Phải loại bỏ nạn 'báo hóa' mạng xã hội

03/04/2022 05:53 GMT+7

Đó là ý kiến của Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Nguyễn Đức Lợi (ảnh) khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên . Cụ thể, ông nêu như sau.

Trước hết, tôi phải nhấn mạnh một quan điểm đã được các chuyên gia, các nhà quản lý báo chí khẳng định mạng xã hội (MXH) không phải là báo chí. Không chỉ ở VN, ở Mỹ - nơi khai sinh ra MXH như Facebook, MXH cũng không được coi là báo chí.

C.L

Điều đáng quan ngại là theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), hiện tượng các MXH hoạt động như các tờ báo điện tử hay thường được gọi là “báo hóa” MXH ngày càng diễn ra phổ biến. Số liệu mới đây từ Cục Báo chí cho biết, hiện có 816 cơ quan báo in và điện tử. Trong đó, có 138 báo, 369 tạp chí chuyên ngành và 309 tạp chí khoa học.

Năm 2022, Bộ TT-TT bước đầu xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, chủ yếu của các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và một số viện nghiên cứu. Các hồ sơ xin cấp phép có tên miền na ná với tên miền của cơ quan báo chí ngày càng tăng cao. Chuyện nhân sự của các trang MXH đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài y như phóng viên các cơ quan báo chí ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều diễn đàn, MXH còn có phóng viên hưởng lương hằng tháng để đi tác nghiệp viết bài dù lấy tên tài khoản là thành viên, nhưng với mật độ xuất hiện như phóng viên báo chí. Thông tin đăng tải trên các trang MXH “giả danh báo chí” hoàn toàn chưa được kiểm chứng, thậm chí gây nhiễu loạn, làm méo mó dư luận đời sống xã hội.

Tình trạng “báo hóa” các trang MXH gây nhiều quan ngại

CHụp màn hình

Đây là một thực trạng đáng quan ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan báo chí chính thống nói riêng, sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội nói chung. Tình trạng này buộc phải được loại bỏ.

Trong thời gian qua, vấn đề quản lý, hạn chế, xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” MXH đã được các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đặt ra từ lâu nhưng kết quả đạt được là chưa đáng kể. Đơn cử như tại TP.HCM, hiện địa phương này có khoảng 985 trang thông tin điện tử, trong đó hơn 639 trang đang hoạt động và gần 349 trang đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế rà soát, hiện nay có tới 1.389 trang đang hoạt động không có giấy phép. Năm 2021, Sở TT-TT TP.HCM mới xử lý 60 trường hợp, trong đó cơ bản hướng dẫn gọi nhắc nhở.

Mới đây nhất, để hạn chế tình trạng này, Bộ TT-TT đề xuất một số quy định mới như MXH không được tự cung cấp thông tin, các dịch vụ khác; chỉ các tài khoản được định danh 2 lớp mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà, nếu không chỉ được xem tin bài; mạng xã hội đăng thông tin thành viên theo thời gian thực, không sắp xếp vào các chuyên mục; không cho phép thành viên mạng xã hội đăng tải các bài viết giống sản phẩm báo chí…

Tôi cho rằng đó là những động thái hết sức cần thiết và cần phải được hiện thực hóa ngay. Theo tôi, Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã trình Chính phủ cũng nên được đẩy nhanh việc ban hành trong năm nay.

Về phía Hội Nhà báo VN, với tư cách là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo T.Ư, tuyên truyền, phối hợp thắt chặt quản lý các cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, nhắc nhở hội viên quán triệt nghiêm túc Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo VN đã được Hội Nhà báo VN ban hành năm 2018.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.