Tết tới, tung tăng theo… tiếng Việt

29/01/2022 15:52 GMT+7

Thành ngữ có câu: Năm hết, tết đến , ý muốn nói sự tuần hoàn trong trời đất, quy luật của nó là thế, không gì thay đổi. Nhưng tết là gì thế?

Vào dịp tết, ngoài Bắc thường nấu bánh chưng, còn người Trung, Nam bộ lại nấu bánh tét. Nhiều người giải thích bánh tét do từ tết mà ra, trong khi đó, tết do tiết mà có. Giải thích như thế, đúng không? Tôi không dám kết luận, chỉ biết chắc chắn: Khi cắt bánh này ra từng khoanh, một tay giữ bánh rồi vòng sợi lạt qua thân đòn bánh, đầu dây này nghiến vào răng làm chuẩn, còn đầu dây kia lấy tay kéo mạnh một cách dứt khoát, gọi là tét bánh. Do phụ thuộc vào lúc “tét” nên mới có tên gọi bánh tét. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của cũng giải thích: “Bánh gói như khúc cây tròn, đến khi ăn phải tét ra từ khoanh, cho nên gọi là bánh tét, cũng gọi đòn bánh. Có kẻ hiểu là bánh gói ngày tết”.

Gói bánh tét

Ngọc Thắng

Vào dịp tết nhất, mấy ông nhà thơ lại: “Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa, rồng bay”, chứ gì? Tất nhiên rồi. Chẳng hạn, thi sĩ trào phúng Tú Xương gật gù cùng câu thơ:

“Khéo bảo nhau rằng mới với me,

Bảo ai rằng cũ chẳng ai nghe”.

Cái gì mới vậy ta? Xin thưa, ông Tú nói về năm mới đấy. Mới với me là cách nói gọn của Năm mới năm me. À, trong tiếng Việt làm gì có từ đôi mới me, chỉ có mới mẻ thôi chứ? Thế nhưng nếu thích, người ta vẫn nói mới me mới mẻ/mới mẻ mới me cũng… “chẳng chết thằng Tây đen” nào. Có lẽ khi nói năm mới năm mẻ lại nghe không xuôi tai, do đó, âm trắc mới chuyển sang bằng để trở thành năm mới năm me chăng?

Tình yêu dành cho tiếng mẹ đẻ đã ngấm vào máu thịt ngay từ khi chúng ta vừa cất tiếng oa oa lọt lòng...

Ngày tết còn là dịp tảo mộ tưởng đến người đã khuất, ông bà ta dặn dò Mới cỏ hơn đỏ ván, hiểu theo nghĩa bóng là ngụ ý đối với người đã khuất thì việc đắp mồ mả, tảo mộ hằng năm vẫn ý nghĩa hơn việc lo cỗ áo quan cho sang, cho hoành tráng nhưng sau đó lại quên tuốt luốt, không ngó ngàng gì tới. Nói cách khác, lòng tưởng nhớ đến người đã khuất, thể hiện qua việc thăm nom mồ mả cần lấy làm trọng. Mới cỏ trong ngữ cảnh này phải hiểu là cỏ mới, tức cỏ còn mới/còn xanh là do nó mới mọc/mới vừa mọc.

Trong khi đó, cũng mới nhưng lại chỉ về khoảng thời gian mới vừa xảy ra, chẳng hạn: “Mới có ván đã bán thuyền, Mới để vào mồm đã trôi xuống họng, Mới học nhập môn đã cong trôn phản thầy, Mới nở mũi đã khôn”… Mới ấy, tùy theo cấp độ còn có mới rợi, mới vừa, mới đây, mới đó… Một khi chê trách ai không thủy chung, vừa có cái mới, cái tốt, liền phũ phàng, rẻ rúng cái cũ đã từng gắn bó với mình, tục ngữ có câu Mới chuộng cũ vong, Có mới nới cũ thì mới ở đây là sự vật/con người nói chung chứ không chỉ về thời gian. Đồng nghĩa, gần nghĩa với tục ngữ này, còn có các câu khác như: Có bát sứ phụ bát đàn, Tham đó bỏ đăng, Tham chuông phụ mõ, Có trăng quên đèn, Có oản phụ xôi, Có cam phụ quýt… Với một loạt câu này, ta có thể thấy được cốt cách ứng xử trong văn hóa người Việt: bao giờ cũng nhắc nhở sống là phải thủy chung, có trước có sau.

Tết nhất, thiên hạ thường có thói quen xem quẻ bói đầu năm. Nếu ngoài Bắc có bói chèo, trong Nam có bói tuồng. Ấy là ngày đầu xuân, lúc rạp hát/giàn hát/chiếu chèo đang diễn, người muốn bói ngẫu nhiên bước vào xem. Tùy lúc ấy đang diễn đến cảnh chia ly, đậu trạng, xe duyên hay tái ngộ… mà đoán năm ấy hên, xui thế nào. Vậy, xin hỏi thêm, còn bói cá thì sao? Thì nó hoàn toàn không dính dáng gì để chuyện xem bói. Là tên gọi của chim thằng chài, loại chim bay là đà trên mặt nước, thấy cá ngoi lên thì lao xuống thật nhanh quắp con mồi.

Bói còn đồng âm với bói theo cái nghĩa ở ngoài Bắc mà người miền Nam, miền Trung không mấy sử dụng. Chẳng hạn, sáng đầu xuân dậy sớm bước ra vườn, người chồng vội reo lên: “Vợ ơi, cây ổi nhà mình mới bói”. Có thể hiểu cây ổi đó mới ra trái lần đầu tiên. Còn thằng Tèo lại ca cẩm: “Hẻo quá, có bói cũng không ra đồng nào”, trong ngữ cảnh này, bói là tìm kiếm đến đỏ con mắt nhưng chẳng hề có một xu teng. Ngày tết ngày nhất, chẳng thấy ai lì xì thì hẻo thiệt.

Năm mới năm me, ăn cơm mới nói chuyện cũ âu cũng lý thú. Rằng, lần nọ về công tác ở khu IV, qua xứ Nghệ, nhà thơ Thanh Tịnh cùng vài bạn văn vào quán Hành lai rai ba sợi. Đang khoan khoái, nhà thơ cao hứng xuất khẩu ra… câu đối cực kỳ cắc cớ:

“Vào xứ Nghệ, ra quán Hành, uống rượu gừng, chuyện cà tỏi cà riềng, toàn gừng cay muối mặn”.

Vế đối này, có nghệ, hành, gừng, riềng, tỏi, cà... nên ai nấy đều tắc tị, khó đối lại được. Thế là, ông gút lại luôn:

“Đến Đồng Nai, nhớ Kỳ Lừa, ăn thịt chó, ngồi tán hươu tán vượn, đầy rắn ráo cầy tơ”.

Ai cũng khen hay. Với vế đối này, ta thấy xuất hiện cụm từ “cà riềng cà tỏi”. Thật ra ban đầu, một khi nói về ai đó cứ nói nhây, lải nhải, cằn nhằn, đay nghiến, nhắc đi nhắc lại một việc để trách móc, gọi là cà riềng. Cũng còn có thể hiểu theo nghĩa kẻ đó nói lăng nhăng, muốn gây sự bằng những chuyện không đâu. Nhưng rồi, một khi muốn nhấn mạnh ở cấp độ cao hơn nữa, lập tức xuất hiện thêm cà tỏi. Sở dĩ như vậy vì riềng/tỏi cùng được sử dụng làm gia vị nấu nướng, ẩm thực nên dễ dẫn đến sự liên tưởng cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, một khi tách cà tỏi ra khỏi cà riềng thì nó lại không có nghĩa bóng như ta vừa bàn. Thậm chí ngay cả từ cà tỏi cũng thế. Cà là tán nhuyễn, cọ xát vào một vạt cứng khác, với tỏi không ai gọi cà tỏi, nếu cần vẫn là giã tỏi. Cà là cà, tỏi là tỏi. Riêng biệt rõ ràng, không thể kết hợp cà tỏi để tạo ra nghĩa mới. Cà có nhiều nghĩa, thí dụ, ngựa cà, bò cà là động vật giống đực; trâu cà là trâu bị thiến - Tự điển Việt - Pháp - Hoa của Gustave Hue (1937) cho biết. Thế nhưng, người miền Nam một khi nói trâu cà, ta hiểu lại là Trâu cạ mình; hoặc mài sừng như Đại Nam quấc âm tự vị (1895) đã ghi nhận.

Trở lại với cụm từ cà riềng cà tỏi. Ai cũng biết, ngủm là chỉ ai đó vừa hồn lìa khỏi xác, dạo chơi suối vàng, phiêu diêu miền tiên cảnh nhưng tại sao lại gọi “ngủm củ tỏi”? Rồi lúc cãi lộn ồn ào, nhốn nháo, ầm ĩ, gây khó chịu thì cái sự om/ỏm này cũng lôi tỏi vào cho bằng được: cãi ỏm tỏi. Tại sao thế? Đố ai có thể trả lời nổi.

Với những từ trái nghĩa, khi chỉ nhiệt độ cao, thấp, ta có chuỗi từ như: ấm - lạnh; lạnh - nóng; ấm - mát; ấm - rét; hàn - nhiệt; nguội - nóng; rét - bức; nực - rét; sôi - nguội; nóng - nguội; lạnh tanh - nóng bỏng... Thế nhưng, ai dám bảo cả hai câu này không… đồng nghĩa? Chẳng hạn, lúc dạo chơi vào trời xuân lành lạnh, một cô trách bạn: “Trời rét thế này, sao bạn không mặc áo ấm?”/”Trời rét thế này, sao bạn không mặc áo lạnh?”. Rõ ràng, hai câu này nghĩa vẫn y chang nhau.

Rõ ràng, cách viết/nói của người Việt quá ư cắc cớ.

Năm hết tết đến rồi, bạn mình ơi. Về tiếng Việt, ta cứ việc bàn luận thêm cho rôm rả, cứ tung tăng theo tiếng Việt cho vui sự đời. Bởi một lẽ đơn giản, tình yêu dành cho tiếng mẹ đẻ đã ngấm vào máu thịt ngay từ khi chúng ta vừa cất tiếng oa oa lọt lòng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.