Tết từ tiếng sấm

Khánh Hoan
Khánh Hoan
06/02/2024 06:46 GMT+7

Khi tiếng sấm đầu tiên của năm xuất hiện trên bầu trời là lúc người Ơ Đu, dân tộc ít người nhất của Việt Nam, sửa soạn đón tết, cúng thần linh để cầu mưa thuận gió hòa.

Tết tiếng sấm là nghi lễ duy nhất còn tồn tại của cộng đồng Ơ Đu, dân tộc chỉ với hơn 400 người, sinh sống ở miền núi Nghệ An, lưu giữ được nhiều yếu tố bản sắc văn hóa, được lưu truyền từ hàng trăm năm qua.

Thăng trầm

Người Ơ Đu là dân tộc cổ xưa và ít người nhất ở nước ta hiện nay, cư trú chủ yếu ở khu vực thượng nguồn sông Lam. Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, Ơ Đu từng là một dân tộc đông người, sinh sống trên một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, do biến động của lịch sử, người Ơ Đu bị giảm dần và hiện nay chỉ còn hơn 100 gia đình với hơn 400 người, sống quy tụ ở bản Văng Môn, H.Tương Dương, Nghệ An.

Tết từ tiếng sấm- Ảnh 1.

Người Ơ Đu chuẩn bị lễ vật để cúng thần linh trong ngày tết tiếng sấm

HÀ HỒ

Nguyên quán của người Ơ Đu hiện nay là xã Kim Đa (H.Tương Dương), một xã nằm sâu trong rừng, có sông Nậm Nơn, thượng nguồn sông Lam, chảy qua. Từ trung tâm H.Tương Dương đến Kim Đa phải đi thuyền, mất khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ vì đường bộ bị chia cắt bởi núi rừng. "Ở đó, chúng tôi sống bằng hạt lúa trồng trên rẫy, đánh cá dưới sông, lấy măng, bẫy thú trong rừng. Không có đường, không có điện", ông Lo Văn Long (63 tuổi), một người Ơ Đu, kể.

Tết từ tiếng sấm- Ảnh 2.

Người Ơ Đu chuẩn bị lễ vật để cúng thần linh trong ngày tết tiếng sấm

Trước khi thủy điện Bản Vẽ tích nước phát điện vào năm 2009, xã Kim Đa bị xóa sổ trên bản đồ hành chính vì toàn bộ xã phải di dời. 74 gia đình người Ơ Đu sinh sống ở 2 bản Xốp Pột, Kim Hòa của xã Kim Đa phải di dời đến bản Văng Môn, xã Nga My từ năm 2006. Đến đây, người dân được chủ đầu tư thủy điện xây nhà sàn bằng bê tông, một số ít gia đình chuyển nhà sàn bằng gỗ từ nơi ở cũ đến dựng ở khu tái định cư nằm ven QL48C. Sau 17 năm đến nơi ở mới, đến nay số gia đình đã tăng lên 107 với 457 người. "Đến đây có đường, có điện, có sóng điện thoại, có trường học, thuận lợi hơn nhiều. Nhưng ở nơi cũ vẫn quen hơn vì chúng tôi đã quen với núi rừng", ông Lo Văn Long nói.

Tiếng sấm báo hiệu năm mới

Thầy mo Lo Văn Tình (76 tuổi) nói tục đón tết bắt đầu từ tiếng sấm đã có từ rất lâu đời, người Ơ Đu không ai nhớ rõ. Nhưng nghi lễ này đã trở thành một phong tục không thể thiếu và không thể mất của đồng bào Ơ Đu, dù nhiều phong tục khác đã bị mai một theo thời gian. Tiếng Ơ Đu gọi tết tiếng sấm là Chăm Phtrong, gắn với tục thờ thần sấm. "Hồi xưa, người Ơ Đu không có lịch, chỉ dựa vào các hiện tượng thiên nhiên để xác định thời gian. Theo lịch Ơ Đu, sau mùa đông lạnh lẽo kéo dài, tiếng sấm đầu tiên xuất hiện là báo hiệu trời đất bước sang năm mới", ông Tình lý giải.

Tết từ tiếng sấm- Ảnh 3.

Người Ơ Đu quây quần buộc chỉ tay sau nghi lễ cúng thần linh

Tiếng sấm đầu tiên trong năm cũng là lúc người Ơ Đu bắt đầu mùa gieo trồng và thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ, việc chung của cộng đồng. Người Ơ Đu quan niệm sau khi chết, chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn mới được siêu thoát. Tết tiếng sấm là một lễ tục quan trọng nhất của người Ơ Đu để cầu năm mới mưa thuận gió hòa, thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt và là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, tạ ơn thần linh. Thời gian tổ chức tết đón tiếng sấm thường diễn ra vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch hằng năm, với nhiều hoạt động cúng lễ, mở hội ăn mừng.

Khi nghe tiếng sấm đầu tiên vang lên trên bầu trời, thầy mo (người được coi là sứ giả của thần linh) sẽ đánh một hồi chiêng báo cho đồng bào biết để chuẩn bị sửa soạn ăn tết. Mọi người trong làng cùng thầy mo mang theo các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày ra suối rửa sạch và rửa mặt, gội đầu để gột rửa những điều xui xẻo của năm cũ, vệ sinh sạch sẽ các thứ để chào đón năm mới tốt lành. Sau đó, mọi người về nhà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các lễ vật: lợn, gà, cá, thịt sóc, rượu cần, bánh chưng, cơm lam để đón tết. Các món ăn được bày biện trên hai chiếc mâm mây được trải lót sẵn lá chuối rừng. Đây là những món ăn truyền thống của đồng bào Ơ Đu, được chế biến cầu kỳ với những gia vị từ núi rừng được truyền từ đời này đến đời khác trong cộng đồng.

Trước đây, người Ơ Đu thường chọn bãi đất trống đủ rộng bên bờ suối để tổ chức lễ tế thần linh và đón tết. Người Ơ Đu quan niệm cúng lễ ngoài trời mới có thể giao tiếp với thần linh một cách tốt nhất và thần linh cũng có thể nghe rõ hơn những lời thỉnh cầu của họ. Hiện nay, ở bản Văng Môn, nhà cộng đồng đã được xây dựng nên việc tổ chức ăn tết được tổ chức tại đây.

Sáng sớm, trước khi nghi lễ cộng đồng diễn ra, thầy mo và các chức sắc, đại diện các gia đình mang lễ vật lên núi, nơi có ngôi đền thiêng thờ các vị tổ tiên của người Ơ Đu để làm lễ mời tổ tiên. Người Ơ Đu quan niệm tổ tiên của họ sau khi mất sẽ trú ngụ ở một ngôi đền nhỏ ở ngọn núi thiêng phía đông của bản. Sau khi lễ cúng tại đền kết thúc, mọi người trở về sân nhà cộng đồng tổ chức nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm.

Sau lễ cúng thần linh tại sân nhà cộng đồng là nghi lễ làm vía, buộc sợi chỉ vào cổ tay các thành viên trong bản với ý nghĩa buộc linh hồn lại trong cơ thể để linh hồn và thể xác luôn khỏe mạnh. Sợi chỉ thiêng này không được tháo ra mà để cho đến lễ hội năm sau. Kết thúc phần lễ, bản làng mở tiệc ăn uống và chơi các trò chơi dân gian. Trong những ngày tết Chăm Phtrong, những âm thanh vui tươi của các nhạc cụ làm từ tre nứa liên tục vang lên. Người Ơ Đu xếp hàng đi vòng quanh mâm lễ, dùng ống tre gõ vào đất để tạo ra âm thanh như tiếng sấm.

Tết đón tiếng sấm trước đây kéo dài khoảng 5 ngày, nay rút ngắn còn 2 ngày. Kết thúc những ngày tết, một năm mới đầy hy vọng mở ra, người Ơ Đu bắt đầu lên rẫy để gieo trồng và thực hiện những công việc trọng đại khác.

Nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm là một nghi lễ tín ngưỡng dân gian độc đáo và duy nhất còn lại của người Ơ Đu ở Nghệ An. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt bản sắc văn hóa của dân tộc Ơ Đu với các dân tộc khác như Thái, Khơ Mú cùng sinh sống chung trên địa bàn. Tục đón tết này có nhiều nghi lễ, nghệ thuật trình diễn dân gian đậm đặc bản sắc văn hóa tộc người, là một di sản văn hóa quý báu chứa đựng nhiều tư liệu khoa học, giúp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa tinh thần của người Ơ Đu, nhất là văn hóa tâm linh. Do đó, tỉnh Nghệ An đã lập hồ sơ đề nghị đưa nghi lễ đón tiếng sấm này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT Nghệ An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.