Không khác diễn viên xiếc chuyên nghiệp
17 giờ 30, chị Đỗ Thị Lê Na (29 tuổi), ngụ đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) có mặt tại lớp học "yoga bay" (aerial yoga - PV) trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh. Sau những bài tập khởi động trên thảm để làm nóng cơ thể, chị bắt đầu tập bài tập trên không với dây lụa.
Đoạn dây dài 8 m được mắc trên trần nhà có hình dáng như chiếc võng lụa. Theo HLV tại phòng tập, loại võng này có thể chịu được trọng lượng đến 300 kg. Tựa người vào dây, chị Na ngả về sau, tay bám chặt dây rồi trút ngược đầu xuống đất trong tư thế trồng chuối, còn chân thì quấn vào dây để giữ thăng bằng. Đây là một trong những tư thế phổ biến nhất khi tập "yoga bay", giúp người tập có sự cân bằng, giảm lực nén lên cột sống, giảm căng thẳng và giảm đau.
"Hồi đầu mới tập mình sợ lắm, sợ té bất thình lình, nhưng 3 tuần đi tập mình hết sợ, làm quen với dây, thả lỏng cơ thể, chủ yếu tập môn này thì lực tay mình phải mạnh để nắm, trượt dây", chị Na nói.
Còn chị Phạm Thị Chinh (29 tuổi), ngụ đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), mới đi tập "yoga bay" được 1 tháng nhưng rất thích bộ môn này. So với tập yoga sàn, chị thấy "yoga bay" giúp cơ thể được giải phóng hoàn toàn, nhất là phần lưng dưới, không phải chịu áp lực của cơ thể. Tập "yoga bay", chị thấy mình ít đuối sức hơn vì có dây lụa hỗ trợ, sức bền tăng lên qua từng buổi tập và lực tay dần cải thiện.
Lớp học "yoga bay" kéo dài 1 giờ, nhưng chị Chinh thích nhất là 15 phút cuối giờ, học viên được học một bài tập mới, thả dáng trên dây không khác gì diễn viên xiếc chuyên nghiệp.
Không nên tự tập "yoga bay" tại nhà
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, HLV "yoga bay" có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc tại một phòng tập trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, cho biết "yoga bay" là một hình thức yoga có nguồn gốc từ Mỹ, từ năm 2018 ở VN đã có nhiều người theo tập bộ môn này. "Yoga bay" kết hợp giữa yoga, xiếc và múa. Xiếc là dùng lực để điều khiển cơ thể, còn múa có sự mềm mỏng, uyển chuyển. Khi tập "yoga bay", hầu như toàn bộ cơ thể đều phải tham gia, cơ đùi, cơ bụng, cơ tay vận động linh hoạt để thực hiện các động tác, còn dây lụa là công cụ hỗ trợ đắc lực.
Với người mới bắt đầu tập "yoga bay", những ngày đầu sẽ học các bài tập trên dây có tiếp đất, sử dụng dây để mở vai, lưng, khớp háng. "Người mới tập cơ thể còn cứng, chưa được dẻo dai thì dây sẽ hỗ trợ tốt hơn. Từ 1 - 3 tháng, thể lực tăng cường và cơ thể có độ dẻo, họ có thể tập bài tập nâng cao, tạo nhiều kiểu bay bổng trên dây", chị Nhàn nói và cho biết bộ môn này khá sáng tạo, người tập có thể tự do biến hóa nhiều kiểu tập khác nhau mà không gò bó.
Tuy nhiên, với nhiều động tác phức tạp, người tập có thể quên bài hoặc đuối sức giữa chừng, bị vướng trên dây không thể tiếp đất. Lúc này, HLV sẽ hỗ trợ, đỡ xuống đất an toàn. "Bởi vậy khi tập "yoga bay" cũng lưu ý là nên tập cùng nhiều người, không nên tập một mình tại nhà vì có thể nguy hiểm", chị Nhàn nhắn nhủ.
Đồng tình quan điểm trên, chị Lý Thị Hồng Duyên (30 tuổi), ngụ đường Bùi Văn Thân, Q.Phú Nhuận, với kinh nghiệm tập "yoga bay" hơn 1 năm, cho rằng học viên cần bám sát hướng dẫn của HLV, nên tập chung với nhiều người để được hỗ trợ.
"Mình thấy học "yoga bay" thì phải học và nhớ nhiều động tác xoắn tay, xoắn chân, nó sẽ tạo nên những nút thắt, mình phải làm đúng động tác thì mới mở được nút thắt, nên khả năng té xuống đất là rất khó. Tuy nhiên, khi tập cùng nhiều người, họ sẽ quan sát mình tập có đúng không, bị xoắn dây hay khó khăn gì sẽ hỗ trợ kịp thời", chị Duyên nói.
HLV yoga N.H.N làm việc tại P.An Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết khả năng học viên tự làm mình bị thương khi học "yoga bay" cao hơn những bộ môn yoga khác. "Người học "yoga bay" có thể làm mình rơi khỏi dây lụa nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra", chị N. nói.
Bình luận (0)