Tập trung xử lý tình trạng 'báo hoá' trang thông tin điện tử tổng hợp trong 2023

Thu Hằng
Thu Hằng
22/12/2022 19:09 GMT+7

Năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tập trung xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội ; rà quét, xử lý vi phạm trên mạng internet.

Thông tin trên được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 do Bộ TT-TT tổ chức ngày 22.12.

Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022

Lê ANh Dũng

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), cho biết tính đến 30.11, Bộ TT-TT đã cấp 956 giấy phép mạng xã hội (giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021); Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và Sở TT-TT các địa phương cấp phép 1.980 trang thông tin điện tử (giảm 31,3%), dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng viễn thông di động đã cấp cho 506 doanh nghiệp (giảm 90%).

Nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội, năm 2022, Bộ TT-TT tạm dừng cấp phép đối với trang tin của cơ quan báo chí, siết chặt các điều kiện cấp phép; đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh; tạm dừng 5 tên miền vi phạm.

Tuy nhiên, số người dùng mạng xã hội lại tăng 7%, đạt 72 triệu người dùng, do xu hướng đọc tin tức và tương tác trên mạng xã hội phổ biến hơn là đọc trên các ứng dụng chuyên cung cấp tin tức.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho hay năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tập trung xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; rà quét, xử lý vi phạm trên mạng internet; xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” (whitelist) và nội dung “đen” (blacklist) trên mạng của Việt Nam…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho hay, người dùng hiện nay khi lên mạng khá vất vả trong việc sàng lọc, phân biệt đâu là báo, đâu là trang tin điện tử, đâu là những nguồn tin chính thống, đâu là những nguồn tin phải cảnh giác.

Theo ông Lâm, hiện nay có hơn 2.000 trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, trong đó có mấy trăm trang không hoạt động.

Trong khi tiêu chuẩn, điều kiện trở thành người lãnh đạo cơ quan báo chí vô cùng ngặt nghèo, thì doanh nghiệp khi đăng ký trang thông tin điện tử hay mạng xã hội có thể cử bất cứ ai, không rõ học gì ra, có thể chịu trách nhiệm về mặt nội dung.

“Chúng ta phải làm lành mạnh không gian mạng, nếu cấp phép mà không quản được sẽ gây rủi ro rất lớn. Sở TT-TT các địa phương, nhất là Sở TT-TT Hà Nội và Sở TT-TT TP.HCM cấp phép nhiều trang thông tin điện tử cần phải rà soát lại các doanh nghiệp được cấp phép trang thông tin điện tử, xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội”, Thứ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.