Tết yêu thương: Về quê ăn tết

28/01/2022 10:02 GMT+7

Chủ nhật trước tết ông Công, ông Táo , tôi lái xe đưa cháu nội về quê. Hồi còn rảnh rỗi, cứ vào ngày 23 tháng chạp là tôi về quê lau dọn ban thờ làm tết ông Công, ông Táo.

Cứ nghĩ sau này nghỉ hưu tha hồ mà rong chơi mà hưởng thụ những ngày cuối năm, nhưng càng già tôi càng bận.

Nhiều lúc tự hỏi sao mình lại “đày đọa” mình như vậy? Rồi lại tự bào chữa cho mình: số phận là vậy, không ai thay đổi được.

Nét đẹp tết quê

Thạch Minh Lễ

Con đường về quê những ngày cuối năm luôn mang một ký ức khó quên. Có năm về quê gặp mưa xuân. Một vẻ đẹp huy hoàng của mưa xuân làm mình trẻ lại, làm mình tan biến mọi phiền muộn trong một năm. Người dân mang đủ thứ ra hai bên đường bán cho những người đi sắm tết: đào, quất, hoa cúc, thược dược, bưởi, bòng, cam, quýt, cau, gà trống tía, quần áo rẻ tiền Trung Quốc, đồ thờ cúng… Tôi thường chạy xe rất chậm để ngắm phong cảnh hai bên đường và lúc ấy, cảm xúc trong lòng đẹp tựa một ngày xuân.

Năm nay mọi điều như đã khác

Covid-19 đã phá tan nhiều dự định. Mấy hôm trước chú em gọi bảo năm nay anh chị và các cháu ở lại thành phố mà đón tết, làng có hơn chục ca F0 rồi. Một năm không về quê ăn tết cũng không sao. Nhưng tôi nói với chú em, bằng giá nào tôi cũng về quê ăn tết. Từ trẻ cho đến giờ, tôi chưa bao giờ ăn tết ở thành phố. Cứ được nghỉ tết là vợ chồng con cái rồi sau này có cháu lại khăn áo về quê.

Người làng vẫn mong ngóng người thân đi làm xa trở về quê đón tết

Lê Bích

Làng quê những ngày cuối năm đẹp đến nao lòng, vừa u trầm bởi bầu trời nhiều mây mùa đông và những vòm cây thẫm tối vừa náo nức một điều gì đó mơ hồ như gió xuân. Năm nay Covid, chính quyền đã thông báo các dòng họ không được tập trung trong nhà thờ họ như mọi năm và hạn chế đi lại thăm nhau vì lo sợ làm lây lan dịch. Nhiều người nghe thông báo vậy thì thở dài: thế thì còn tết nhất gì nữa. Điều ấm áp, náo nức và thiêng liêng của tết là sự sum họp. Cho dù Covid gây nhiều trắc trở cho chuyện đi lại, nhưng những người làng tôi vẫn mong ngóng người thân đi làm xa trở về quê đón tết.

Trong đêm cuối cùng của năm cũ, những gia đình có người đi xa chưa về ăn tết vẫn mở cửa ngõ đợi chờ. Đó có lẽ là cuộc đợi chờ đặc biệt nhất trong năm. Và chỉ khi tiếng chuông trong đình làng vang lên báo hiệu năm mới đã đến thì sự đợi chờ ấy mới tạm lắng đi. Cho dù thức đón giao thừa, nhưng buổi sáng mùng 1 tết, các gia đình đều tập trung ở nhà thờ của dòng họ từ rất sớm. Họ dâng lễ lên tổ tiên, báo cáo về công việc của gia đình mình trong một năm, biểu dương những gia đình và những cá nhân tiêu biểu trong năm vì thành tích trong làm ăn kinh tế, giáo dục con cháu, gắn kết cộng đồng, trong học hành và tu dưỡng đạo đức, bàn những việc của dòng họ vào năm mới. Sau đó, một đoàn đại diện đi thăm những người già trong dòng họ. Đến trưa, đoàn sẽ chọn một gia đình tiêu biểu nhất trong năm của dòng họ để ở lại cùng nhau ăn tết mừng xuân mới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cháu nội trong nhà thờ họ Nguyễn ở làng Chùa ngày mùng 1 tết năm trước

NVCC

Ngày cuối năm từ phía hai con đường

Bây giờ nhiều điều đã khác xưa. Sự thiêng liêng của tết cũng không còn như trước. Đó là sự thiêng liêng của đoàn tụ, của chia sẻ, của tha thứ và của những hy vọng cho đời người khi kết thúc một vòng quay mười hai tháng. Bây giờ tôi vẫn về quê ăn tết. Hồn tôi vẫn ngóng trông trong ngày cuối năm từ phía hai con đường. Một con đường cho những người xa quê và một con đường cho những người thân yêu đã khuất trở về nhà. Và tôi cứ tin rằng: nếu ai đó không còn nhớ được hai con đường đó thì nghĩa là họ không thể nào tìm thấy con đường cho cuộc đời họ.

Làng tôi năm nay cho dù tình hình dịch Covid-19 và số người nhiễm F0 vẫn có nguy cơ tăng, nhưng họ bắt đầu chuẩn bị hai con đường của làng. Một con đường từ phía đầu làng để đón người đi xa về ăn tết và một con đường phía cuối làng chạy tới nghĩa trang để đón người đã chết trở về đoàn tụ với những người thân yêu trong gia đình đang sống. Nếu chỉ vì Covid hay vì một lý do nào đó mà bỏ đi những phong tục đó thì hồn cốt của chốn làng quê này cũng lặng lẽ ra đi.

Có người đã lên tiếng kêu gọi bỏ Tết Nguyên đán mà chỉ “dùng” Tết tây. Tôi không hiểu được. Tôi từng bị coi là “tây học” nhưng tôi thấu hiểu sự kỳ lạ và thiêng liêng của tết truyền thống. Đừng hiểu tết chỉ là cách người ta đón năm mới mà đó là cơ hội để con người phục dựng hay hồi sinh những điều thiêng liêng trong tâm khảm. Những chuyện phiền toái, mệt mỏi của tết trong những năm gần đây không phải là do bản chất của tết gây ra mà do lòng người đã sống khác. Họ dùng tết như một lý do để thực thi những kế hoạch thực ra chẳng trong sáng chút gì của họ. Họ không tìm thấy sự thiêng liêng của tết mà chỉ tìm thấy một cơ hội, một lý do cho những mưu cầu cá nhân.

Chở hoa ra chợ tết

Lê Bích

Có một phong tục làng Chùa của tôi vẫn giữ tới bây giờ. Đó là phong tục khám đàng (kiểm tra đường làng). Hằng năm, vào ngày mùng 5 tết, làng tôi lại thực hiện lệ khám đàng. Đi đầu đoàn khám đàng là một bô lão, tay xách một chiếc chiêng đồng, vừa đi vừa đánh ba tiếng một. Sau đó là hai thanh niên đi ở hai mép đường làng bằng đất hoặc được lát gạch và trên tay họ giữ chung một chiếc sào tre. Độ dài của chiếc sào tre này chính là chiều rộng của đường làng cộng với hai phần đất lưu không ở hai bên đường làng. Đoàn khám đàng đi chậm rãi từ đầu làng đến cuối làng. Hễ một trong hai đầu cây sào tre chạm vào bất cứ một vật cản nào thì đều bị xử lý, như cổng ngõ, tường nhà, chuồng trâu bò, lợn gà, cây cối và những thứ khác. Khi đầu sào chạm vào những thứ nói trên thì nghĩa là chủ sở hữu của thứ đó đã vi phạm lệ làng. Nghĩa là họ đã chiếm dụng phần đất lưu không của làng để phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Và lệ làng là: hễ một trong hai đầu cây sào chạm vào tường thì phá tường, chạm vào cổng ngõ thì dỡ cổng ngõ, chạm vào chuồng trâu thì dẹp chuồng trâu…

Mỗi năm, sau ngày khám đàng, cây sào tre đó lại được gác dưới mái đình để dùng vào năm tiếp theo. Có lần tôi định kiếm tìm cái văn bản liên quan đến lệ khám đàng nhưng không tìm được. Những người già làng tôi đã trên dưới 90 tuổi nói trước kia có lẽ cũng có văn bản đó nhưng cả đời họ chưa bao giờ nhìn thấy. Làng cũng không có tòa án, không có công an… Thế nhưng, lệ khám đàng cùng với nhiều lệ khác của làng đã ăn sâu vào máu thịt những người làng qua nhiều thế hệ và trở thành một văn hóa sống. Những người làng cố tình vi phạm hay chống đối những lệ đó sẽ cảm thấy xấu hổ và không được cộng đồng chấp nhận. Một cộng đồng sống có luật, có lệ vì những lợi ích của cộng đồng đó giống như một môi trường trong sạch làm cho những vi khuẩn gây bệnh ít có khả năng phát triển.

Covid đang được con người đẩy lùi. Rồi cái con vi rút khủng khiếp ấy có thể chỉ còn lại trong ký ức của con người hay trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật. Nhưng con vi rút mang tên vô cảm vẫn bền bỉ lấn từng chút một trong đời sống con người để dần dần ăn thủng tâm hồn con người. Đến lúc ấy, hoa đào, hoa mai, mưa xuân hay những con đường về quê ăn tết không còn mang một cảm giác gì nữa. Và nếu có ai muốn chữa căn bệnh vô cảm cộng đồng thì sẽ phải liên tục dùng một loại vắc xin đặc biệt trong thời gian cả trăm năm, thậm chí hàng trăm năm mới có cơ hội phục hồi sự thiêng liêng trong đời sống con người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.