Lúc trước mình có thu nhập, mình có thể mua món này món kia. Nhưng giờ đâu có tiền đâu mà cầu kỳ, cũng có bữa ăn với canh, có bữa cơm trắng chan nước tương”.
Thấy lưng quần bà Liên chằng chịt vết chỉ may siết lại, chúng tôi gặng hỏi, bà bảo: “Chồng của tôi mất chục năm rồi, quần này tôi nhặt ve chai, thấy người ta vứt nên đem mặc. Mà hổm nay tuột quá”.
Cũng trong cảnh ngộ ve chai hiu quạnh, bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ tại tổ 10, khu phố 3) chỉ vào giỏ xe đạp có vài củ khoai, bảo nguồn sống mấy bữa nay của bà là nhờ “gian hàng 0 đồng” tiếp tế của các nhà hảo tâm. Bà Thanh bảo có 2 chiếc xe đạp, một chiếc có thùng chứa kê ở yên sau để đựng phế liệu, còn chiếc này để dành “đi xóm” (đi công chuyện - PV) hoặc chở cháu nội đi dạo.
Trong tính toán của người phụ nữ 63 tuổi này, bà sẽ dồn phế liệu 2 tuần bán một lần để có được ít tiền trang trải và để dành. Mới nửa tháng rồi, bà kiếm được 500.000 đồng. “Tôi ở với gia đình 2 đứa con luôn. Nhưng được cái tôi có nhà ở đây, cơm nước con cháu cũng phụ nên giờ tôi tính mua cái ống heo, bỏ vô chút đỉnh, phòng hờ bệnh hoạn hay con cháu nó cần”, bà Thanh chia sẻ.

TP.HCM đang có 317 điểm phong tỏa chống dịch Covid-19

Buồn hiu chợ vắng

Sau những barie phong tỏa, đời sống nhiều người dân tại P.Thạnh Lộc xáo trộn, người mất thu nhập, người mất việc.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi (ở trọ trên đường TL15) cũng trong cảnh ngộ “cười lẻ, khóc thầm”. Mới từ Sóc Trăng lên đây ít năm, bà bảo dưới quê nghèo, ít ruộng, nợ nần nhiều nên phải lên đây tìm việc.
Bà Lê Thị Liên tranh thủ gom ve chai đợi đại lý mở lại để bán ẢNH: BÍCH NGÂN

Bà Lê Thị Liên tranh thủ gom ve chai đợi đại lý mở lại để bán

ẢNH: BÍCH NGÂN

“Trước dịch, tôi phụ bán quán cơm nhưng nghỉ vì dịch. Sau đó mới đi làm may gia công tư nhân. Mới làm được 20 ngày thì P.Thạnh Lộc giãn cách nên cũng ngưng việc, tiền lương chưa có. Chồng tôi và con trai tôi làm ở xưởng cơ khí nhưng mà đợt dịch này cũng nghỉ ở nhà. Đợi chừng nào hết dịch, công ty mở lại thì mình làm. Mình khó khăn, giờ lay lắt qua ngày rồi hết dịch tính tiếp”, bà Chi nói.
Từ ngày giãn cách, nhịp sinh hoạt của gia đình người phụ nữ U.60 này xoay vần quanh chuyện “mua chịu” (mua thiếu). “Mấy bữa chưa lãnh gạo ở cây ATM gạo thì mình mua chịu ở tiệm tạp hóa. Còn tiền trọ, tôi cũng khất một tháng nay rồi”, bà Chi kể và chia sẻ thêm: “Quan trọng vẫn là sức khỏe của mình. Chỉ cầu mong sao dịch bệnh qua mau, mình đi làm lại”.
Rảo quanh một số khu chợ tại P.Thạnh Lộc, các tiểu thương đều than ế ẩm vì công nhân các địa bàn lân cận như ở P.Thạnh Xuân hay ở vùng lân cận thuộc tỉnh Bình Dương dừng việc hoặc không ghé sang Thạnh Lộc nữa.
Chị Nguyễn The (45 tuổi, tiểu thương tại một khu chợ thuộc khu phố 3) đậy tấm bạt lên chiếc xe đẩy bày hàng rau củ để chuẩn bị về nhà, nhưng mãi chừng 10 phút sau vẫn còn tần ngần mong có thêm người mua. Chỉ tay qua hàng rào phong tỏa, chị The bảo: “Đó, từ ngày có cái hàng rào đó là hoạt động ngưng trệ. Trước dịch, buổi chiều, công nhân tan ca về ghé chợ, cân không ngớt tay. Thành thử, trước kia hai vợ chồng tôi phải thức từ lúc 3 giờ sáng để lấy hàng về. Xe tôi bán ít mà trước đó đã bán chục ký một ngày, giờ bán chậm chưa từng thấy, lời lãi không bao nhiêu”.
“Từ ngày giãn cách, nhìn cái chợ này buồn không tả nổi. Mình buôn bán ở chợ quen hơi, quen cái nhịp độ ở đây nên vầy không có hứng bán luôn”, chị The lo lắng. (còn tiếp)

ATM gạo "thế hệ mới" đã đến với bà con vùng phong tỏa Covid-19

Cây ATM gạo và “gian hàng

0 đồng” đặt tại P.Thạnh Lộc của Quận đoàn Q.12 hoạt động từ 1.6, hỗ trợ đối tượng chủ yếu là lao động nghèo, công nhân bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
ATM gạo giúp người khó khăn ở Q.12 trong những ngày này ẢNH: KHẢ HÒA

ATM gạo giúp người khó khăn ở Q.12 trong những ngày này

ẢNH: KHẢ HÒA

Đại diện Quận đoàn Q.12 cho hay lần này có hơn 1.000 phiếu nhờ UBND P.Thạnh Lộc phân phát cho từng tổ dân phố, rồi các tổ dân phố sẽ phân chia cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn hàng đóng góp từ nhà hảo tâm, bà con tiểu thương ở chợ Tân Chánh Hiệp. Hiện nay đã quyên góp được 4 tấn gạo, mỗi người dân sẽ được lấy 2 kg gạo. Đồng thời, tại “gian hàng 0 đồng”, những người khó khăn được chọn rau, củ, quả, trứng… để bổ sung vào bữa ăn của gia đình mình.
P.Thạnh Lộc nói riêng và Q.12 nói chung những năm qua có nhiều dân nhập cư đến sống. Ông Hồ Tấn Thành, Chủ tịch UBND P.Thạnh Lộc, cho biết phường có tổng số dân hơn 60.000 người, ở đây có nhiều công nhân và lao động tự do. Tình hình dịch Covid-19 này khiến họ lao đao vì phải ngưng công việc.
Theo ông Thành, phường sẽ tăng thêm số cây ATM gạo tùy vào nguồn lực huy động, đặt trên các địa bàn khu phố khác, để người dân không phải di chuyển nhiều. Phường cũng đã vận động được 9 tấn rau để phân phối cho người dân trong khu phong tỏa, ưu tiên cho người dân thuộc diện khó khăn. Sau khi P.Thạnh Lộc gỡ phong tỏa sẽ tiếp tục rà soát số lượng người yếu thế, lao động, bán vé số ở trọ trên địa bàn để có biện pháp giúp đỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.