Tất tần tật những gì bạn cần biết về tự kỷ ở người lớn

Tạ Ban
Tạ Ban
24/11/2019 10:43 GMT+7

Có những người trưởng thành sống chung với tự kỷ cả đời mà không biết.

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một trong những rối loạn phát triển phổ biến nhất. Người tự kỷ thường được chẩn đoán từ thời thơ ấu, thường là sau 4 tuổi. Tuy nhiên, một số người trưởng thành sống với ASD bao năm mà không được chẩn đoán, theo Medical News Today.
Dấu hiệu và triệu chứng của tự kỷ ở người trưởng thành có thể có
Chú ý, người tự kỷ thường sẽ không có tất cả các dấu hiệu và triệu chứng nêu dưới đây, và họ có thể gặp những vấn đề khác không có trong danh sách. Dấu hiệu và triệu chứng tự kỷ khác nhau ở mỗi người.
- Vụng về
- Khó nói chuyện
- Khó khăn trong việc kết bạn hoặc duy trì tình bạn thân thiết
- Khó chịu khi tiếp xúc mắt
- Gặp thách thức trong điều chỉnh cảm xúc
- Cực kỳ quan tâm đến một chủ đề cụ thể, chẳng hạn như một giai đoạn lịch sử cụ thể.
- Độc thoại thường xuyên về cùng một chủ đề hoặc các chủ đề
- Mẫn cảm với âm thanh hoặc mùi vốn bình thường với người khác
- Tạo ra tiếng ồn không chủ tâm, chẳng hạn như hắng giọng lặp đi lặp lại
- Gặp vấn đề trong việc hiểu châm biếm hoặc thành ngữ
- Thiếu lên xuống giọng khi nói
- Chỉ quan tâm đến một vài hoạt động
- Ưu tiên cho các hoạt động đơn độc
- Có vấn đề trong đọc cảm xúc người khác
- Khó hiểu về biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể
- Phụ thuộc vào thói quen hàng ngày và khó đối phó với những thay đổi thói quen
- Hành vi lặp đi lặp lại
- Lo âu xã hội
- Một số trường hợp có khả năng vượt trội trong toán học và các ngành liên quan
- Có nhu cầu phải sắp xếp các thứ theo một thứ tự cụ thể
Ngoài ra, triệu chứng có thể khác nhau giữa nam và nữ. Phụ nữ tự kỷ có thể im lặng hơn và có vẻ đối phó với các tình huống xã hội tốt hơn đàn ông tự kỷ. Do đó, việc chẩn đoán ASD ở phụ nữ có thể khó khăn hơn.
Theo một số nghiên cứu, người mắc chứng tự kỷ có tỷ lệ cao hơn về các tình trạng cùng xảy ra, như lo âu hoặc trầm cảm, so với những người khác nói chung.
Nếu triệu chứng không xuất hiện thời thơ ấu mà chỉ bắt đầu vào tuổi dậy thì hay tuổi trưởng thành, có thể họ mang tình trạng sức khỏe tinh thần hoặc tâm thần khác chứ không phải ASD, theo Medical News Today.
Chẩn đoán tự kỷ khi trưởng thành là một thách thức vì nhiều lý do:
Thứ nhất, những người không được chẩn đoán khi bé có thể có các triệu chứng nhẹ, khó khăn cho bác sĩ nhận ra.
Thứ hai, nếu đã sống với ASD một thời gian, họ có thể ngụy trang hoặc quản lý các dấu hiệu và triệu chứng tốt hơn.
Thứ ba, hiện tại chưa có phương pháp chẩn đoán ASD ở người trưởng thành.
Các cá nhân có thể muốn làm kiểm tra tự đánh giá cho người lớn. Mặc dù chúng không thể xác nhận chẩn đoán, nhưng là điểm khởi đầu tốt và cung cấp tài liệu để người tự kỷ thảo luận với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Lợi ích của chẩn đoán
- Việc chẩn đoán có thể đưa ra lời giải thích cho những thách thức mà một cá nhân đã trải qua trong suốt cuộc đời của họ.
- Nó giúp các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp hiểu rõ hơn về việc sống chung với tự kỷ.
- Nó có thể thay thế chẩn đoán không chính xác trước đó, chẳng hạn như ADHD.
Điều quan trọng là phải tôn trọng nhu cầu và mong muốn của cá nhân. Có thể có người muốn hoặc cần chẩn đoán nhưng có người thì không.
Sống chung với tự kỷ
Không có "cách chữa" cho ASD, mà đối với nhiều người, ASD là một phần thiết yếu trong danh tính của họ và không cần điều trị.
Các bác sĩ và nhà trị liệu có thể giúp người tự kỷ quản lý các triệu chứng và đối phó với thách thức cụ thể, chẳng hạn như quá tải các cảm giác và các tình huống xã hội.
Các lựa chọn quản lý triệu chứng cho người lớn tự kỷ khác với các lựa chọn cho trẻ em. Chúng bao gồm: Giáo dục tự kỷ, trị liệu, phục hồi chức năng, hỗ trợ đồng đẳng, thuốc.
Ai đó đang nghi ngờ rằng bản thân tự kỷ nên nói chuyện với bác sĩ - người có thể cho lời khuyên và hướng dẫn các bước tiếp theo cho bạn, theo Medical News Today.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.