Tết đến rồi, bạn làm gì?

19/01/2020 07:04 GMT+7

Tết đã đến rất gần và giới trẻ đang lên kế hoạch rất phong phú cho những ngày nghỉ lễ lớn nhất năm này.

Mặc áo dài dạo phố, làm việc thiện nguyện

Diễn viên, MC, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM Kseniia Kholkina (người Nga) có hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM nên hiểu rõ những ngày tết cổ truyền của người Việt.
Trong những cái tết trước đây, Kseniia Kholkina cảm thấy rất vui và hạnh phúc mỗi khi tết đến. Cô cũng đã có dịp trải nghiệm tết ở nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam, nhưng cuối cùng vẫn thích đón tết ở TP.HCM nhất.
Trong thời gian trước tết, Kseniia Kholkina sẽ tham gia một số hoạt động thiện nguyện như giúp đỡ người nghèo, đi thăm các bé ở các trại trẻ mồ côi, dạy tiếng Anh và phát quà cho các bé ăn tết. Sau đó cô sẽ đi mua sắm, chuẩn bị quà cho bạn bè, đón cha mẹ từ Nga sang thăm dịp này. Trong tết, Kseniia Kholkina sẽ dành một ngày cho cha mẹ. Cô sẽ gửi tin nhắn chúc tết đến mọi người. Sang mùng 2 cô dự định sẽ mặc áo dài mới đi thăm bạn bè, đồng nghiệp và không quên tặng quà cho họ. Điều mà Kseniia Kholkina thích nhất là mặc áo dài truyền thống của Việt Nam đi dạo phố, chụp ảnh ở một số nơi như phố đi bộ Nguyễn Huệ

Tập luyện xuyên tết

“Cô gái vàng trong làng võ thuật” Châu Tuyết Vân chia sẻ dự định tết này sẽ nghỉ ngơi ít lại, cố gắng tập luyện xuyên tết nhằm duy trì phong độ. Trong những ngày trước tết, Vân tập buổi sáng, buổi tối phụ mẹ làm củ kiệu, mứt, dưa hành cho tết. Vân chở em gái đi mua sắm quần áo, thực phẩm, bánh mứt, đi chợ hoa, đi dạo ở đường hoa Nguyễn Huệ.
Sáng mùng 1 tết, Vân sẽ tranh thủ chạy về quê ở Trảng Bàng (Tây Ninh) thăm cha mẹ, bà con. Đến sáng mùng 2 tết, cô trở lại TP.HCM tập luyện để giữ cho mình được trạng thái thể lực tốt nhất. Sau giờ tập, Vân cũng chọn một chiếc áo dài đẹp nhất đi du xuân dạo phố cùng bạn bè và em gái. Vân mong ước vẫn giữ được phong độ, tiếp tục tập luyện để duy trì thành tích của mình. Qua đó mục tiêu trong năm mới của Vân là sẽ vô địch giải châu Á và thế giới vào tháng 3 và tháng 5 năm nay.
Tết đến rồi, bạn làm gì ?1

Điều mà Kseniia Kholkina thích nhất dịp tết là mặc áo dài truyền thống của VN đi dạo phố

Ảnh: NVCC

Đến những nơi chưa từng đi

Sau một quãng thời gian dài “đắm đuối” với công việc, học tập, thì với người trẻ, những ngày tết chính là cơ hội để họ được xả hơi, nghỉ ngơi, vui chơi hết mình.
Từ giữa tháng chạp, nhóm bạn Nguyễn Quỳnh Anh, Trần Diễm My, Lê Thu Hà và Dương Bảo Yến (cùng là sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) đã họp nhóm quyết định “tết này phải đi chơi xa”.
Mỗi người mỗi quê, từ Phú Yên, Vũng Tàu, Nha Trang tới TP.HCM. Hầu như những cảnh đẹp, địa danh du lịch gắn liền với những địa phương này họ đã đều từng đặt chân đến, “nên tết này cả nhóm thống nhất đi chơi ở một chỗ đẹp, chưa từng đi”, Bảo Yến cho biết.
Cũng theo cô gái này, nơi họ chọn là H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình và Sa Pa. Bảo Yến lý giải: “Hang Múa (Hoa Lư, Ninh Bình) được ví là “Vạn lý trường thành” của Việt Nam với 486 bậc đá rêu phong, là địa điểm check-in cực kỳ thu hút giới trẻ trong năm qua nên mình phải đến khám phá. Còn Sa Pa thì mình chưa đi, trong khi đó lại là điểm hút khách nổi tiếng”.
Không riêng nhóm bạn của Bảo Yến mà với nhiều người trẻ, tiêu chí để họ chọn điểm đến trong dịp tết này đa phần là vừa đẹp, vừa thỏa mãn sở thích “chụp ảnh sống ảo”.

Hành trình trải nghiệm

Nếu như những ai đang sống ở miền Trung thì có xu hướng chọn nơi ăn tết là các tỉnh, thành ở miền Bắc, ĐBSCL. Trong khi đó, những người trẻ miền Tây thì cảm thấy thích thú khi mường tượng đến cảnh tết này được đặt chân đến những vùng đất mới lạ ở miền Trung, vùng cao... Còn những ai ở miền Bắc lại thèm thuồng một lần ăn tết ở miền Nam. Và quan trọng hơn, đó phải là những nơi chưa một lần họ đến. “Vì mình muốn trải nghiệm một cái tết ở một nơi xa, để xem có gì hay, có gì thú vị”, Trần Diễm My, một thành viên của nhóm bạn ở Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ.
Ngoài Sa Pa, rất nhiều nơi được người trẻ “đặt chỗ” trong dịp tết này là bến Ninh Kiều (Cần Thơ), thành phố ngàn hoa Đà Lạt, Đà Nẵng với cây cầu tình yêu tuyệt đẹp...
“Tết là dịp để vui chơi thỏa thích, nên muốn tìm đến những nơi thật đẹp, thật lý tưởng, để được “vui quên lối về” với những cạ cứng của mình”, Trần Nguyên Như, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hồ hởi nói.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, thành viên của nhóm tình nguyện Sắc Màu Cuộc Sống tại TP.HCM, chia sẻ: “Mình đã lên kế hoạch trong dịp tết này cho các thành viên trong gia đình trải nghiệm cung đường Tà Năng dài gần 50 km, để chạm tay vào cột mốc Tà Năng - Phan Dũng trên đỉnh cao thuộc H.Đức Trọng (Lâm Đồng)”.
Theo chị Kim Xuyến, Tà Năng là cung đường leo núi rất thu hút giới trẻ trải nghiệm trong những năm gần đây. “Bắt đầu nhẹ nhàng bằng những con đường đất bằng phẳng, ngoằn ngoèo, dốc thoai thoải, dốc cao, rồi xuống dốc, ngắm cảnh đẹp thung lũng muốn đắm đuối luôn”, chị Xuyến tả.

Truyền cảm hứng tết xanh

Tết luôn là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm, với nhiều bạn trẻ, đây còn là lúc họ truyền cảm hứng về một năm mới “xanh” hơn với cộng đồng.
Những ngày giáp tết 2020, tại phiên chợ xuân trước Cung văn hóa Lao động (Q.1, TP.HCM), Phạm Chí Mỹ, 27 tuổi, nhà khởi nghiệp với cà phê, đang tất bật bên gian hàng cà phê thân thiện môi trường của mình. Gian hàng nhỏ với mái lá, mô phỏng chợ tết xưa, xung quanh là những ly giấy, ống hút cỏ bàng, phong bao lì xì bằng xơ dừa... “Một năm đã sống xanh thì những ngày tết bạn cũng đừng quên. Những thói quen nhỏ cũng khiến cho cuộc sống quanh ta tốt hơn, như xách giỏ đi chợ để mang về ít túi ni lông nhất có thể”, Mỹ nói.
Theo Phạm Chí Mỹ, tết với anh sẽ đặc biệt hơn ngày thường. Mỹ truyền cảm hứng cho những người đang dạo phố sắm tết về thói quen giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, tích cực đạp xe để trái đất xanh hơn, thì trong tết anh muốn mang tết xanh về gia đình, bà con, họ hàng và những người thân ở quê nhà Quảng Ngãi.
Tết là thời khắc đặc biệt trong năm, nên tuyệt vời hơn nếu bạn cũng bắt đầu bằng những gì tốt đẹp cho mình và cộng đồng. Đó là quan niệm của Nguyễn Thị Cẩm Xuân, 29 tuổi, khởi nghiệp với công việc sáng tạo và chế tác trang sức đá quý Lenpaci, trú 188 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. “Tôi nói với cha mẹ không đốt vàng mã, dùng nhang xanh cũng là cách bảo vệ môi trường và chính sức khỏe của mình. Nhang xanh làm bằng trầm tự nhiên, chân nhang có màu cam của trái gấc, không có hóa chất. Tôi nói với những người thân và bạn bè của mình, tốt với môi trường cũng chính là tạo phúc”, Xuân bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.