Ảnh: Diệp Đức Minh |
* Sự cần thiết cho thị trường của TT 20 cụ thể là gì, thưa ông?
- Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi, tại sao các hãng ô tô đặt cơ sở sản xuất ở nước này mà không phải nước kia? Đó là vì dung lượng thị trường. Chỉ khi nào dung lượng ở nước đó đủ lớn thì họ mới tính đến chuyện đặt cơ sở sản xuất hay liên doanh... và trên cơ sở đó chúng ta mới có thể xây dựng ngành công nghiệp ô tô. Đây là điều chúng ta mong muốn bao năm nay nhưng do dung lượng thị trường quá nhỏ nên không thể làm nổi. Nhưng giờ đã xuất hiện các yếu tố cần và đủ để thực hiện việc này mà chúng ta “bung” ra cho ai cũng có quyền nhập xe về bán thì các hãng xe sẽ không bao giờ mở nhà máy hay chuyển giao công nghệ ở VN. Vì “anh” nhập ở đâu không quan trọng, nhập ở Trung Quốc, ở Hàn Quốc hay ở Mỹ vẫn là xe của họ mà thôi. Họ vẫn bán được xe, cần gì phải đầu tư nữa. Còn các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu chính hãng phải mua thương quyền, xây dựng thương hiệu, hệ thống bảo hành... tạo được niềm tin với khách hàng. Từ đó, tăng dần dung lượng rồi mới có "vai vế" đàm phán họ chuyển giao công nghệ, liên doanh đầu tư tại VN... Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội này, sẽ không bao giờ làm được nữa.
* Nhưng nói đến “ngành công nghiệp ô tô” thì ai cũng quá ngán ngẩm bởi điều này đã được nói đến suốt gần 30 năm qua mà chưa có kết quả gì?
- Người ta chê bai công nghiệp ô tô là không sai. Cái sai lớn nhất là chúng ta cho làm công nghiệp sớm quá, khi mà thị trường chưa đủ điều kiện. Chúng ta cho làm từ năm 1990, khi thu nhập bình quân đầu người thấp, hạ tầng không có, sản lượng quá nhỏ (cả VN chỉ mới chưa tới 20.000 xe), vì thế làm mãi không được, khiến người ta mệt mỏi, chán ngán. Nhưng giờ dung lượng thị trường đã lên tới trên 300.000 xe/năm, hạ tầng giao thông đã tốt lên và thu nhập bình quân đầu người của VN cũng đã tăng rất nhiều. Nghĩa là các yếu tố cần và đủ đã xuất hiện. Tất nhiên khi tôi nói điều này sẽ có nhiều ý kiến cho rằng cứ lắp ráp thì sao làm công nghiệp ô tô? Nhưng phải lắp ráp thì mới biết món này, phụ tùng kia có thể làm được ở VN và “xin” làm. Các hãng xe thấy chúng ta có thể làm được, thấy làm ở VN rẻ hơn thì họ sẽ đồng ý.
Làm nội địa là như thế. Chúng tôi phải đi “nịnh” từng nhà cung cấp để họ quý, họ dạy cho làm chứ không phải muốn làm là được. Còn cứ nhập cái xe nguyên chiếc mang về bán thì không bao giờ có cơ hội sản xuất phụ tùng cả.
* Chứ không phải ông sợ “mở” cho tất cả các DN nhập khẩu thì Trường Hải không thể cạnh tranh nổi?
- Tôi có thể khẳng định, Trường Hải và Chu Lai chẳng ảnh hưởng gì hết. Nếu mở cho nhập thoải mái thì cũng khó ai có thể cạnh tranh được với chúng tôi. Tôi không nói cho lợi ích của Thaco hay của bất kỳ DN nào mà vì việc này sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến nền kinh tế. Quan trọng hơn, nó sẽ phá vỡ các yếu tố để xây dựng ngành công nghiệp ô tô như tôi nói trên.
|
* Ở góc độ người tiêu dùng, bỏ TT 20 nghĩa thì tất cả các DN đều được nhập xe dưới 9 chỗ chưa qua sử dụng chứ không chỉ các DN được ủy quyền như hiện nay. Khi đó, thị trường sẽ cạnh tranh hơn và giá xe sẽ rẻ hơn?
- Giá xuất phát từ thuế. Nếu “rẻ” thì do từ trốn thuế chứ không phải vì cái gì khác. Tôi lấy ví dụ, xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống là mặt hàng có giá trị cao và thuế suất cũng rất cao, từ 138 - 300%. Nếu nhập xe về phải đóng thuế đầy đủ thì giá bán của các DN sẽ như nhau. Còn để được “rẻ” thì chắc chắn DN sẽ phải khai thấp giá trị để gian lận thuế. Ví dụ, nhập chiếc xe 10.000 USD nhưng chỉ khai 5.000 USD và đóng thuế trên mức giá này nên mới có giá “rẻ” hơn. Như vậy ngân sách sẽ thất thu và nền kinh tế gặp rất nhiều hệ lụy. Mấu chốt là ở chỗ này. Nếu thuế suất bằng 0, cạnh tranh sòng phẳng thì không có gì để nói.
Còn về chất lượng, dịch vụ thì tôi có thể khẳng định, người tiêu dùng sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều. Ví dụ việc sửa chữa. Xe hiện nay toàn cơ điện tử, phải nhập khẩu phần mềm từ chính hãng mới làm được. Nhưng DN nhỏ đa phần mua phần mềm Trung Quốc nên không sửa được. Thế nên mới xảy ra hàng loạt trường hợp mua xe nhập từ Mỹ, châu Âu khi bị hư hỏng thì tiền sửa chịu không nổi hoặc muốn mua phụ tùng thay thế phải gửi qua các nước này nhờ mua giùm. Các DN nhỏ cũng không thể đầu tư hệ thống bảo hành, sửa chữa ở nhiều tỉnh, thành. Có mỗi cái cửa hàng ở Hà Nội thì hỏng xe ở Vinh, ở Huế người tiêu dùng biết kêu ai?
* Mặc dù vậy cũng không thể phủ nhận, nếu kiểm soát nhập khẩu ô tô thì Trường Hải vẫn hưởng lợi?
- Tôi không phủ nhận nhưng đó là vì DN của tôi đang vận hành song song với nền kinh tế. Bản thân tôi không bao giờ kiến nghị hay đề xuất các chính sách để công việc của mình nhẹ nhàng hơn hay DN mình có lợi nhiều hơn. Tôi đã theo ngành này mấy chục năm rồi nên tôi có đủ sự nhạy cảm trước các tác động của chính sách lên thị trường và với trách nhiệm của mình, tôi phải làm điều tốt hơn cho đất nước. Tôi chưa bán một cổ phiếu nào để kiếm lợi cho bản thân. Tất cả những gì tôi kiếm được từ đây, tôi đều đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Từ năm 2003 đến nay chúng tôi đã đầu tư và đi vào hoạt động 5 nhà máy lắp ráp, sản xuất xe ô tô cùng với 20 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đến nay xe ô tô con đạt 15 - 20%, xe tải - xe khách đạt 50 - 65%.
Tôi đã xây dựng từ con số 0 và đến giờ này, nếu có chính sách bảo vệ thị trường hợp lý, tôi cam kết sẽ làm được công nghiệp ô tô.
* Nhiều ý kiến cũng lo ngại, các điều kiện nhập khẩu sẽ tạo ra vị thế độc quyền trên thị trường ô tô?
- Chúng ta đã hội nhập thì không thể nói là độc quyền. Các hãng xe có quyền vào đây phân phối và các DN ủy quyền cũng rất nhiều chứ không riêng gì chúng tôi. Về nguyên tắc, DN có thương quyền, mình muốn sử dụng thì phải trả tiền, đó là công bằng và thông lệ quốc tế. Chúng ta không thể vi phạm được. Ngay cả với Thaco, trước khi có TT 20, tôi vẫn đi làm việc với Kia, Peugeot để làm ủy quyền chính hãng cho họ. Sau đó, chúng tôi còn phải làm rất nhiều việc để tạo được uy tín, thương hiệu. Không thể lấy cớ DN nhỏ để muốn làm gì thì làm.
Bình luận (0)