'Tay chơi' mới trong xung đột Nga - Ukraine

14/07/2022 06:45 GMT+7

Iran đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi Moscow công bố chuyến thăm Tehran của ông Putin , cùng lúc Mỹ tiết lộ Nga sẽ mua máy bay không người lái từ Iran.

Ngày 11.7, giới chức Nhà Trắng trích dẫn thông tin tình báo mới được giải mật tiết lộ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga “hàng trăm” máy bay không người lái (UAV), bao gồm các loại có thể mang vũ khí. Ngày 12.7, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Tehran vào tuần tới để gặp lãnh đạo của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những diễn biến này đặt Iran trở thành tâm điểm mới trong cuộc chiến tại Ukraine.

Cán cân dịch chuyển

Trước chiến sự, Nga mong muốn duy trì mối quan hệ với Israel và các nước Ả Rập ở Trung Đông hơn là tỏ ra quá thân thiết với Iran. Song trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, cán cân đó đã dịch chuyển, theo báo The New York Times.

Bị Mỹ cáo buộc sắp cung cấp UAV cho Nga, Iran nói gì?

Giới phân tích cho rằng Moscow nhận thấy Tehran có thể trở thành đồng minh giúp Nga lách trừng phạt. Các quan chức Iran vốn đã công khai tuyên bố rằng họ là chuyên gia trong việc đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt và có thể chia sẻ với Nga kiến thức, chiến lược của họ.

Tổng thống Iran Raisi (trái) và Tổng thống Nga Putin hội đàm tại Turkmenistan hôm 29.6

Reuters

“Iran có nhiều kinh nghiệm và nhiều kênh để lách lệnh trừng phạt, đồng thời họ có thể mở hành lang cho hàng hóa Nga đi qua Iran đến những nơi khác”, theo tờ The New York Times dẫn lời ông Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran tại Tổ chức Nghiên cứu International Crisis Group.

Các cuộc gặp tại Tehran, nếu diễn ra thuận lợi, sẽ là cơ hội để Moscow củng cố sức mạnh quân sự và kinh tế trước sức ép từ phương Tây. Song ông Putin cũng có thể sẽ phải kiểm soát thiệt hại, cố gắng xoa dịu Tehran giữa lúc Nga “ăn” sâu vào thị phần xuất khẩu dầu mỏ của Iran trên toàn cầu.

Ông Putin đã gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bên lề hội nghị khu vực ở Turkmenistan hồi cuối tháng 6 và hai bên cũng từng điện đàm trước đó. “Mối quan hệ của chúng ta thực sự sâu sắc và mang tính chiến lược”, ông Putin nói với ông Raisi tại Turkmenistan, đồng thời lưu ý rằng thương mại giữa hai nước đã tăng 81% vào năm ngoái.

UAV của Iran có uy lực ?

Theo The New York Times, ông Putin có thể muốn tìm kiếm công nghệ đặc thù từ Iran để hỗ trợ lực lượng vũ trang của Nga. Dù duy trì lợi thế áp đảo về pháo và đạn dược, Nga đã gặp nhiều thách thức trong hoạt động trinh sát để có thể tấn công chính xác hơn tại Ukraine. Các loại UAV do thám và chiến đấu có thể giúp Moscow khắc phục hạn chế đó.

Xem nhanh: Ngày 140 chiến dịch quân sự, Nga chưa có cách ngăn chặn tập kích từ HIMARS của Ukraine?

UAV của Iran có thể là mối đe dọa thực sự, theo các tướng lĩnh Mỹ. Năm 2021, tướng Kenneth F. McKenzie Jr., chỉ huy hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông, nói với quốc hội nước này rằng UAV có liên hệ với Iran “tạo ra mối đe dọa mới và phức tạp đối với lực lượng của chúng ta”. Theo vị tướng, lần đầu tiên kể từ chiến tranh Triều Tiên, quân đội Mỹ “không nắm giữ ưu thế trên không tuyệt đối”.

Tướng Hossein Salaami, chỉ huy lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, năm ngoái cho biết nước này sở hữu UAV với tầm bay 7.000 km. Theo Viện Hòa bình Mỹ, UAV cỡ vừa đến lớn của Iran có thể bay liên tục 20 tiếng với hệ thống cảm biến tương đối tinh vi, cũng như có thể chở theo nhiều loại vũ khí với trọng tải lên tới 150 kg.

Song quân đội Mỹ gần đây đã thử nghiệm công nghệ mới có thể vô hiệu hóa UAV. Theo tường thuật của The Defense Post hồi tháng 2, các kỹ sư đã phát triển một hệ thống phòng thủ có tên là “hệ thống tích hợp phòng không trên biển”. Hệ thống này được trang bị radar 360 độ, tên lửa Stinger, súng hạng nặng và chương trình tác chiến điện tử đa chức năng để chống lại UAV.

Vì sao UAV Ukraine ngày càng kém hiệu quả trước phòng không Nga?

Hy vọng mới của Ukraine về xuất khẩu ngũ cốc

Kyiv đã tìm cách khôi phục các cảng trên sông Danube để xuất khẩu ngũ cốc giữa lúc một phần biển Đen bị Nga phong tỏa. Theo báo The Guardian, giới chức Ukraine ngày 12.7 cho biết số tàu ngoại quốc cập cảng nước này để lấy ngũ cốc đã tăng gấp đôi trong 24 giờ, từ 8 lên thành 16 tàu, thông qua cửa Bystre của sông Danube. Hơn 90 tàu khác đang đợi đến lượt ở kênh Sulina, một nhánh của sông Danube, thuộc lãnh thổ Romania. Ukraine hy vọng lượng ngũ cốc xuất khẩu có thể tăng thêm 500.000 tấn/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.