Taxi Việt bắt tay nhau - cuộc chiến mới trên thị trường đặt xe?

Mai Hà
Mai Hà
10/12/2018 16:46 GMT+7

Sau cái bắt tay giữa 3 hãng taxi truyền thống thành lập G7 taxi, thêm một liên minh taxi ra đời từ sự góp mặt của 17 công ty taxi trên cả nước, với tham vọng lấy lại thị trường từ các ứng dụng đặt xe ngoại.

Nếu như liên minh G7 chỉ gồm 3 hãng taxi thì Liên minh taxi Việt có tới 17 thành viên trải dài cả 3 miền Bắc - Trung - Nam như Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long, Vic, Open99…
Tính đến đầu tháng 11, đã có hơn 40 tỉnh với 17 công ty tham gia vào Liên minh taxi Việt với gần 12.000 đầu xe trên cả nước. Liên minh này sử dụng nền tảng ứng dụng đặt xe Emddi do Trường đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và phát triển. Theo ông Lê Vinh Quang, Phó chủ tịch Liên minh taxi Việt, khách hàng sẽ được kết nối với lái xe trong 1 - 2 phút và không tăng giá vào giờ cao điểm. 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự có mặt của Grab, Go-viet… thách thức rất nhiều tới các hãng taxi truyền thống. “Không còn cách nào khác ngoài đổi mới thì taxi truyền thống mới tiếp cận được môi trường kinh doanh mới và sự dịch chuyển của khách hàng”, ông Lộc cho biết.
Đại diện ứng dụng Emddi cũng cho rằng, theo một thống kê, Grab thu hút được 3 - 4 triệu lượt khách đặt xemỗi tháng. “Câu hỏi đặt ra là taxi Việt phải làm gì? Không thể chỉ phản đối dán băng rôn yêu cầu Bộ GTVT phải thay đổi chính sách mà phải có những thay đổi thực chất”, ông này chia sẻ.
Từ phản đối sang hành động
Trên thực tế, đã có sự dịch chuyển trong mối quan hệ căng thẳng giữa taxi truyền thống và xe công nghệ. Năm 2016 - 2017, taxi truyền thống đối đầu gay gắt, phản đối xe công nghệ từ đơn thư, văn bản kêu cứu, phản ánh tới Chính phủ, Bộ GTVT… về việc đóng thuế hay so kè cơ chế quản lý với xe công nghệ thoáng hơn. Thậm chí, việc phản đối khá tiêu cực như treo băng rôn bêu xấu đối thủ cũng được taxi truyền thống áp dụng. Trong bất kỳ cuộc họp nào liên quan, lãnh đạo các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng “chiếm sóng” than thở bị chiếm mất thị phần, thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất, giảm hàng nghìn đầu xe.
Nay, cuộc đối đầu này đã thay đổi về chất, chuyển từ phản đối sang hành động khi bên cạnh việc các hãng taxi truyền thống bắt đầu xây dựng app đặt xe riêng để cạnh tranh với xe công nghệ như Grab, thì nhiều liên minh taxi truyền thống cũng ra đời, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, sử dụng chung một ứng dụng đặt xe để tận dụng lợi thế tối đa về nguồn cung xe sẵn có.
Tuy nhiên, với nền tảng ứng dụng chưa thực sự phát triển và còn khá mới, taxi truyền thống vẫn đang loay hoay trong việc thu hút lại khách hàng. Nhiều ứng dụng đặt xe ra đời khá rầm rộ như VATO sau một thời gian hoạt động, đến nay rơi vào trạng thái khá… lặng lẽ. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, cái khó của các ứng dụng đặt xe mới ra đời là ít tài xế, độ phủ thấp khiến khách hàng khó đặt xe, hay tài xế phải từ chối khách vì khoảng cách quá xa…
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam, taxi truyền thống vốn bị khách hàng nghi ngờ không minh bạch về quãng đường hay công tơ mét, việc sử dụng app đặt xe sẽ khắc phục được những lo ngại này. Song cái khó của các ứng dụng đặt xe mới của taxi truyền thống là phải làm sao thu hút được khách hàng “quen” được với ứng dụng. Để làm được điều này, bản thân các hãng sẽ phải cân nhắc rất nhiều đến yếu tố giảm giá - mới có thể cạnh tranh được với các ứng dụng ngoại vốn trường vốn, luôn sẵn sàng “đua” khuyến mại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.