Tàu tự hành của Trung Quốc lăn bánh trên mặt trăng

15/12/2013 16:09 GMT+7

(TNO) Tàu tự hành mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc mang tên ' Thỏ ngọc ' vào hôm nay 15.12 đã bắt đầu lăn bánh trên bề mặt 'chị Hằng', đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình không gian đầy tham vọng của đất nước đông dân nhất hành tinh, theo AFP.


Tàu tự hành "Thỏ ngọc" - Ảnh: AFP

Tàu tự hành "Thỏ ngọc" (hay còn gọi là Yutu) đã được triển khai vào lúc 3 giờ 35 phút sáng nay (giờ Việt Nam), vài giờ sau khi tàu thăm dò mang theo nó là Hằng Nga 3 hạ cánh thành công xuống mặt trăng, Tân Hoa xã cho hay.

Với bước đột quá trên, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ ba hoàn thành nhiệm vụ đưa tàu tự hành lăn bánh trên vệ tinh tự nhiên của trái đất, sau Mỹ và Liên Xô.

Đây cũng là bước đi quan trọng của Trung Quốc, 10 năm sau khi nước này thành công trong việc đưa người lên quỹ đạo, tạo tiền đề vững chắc cho việc tiến tới xây dựng một trạm vũ trụ riêng của mình, cũng như gửi người lên mặt trăng.

"Hằng Nga 3 đã thực hiện thành công một cú hạ cánh nhẹ nhàng lên mặt trăng. Điều này đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới thực hiện được nhiệm vụ này", Viện Khoa học Trung Quốc cho hay trên trang mạng xã hội Weibo.

Nhiệm vụ hạ cánh diễn ra gần hai tuần sau khi tàu Hằng Nga 3 mang theo "Thỏ ngọc" cất cánh vào hôm 2.12 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tây nam tỉnh Tứ Xuyên.

AFP cho biết, trước khi hạ cánh, Hằng Nga 3 bay chậm dần để sử dụng các cảm biến và camera ghi nhận hình ảnh 3D nhằm xác định khu vực bằng phẳng thuận lợi cho việc hạ cánh.

Khi cách bề mặt mặt trăng khoảng 100 mét, động cơ của tàu thăm dò khởi động giúp con tàu nhẹ nhàng đáp xuống "chị Hằng". Quá trình này hoàn tất lúc 20 giờ tối 14.12 (giờ Việt Nam) và kéo dài trong 12 phút.

Tàu tự hành "Thỏ ngọc" sẽ có ba tháng khám phá bề mặt mặt trăng và tìm kiếm các nguồn tài nguyên ở đây.

Tàu có khả năng chịu được các điều kiện bức xạ cao, chân không và nhiệt độ quá nóng. Nhiệt độ trên bề mặt "chị Hằng" dao động trong khoảng từ âm 180 đến dương 150 độ C, Tân Hoa xã dẫn lời thiết kế trưởng của chương trình tàu thăm dò mặt trăng Wu Weiren cho biết.

Tàu được trang bị nhiều hệ thống thu thập thông tin và thăm dò địa chất, như camera chụp toàn cảnh và các thiết bị đo lường bằng radar. Nó có thể leo dốc cao đến 30 độ và di chuyển 200 mét trong một giờ.

Được biết, trước sứ mệnh Hằng Nga 3, đất nước đông dân nhất hành tinh đã hai lần gửi tàu thăm dò bay đến quỹ đạo vệ tinh tự nhiên của trái đất là Hằng Nga 1 và Hằng Nga 2.

Vào tháng 10.2007, tàu Hằng Nga 1 bay vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3A. Con tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc này đã gửi về trái đất một số hình ảnh bề mặt "chị Hằng" trước khi kết thúc sứ mệnh với việc đâm vào mặt trăng sau 16 tháng chu du trong không gian.

Tiếp đó, vào tháng 10.2010, tàu Hằng Nga 2 rời bệ phóng tại Tây Xương để bay đến quỹ đạo mặt trăng cùng sứ mệnh vẽ bản đồ chi tiết về vệ tinh này.

Sau giai đoạn hai của chương trình thám hiểm mặt trăng với Hằng Nga 3, Trung Quốc sẽ nhắm đến nhiệm vụ khó khăn khác là gửi tàu vũ trụ có người lái bay đến đáp xuống "chị Hằng", dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017.

Tiến Dũng

>> Mảnh vỡ tên lửa phóng tàu tự hành mặt trăng đâm xuống nhà dân
>> Trung Quốc phóng tàu tự hành lên mặt trăng
>> Trung Quốc sắp đưa 'Thỏ ngọc' bay đến 'chị Hằng
>> Trung Quốc công bố tàu tự hành mặt trăng đầu tiên
>> Trung Quốc sắp phóng tàu thăm dò mặt trăng
>> NASA sắp phóng tàu thám hiểm mặt trăng
>> Giả thuyết Trái đất từng có hai mặt trăng
>> Nga nhắm đến mặt trăng
>> Hai tàu thăm dò NASA đâm vào mặt trăng
>> Mặt trăng từng là một phần của trái đất
>> Phát hiện nước trên Mặt trăng
>> Nga sẽ đổ bộ lên Mặt trăng vào năm 2015
>> Người đầu tiên lên mặt trăng qua đời
>> Trung Quốc sẽ phóng phi thuyền lên mặt trăng vào năm tới
>> Trung Quốc công bố bức ảnh đầu tiên từ Hằng Nga 1
>> Hằng Nga 1 vào quỹ đạo Mặt trăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.