‘Tết đến hãy bỏ qua hết những xích mích trong năm cũ’

07/02/2016 09:27 GMT+7

Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện cuối năm cùng PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) xoay quanh câu chuyện tết đến xuân về.

Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện cuối năm cùng PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) xoay quanh câu chuyện tết đến xuân về.
 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Ảnh: NVCC​PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Ảnh: NVCC​
• Chào PGS.TS Huỳnh Văn Sơn! Thưa ông, tết đến, có những phụ huynh không đưa con về quê đón tết mà lại dẫn con đi du lịch, ông nghĩ sao về câu chuyện này ạ?
- Việc dẫn con đi du lịch cho thấy đó là sự lựa chọn của mỗi gia đình. Thế nhưng nếu như suy nghĩ của một số cá nhân rằng vì làm việc cả năm mệt rồi chỉ mong ngày Tết được nghỉ ngơi nhưng phong tục tập quán nước mình Tết là hiếu hỉ, tiệc tùng tiếp khách và… dọn dẹp… Cho nên tránh đi là tốt hơn cả bằng cách đi du lịch thì có phần hơi ích kỷ. Vì trẻ con cần được biết cái tết sum vầy, cái tết phù hợp, cái tết hạnh phúc, cái tết đoàn viên và cả cái tết truyền thống. Vì thế, nếu cha mẹ cảm thấy đã đủ cho những cái tết hạnh phúc và an lành thì vẫn có thể quây quần bên gia đình của mình khi mùa tết đến bằng một chuyến đi. Nhưng cũng cần giúp cho con cái nhận ra những giá trị của cái tết bằng hình thức này hay hình thức khác sao cho phù hợp nhất thì cái tết vẫn ấm áp, vui tươi.
• Cũng có trường hợp, tết đến thay vì về nhà với bố mẹ, thì nhiều người trẻ lại đi phượt, du xuân khắp nơi cùng bạn bè. Quan điểm của ông về chuyện này thế nào ạ?
- Tổ chức ngày tết cần dựa trên hoàn cảnh thực tiễn. Mỗi người nên dựa vào khả năng bản thân, thói quen văn hóa và sự mong mỏi của bản thân và sự chờ đợi của những người mình yêu quý… Việc trọn vẹn một cách tuyệt đối xét trên bình diện lễ nghĩa, ứng xử là điều rất khó…
Ý tưởng du xuân khắp nơi, đón tết ở khắp nơi của người trẻ cần được tôn trọng. Điều căn bản ở đây cần nhận ra là con người nếu chú ý đến những yếu tố lễ nghĩa… thì nên cân bằng trong cuộc sống. Môt vài ngày thăm viếng gia đình. Cố gắng thu xếp đêm giao thừa xong sẽ du xuân, du lịch… Mọi thứ đều có thể tổ chức khoa học và nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía thì tại sao không???
• Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng, người trẻ ngày càng chán tết, ông có thấy thế không ạ?
- Bạn trẻ ngày nay vẫn có những đòi hỏi nhất định về lễ hội và luôn mong muốn được thỏa mãn những nhu cầu của mình thật hiệu quả. Tết đến, hàng loạt câu hỏi: sẽ đi đâu, làm gì, ăn gì, có an toàn không, thời gian thu xếp thế nào… Tất cả đều có thể trở thành những áp lực nhất định. Và nếu không tìm được câu trả lời, thì chán tết là đương nhiên.
Đó là chưa kể, cuộc sống của giới trẻ luôn luôn thay đổi, trong khi đó, tết vẫn là dịp nhiều người hướng về văn hóa cổ truyền. Chính độ chênh nhất định ấy sẽ dễ làm cho một số bạn trẻ chán tết hơn dù rằng tết vẫn có nhiều màu sắc, vẫn lung linh, đầy sức hấp dẫn với mỗi người…
‘Tết đến hãy bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ’‘Tết đến hãy bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ’ - Ảnh: NVCC
Trách nhiệm này cần được nhìn nhận và xem xét từ nhiều phía nếu muốn cái tết vẫn ấm áp, vẫn truyền thống nhưng phải thêm những hơi thở hiện đại mang màu sắc nhân văn.
• Thực tế có không ít người trẻ chưa hiểu hết về giá trị của sự sum vầy, chẳng hiểu hết về ý nghĩa của giây phút giao thừa, cái tết thiêng liêng. Ông muốn chia sẻ gì với họ ạ? Câu chuyện này có khiến ông nghĩ về những cái tết ngày xưa của mình?
- Tết Nguyên đán, còn gọi Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết, là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.
Tết là dịp để mọi người hân hoan chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới và bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ. Ai ai cũng đều tay bắt mặt mừng và dành nhiều thì giờ đến thăm họ hàng, bạn bè, và bà con lối xóm. Ngày Tết còn là ngày khởi đầu cho một hy vọng mới, một cố gắng mới, và một cuộc đời mới trong tương lai.
Ngày Tết cũng là ngày đoàn tụ. Người đi làm ăn xa xôi đến mấy cũng cố trở về quê, tức là nơi mình được sinh ra hay quê quán của cha mẹ, để ăn Tết và cúng tổ tiên cùng mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, và bà con lối xóm. Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.
Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc của cái tết sum vầy. Các thành viên đoàn tụ, các thế hệ quây quần, người còn sống và người đã mất tưởng nhớ nhau… Đoàn viên, sum vầy như thế sao mà không ấm lòng, nôn nao, ấm áp?
• Vào mỗi dịp cuối năm người trẻ hay tổ chức gặp mặt, họp lớp. Đã có những trường hợp mâu thuẫn, cãi vã, đánh nhau trong dịp này. Vậy người trẻ cần trang bị kỹ năng gì để tránh tình trạng này, thưa ông?
- Có thể nói việc ứng xử của con người phải xuất phát từ những giá trị nhân văn. Nếu con người dựa trên những hiểu biết và văn hóa tích lũy được thì sự ứng xử tình huống cũng rất hiệu quả. Điều căn bản mà con người muốn chuẩn bị cho mình những kỹ năng vẫn phải xuất phát từ những giá trị sống: hòa bình, lịch sự, tôn trọng, quý mến… Tất cả những kỹ năng sẽ hiệu quả nếu con người làm được thao tác cơ bản: trân trọng bản thân mình và người khác.
Đơn cử những kỹ năng mà con người cần trang bị cho mình khi tiệc tùng đó là: xã giao lịch sự, trò chuyện có duyên, quản lý cảm xúc, xử lý hay hóa giải những mâu thuẫn. Những kỹ năng này sẽ giúp cho các bạn trẻ không quá lố, không quá hăng máu, không quá kích động để dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc trong cuộc sống.
• Theo ông thì người trẻ nên và không nên làm những việc gì để có cái tết an lành và vui trọn vẹn?
- Để có cái tết vui và an lành cần có kế hoạch ăn tết. Thông thường, khi trẻ người ta dễ dàng vui chơi quên đi những kế hoạch vì vậy, người ta dễ dàng phí thời gian. Cái phí này là hệ lụy vì ban đầu người ta không nghĩ rằng mình sẽ hết thời gian hay thiếu thời gian. Vì thế, cần chuẩn cho mình kỹ năng quản lý kế hoạch, quản lý thời gian khi tết đến.
Thứ nữa, cần nhận ra một thực tế là không được quá dễ dãi với chính mình để những thói quen xấu như: quá chén, quá lời, vung tay, vung chân hay nổ vang trời đất xuất hiện. Tất cả đều có thể làm cho mọi sự trở nên đáng buồn, đáng tiếc. Cuộc sống cần nhiều hơn những mùa xuân và cần nhiều mùa xuân vui nếu ta biết cân bằng, vui hết mình nhưng luôn biết kiểm soát bản thân. Còn những điều cần và nên thì tùy theo quan niệm của mỗi người nhưng quan trọng nhất làm gì cũng cần cân nhắc, nghĩ suy và có tiên lượng. Cụ thể phong tục tập quán của ông bà mình để lại tuy có ý nghĩa nhưng… cũng thật rắc rối. Làm sao nhớ hết để mà kiêng. Sự kiêng cử để đem lại sự bình an”. Có ai mà không mong bình an đến với gia đình mình. Ông bà mình có câu “Có thờ có thiêng. Có kiêng có lành”. Nhưng sự kiêng cử chỉ nên ở mức độ vừa phải chớ đừng quá mê tín. Đôi khi vì quá mê tín mà chúng ta tự làm khổ bản thân và những người xung quanh. Đó là những gì cần lưu ý. Nhưng vui thì vui nhưng nhớ kiệm lời, hết mình nhưng đừng quá vô tư, hết lòng hết dạ nhưng đừng dễ dãi hết tiền… Đặc biệt, thoải mái nhưng đừng quên lễ nghĩa là những gì mỗi người cần lưu ý.
• Có những bạn trẻ, vì nhiều lý do khó khăn đã rơi vào tình cảnh "tết này con không về". Làm thế nào để họ vẫn có thể có được phần nào đó niềm vui trong những ngày tết xa quê?
- Mọi người đều nghỉ ngơi và ăn chơi cho bỏ những ngày làm lụng vất vả. Mấy tiếng “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Thế nhưng, có những bạn trẻ không thể về quê vì những lý do rất chính đáng thật cần thiết thông cảm. Nhưng vì một số lý do cá nhân, vì những kế hoạch thiếu cân đối, việc hứa hẹn với mẹ cha thực sự là điều cần cân nhắc.
Văn hóa trọng tình của người Việt buộc người ta cần hiểu cảm xúc và tôn trọng cảm xúc của nhau. Vì thế, xem xét lại những quy định chung của gia đình, cần cân bằng nó, cần tạo ra những cảm xúc tích cực rồi mới hướng đến những lựa chọn cá nhân có thể sẽ dễ chịu hơn. Việc hứa con sẽ về nhưng không về là điều không nên…
Nếu phải ăn tết xa quê, cần lưu ý có kế hoạch cân bằng. Đừng nên giam lỏng mình trong phòng. Hãy cháy hết năng lượng cho việc làm, hết mình với kế hoạch đã có, tạo cơ hội đón xuân cùng với bạn bè trong đêm giao thừa, sau đó cũng dành cơ hội thăm viếng người thân… Cũng cần tạo ra cảm giác ấm lòng khi gọi về người thân, cần mạnh mẽ và tạo ra những cảm xúc tích cực đề người thân an lòng… hãy động viên bản thân bằng những phần thưởng hay lời hẹn với chính mình sau tết…
• Nhiều người mải mê tận hưởng những ngày tết, để rồi có cảm giác đuối, chán chường khi bắt nhịp lại công việc, học hành. Làm thế nào để có thể bắt nhịp dễ dàng sau tết ạ?
- Để sau Tết Nguyên đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai. Thế nhưng có những người vẫn chưa thích ứng. Có thể vì vài lý do: thói quen chơi đã ăn sâu và khó cân bằng, ấm ức vì thua cuộc hay một cảm xúc khó chịu nào đó, vì không dứt khoát với lời từ chối, vì người bạn lười xuất hiện…
Để mau chóng bắt nhịp, có thể lưu ý: quản lý lịch cá nhân mình ngay trước tết, tuân thù lịch đã đặt ra, tạo cho bản thân những công cụ nhắc nhở, dành vài ngày trừ hao - thư giãn và cân bằng sau đó… Mọi thứ sẽ kiên định với cơ chế thưởng phạt thật cụ thể cho chính mình…
• Xin cảm ơn ông! Chúc ông đón tết nhiều niềm vui!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.