'Tết là dịp sum vầy sao ai cũng bấm điện thoại'!

Tấn Đạt
Tấn Đạt
01/02/2021 11:15 GMT+7

Ngoài chuyện tiền nong, tình cảm thì chiếc điện thoại cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ trong dịp tết.

“Nhờ chiếc điện thoại anh, em tôi mới xôm tụ”

Một mùa tết nữa lại đến anh, em bà con chúng tôi được gặp nhau sau một năm dài xa cách. Nhớ hồi đó, thời công nghệ số chưa phát triển, từ đứa lớn đến út ai cũng trông đợi xuân về. Bởi vào sáng các mùng trong tết mọi người thường có mặt đầy đủ ở nhà nội, ngoại để vui chơi. Dịp này nhộn nhịp lắm, chúng tôi đùa giỡn, dắt nhau đi khắp xóm, rồi hồi hộp chờ đến lượt được lì xì từ mấy cô, chú...

Từ lớn cho đến nhỏ ai cũng dễ dàng sử dụng được điện thoại thông minh

t.đ

Thời nay vẫn vậy, ai cũng trông tết đến để đoàn tụ. Nhưng khác ở một chỗ, mọi người thấy mặt nhau là nói: “Chiến game không? Anh, em có "cày" game này không?”. Hay thằng út bảo: “Anh ơi, có điện thoại không cho em mượn”, nếu không có nó sẽ “bám” vào những đứa nào đang chơi game và không rời mắt.

Thú thật, tết ngày nay của bọn trẻ nhà tôi không còn cảnh xúng xính quần áo đẹp rồi dắt nhau qua nhà hàng xóm tìm bạn chơi cùng, mà thay vào đó là gom lại một góc ngồi chơi... game.

Đồng cảm xúc với tôi, anh Nguyễn Lê Chí Thành, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, quê ở Bến Tre, cho hay hồi đó chưa có điện thoại, vào ngày tết cứ gặp nhau là mấy anh, em bà con của Thành ngồi tám trên trời dưới đất, cười đùa rồi pha trò đủ thứ.

Không còn như xưa nhiều người trẻ gặp nhau là rủ chơi game vào dịp tết

t.đ

“Tết hồi đó, chúng tôi túm tụm lại chơi nhiều trò nào là lô tô, ô ăn quan, cờ tỷ phú,... Còn tết nay, thời đại công nghệ phát triển, bọn trẻ nhà tôi chủ yếu tìm niềm vui từ chiếc điện thoại. Mọi người thường rủ nhau chơi các game online khi gặp mặt”, Thành nói.

Anh chàng 20 tuổi này thừa nhận, nhiều lúc anh không suy nghĩ tới vấn đề là chơi game có hại hay không mà anh cảm thấy rất vui khi vào dịp tết mọi người xúm lại rồi chơi cùng một tựa game. "Có nhiều lúc chúng tôi không biết nói gì, bởi ai cũng có cuộc sống khác biệt. Tôi thấy nhờ chiếc điện thoại mà anh, em tôi mới sum tụ lại với nhau được", Thành chia sẻ

“Có những trò chơi như thế chúng tôi mới gần nhau được, không khí trở nên rộn ràng hơn. Dù đã trải qua một năm đầy biến cố, nhưng thật may mắn khi có thể gặp mọi người với khuôn mặt tươi cười rạng rỡ và đầy sức khoẻ như thế”, Chí Thành cho hay.

Kéo ta ra xa hơn với cuộc sống hiện tại

Còn cô nàng 10X, Lê Thị Ánh Tuyết, 21 tuổi, quê ở Long An hiện là sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cho hay lúc trước còn nhỏ vào dịp đám hay tết anh, em bà con tụ tập lại nhà ngoại rồi cả đám bày nhau pha trò rất là vui đến khi về thì không ai chịu về cả. Mọi người cứ trông đến dịp ấy để lại gặp mặt.

“Nhưng hiện tại mỗi khi tụ tập lại vào dịp tết hay đám giỗ thì ai nấy cũng 'bận' dùng điện thoại, rất ít tương tác qua lại. Có nói thì cũng là bàn game, rồi người lớn nhờ vả thì không ai chịu làm, cứ đùn đẩy qua lại”, Tuyết kể.

Các tựa game online luôn thu hút các bạn trẻ

t.đ

Nhìn lại anh, em bà con của mình vào dịp tết, nhiều lúc Tuyết tự hỏi: “Tết là dịp sum vầy sao ai cũng bấm điện thoại"!

Tuyết còn bức xúc nói: “Ngày nay công nghệ thông tin phát triển ta được hưởng lợi rất nhiều nhưng nó lại kéo ta ra xa hơn với cuộc sống hiện tại. Tôi cảm thấy mọi người đang dần phụ thuộc quá vào chiếc điện thoại, điều này khiến chúng ta ngày càng xa nhau hơn”.

Hãy dùng chúng đúng lúc, đúng nơi. Từ đó điện thoại giúp trở thành một thiết bị hữu ích trong cuộc sống.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hải, 25 tuổi, quê ở Tiền Giang, chia sẻ: “Dịp tết, tôi cũng hay tụ tập bạn bè lại để tâm sự sau một năm đầy khó khăn. Nhưng nói một lúc thì ai cũng bấm điện thoại, nhiều khi tôi cảm giác như mình không được tôn trọng hay câu chuyện đang nói bị nhạt nhòa”.

Anh Hải còn nói: “Cũng có khi mọi người có công việc cần phải xử lý. Hay có những bạn dù đã kết thúc công việc tại nơi làm nhưng vẫn phải làm online thì sao? Hoặc đang kinh doanh một mặt hàng nào đó trên mạng xã hội. Cho nên, thời đại nào cũng có ưu nhược điểm, đừng cho rằng người ta bấm điện thoại là vô bổ hết”.

Tham gia nhiều hoạt động ngày tết

Thầy Phạm Thanh Tuấn, chuyên viên tâm lý học đường Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM), cho hay điện thoại thông minh mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực trong việc liên lạc, tìm kiếm thông tin và kết nối với mọi người, từ đó khoảng cách địa lý cũng không còn là một trở ngại như trước kia, Dù ở xa nhau nữa dù ở đâu trên thế giới, nhưng mỗi khi rảnh rỗi hoặc dịp lễ, tết mọi người có thể nhìn nói chuyện với nhau. Nhưng khi lạm dụng điện thoại, bản thân chúng ta hoặc trẻ nhỏ có thể bị lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại bằng việc chơi trò chơi và sử dụng các nền tảng mạng xã hội quá nhiều hay thậm chí dù ngồi sát bên cạnh nhưng vẫn nhắn tin trao đổi qua điện thoại.

"Để chiếc điện thoại trở nên hữu ích trong mùa tết thì các bậc phụ huynh là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc định hướng việc sử dụng điện thoại của con. Các con nên làm gì và không nên làm gì? Có thể định hướng cho con nhắn tin chúc tết thầy cô, bạn bè, gọi chúc tết ông bà, người thân ở xa nếu không có dịp gặp mặt, có thể sử dụng để chụp các bức ảnh của gia đình thay vì sử dụng để chơi game hay xem các nội dung khác", thầy Tuấn cho hay.

Cho con tham gia nhiều hoạt động ngày tết như gói bánh chưng, bánh tét...

t.đ

"Để không sa đà vào mạng xã hội, hay việc nghiện điện thoại, ba mẹ có thể cùng với con cái tham gia vào các hoạt động chào mừng Tết Nguyên Đán như thăm ông bà, họ hàng, đi xem hội hoa xuân hay tham gia vào các hoạt động truyền thống của ngày tết (gói bánh chưng, bánh tét…). Từ đó các em thấy rằng tết có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn để các em tham gia hào hứng hứng thú hơn thay vì chỉ cầm điện thoại thông minh", thầy Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.