Thạch 'đá' làm rau

04/03/2021 06:22 GMT+7

Ở Đà Lạt, nói đến Thạch “đá” làm rau sạch thì ai cũng biết. Họ biết đến Thạch vì cái cách làm rau và mô hình “vệ tinh” hiệu quả chứ không phải lượng rau anh làm ra hằng ngày.

Lạc bước đến xứ rau

Phạm Ngọc Thạch (42 tuổi) sinh ra và lớn lên ở H.Tiên Phước, một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Nam. Vì nhà nghèo, lại đông anh em nên Thạch trường kỳ vất vả từ tuổi thơ cho đến đại học. Chính những khó khăn ấy đã khiến anh đau đáu giấc mơ và quyết tâm phải làm giàu để giúp mình, giúp gia đình và xã hội bằng chính sức lực của mình.
Ước mơ là vậy, thế nhưng bước đường khởi nghiệp của Thạch đã sớm vấp phải gian truân, nhọc nhằn. Học xong đại học, Thạch gom góp, vay mượn được một ít vốn liếng rồi xuống TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) khởi nghiệp với việc phân phối hàng tiêu dùng và đã nhanh chóng “dẹp tiệm”, thua lỗ, ôm nợ hàng trăm triệu đồng. “Thời điểm cách đây 20 năm, số tiền hàng trăm triệu đâu phải dễ kiếm. Cú sốc đầu tiên khiến tôi choáng váng nhưng vẫn không từ bỏ giấc mơ. Tôi tiếp tục “hành phương nam” vừa lánh nợ và cũng nhằm tìm cơ hội khác để kiếm được tiền quay về trả nợ”, Thạch bộc bạch về chuyện khởi nghiệp của mình.
Thạch đến Nha Trang, rồi tiếp tục vào TP.HCM và cuối cùng dừng chân ở Đà Lạt. Nghề làm rau đến với anh một cách ngẫu nhiên. Năm 2016 Thạch lên Đà Lạt để làm thị trường và phân phối phân bón tại tỉnh Lâm Đồng cho một công ty ở TP.HCM. Vào một buổi chiều trong lúc đi làm, Thạch dừng ở gần một vựa rau tại H.Đức Trọng và chứng kiến chỉ trong 3 tiếng đồng hồ mà có đến 17 xe tải vào ra chở rau đi tiêu thụ. Thạch nhẩm tính: “Giá như mình có 1 chiếc xe tải 15 tấn chở rau như thế, chỉ cần lời mỗi ký 1.000 đồng thôi, mỗi ngày một chuyến thì mỗi tháng cũng có được những 450 triệu đồng rồi”. Và anh bắt đầu nuôi giấc mơ bằng phép tính chẳng khác nào “đếm cua trong lỗ” này.
Thạch 'đá' làm rau1

Anh Thạch (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu nông trại với khách tham quan

“Nhà nào mà chẳng ăn rau”

Thạch tiếp tục với việc bán phân bón và trong quá trình ấy, anh thấy bà con nông dân trồng rau nhưng cuối cùng cũng chỉ đủ cái ăn, cái mặc chứ dư dả chẳng được bao nhiêu. Đi vào tìm hiểu, Thạch biết được là do cách làm, cách bán của bà con nông dân chưa được bền vững, an toàn nên thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá và khi được giá thì mất mùa” nên bà con khó làm giàu trên chính mảnh vườn của mình.
“Câu chuyện làm chủ và làm giàu liền trở lại trong đầu tôi. Tính toán kỹ lưỡng, tôi thấy thêm một chuyện rất phổ biến là nhà nào mà chẳng ăn rau và cũng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) làm giàu với cây rau. Tôi nghĩ không cớ gì mà mình không làm được, nên năm 2017 quyết định “ra riêng” thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt do tôi làm chủ tịch HĐQT và “dính” luôn với nghề rau cho đến nay”, Thạch cho hay.

Xu thế hiện nay về nhu cầu rau an toàn, đảm bảo chất lượng, sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn VietGAP là tất yếu nên các khâu của chúng tôi đều phải theo chuẩn này

Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt

Thắng hay thua là do cách nghĩ, cách làm

Thạch chân thành: “Nói thì nói vậy, nhưng thực tế đi vào làm cũng rất khó khăn, bởi HTX “sinh sau đẻ muộn” nên câu chuyện nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm gặp phải sự cạnh tranh không hề nhỏ. Tuy vậy, tôi vẫn tin chắc vào suy nghĩ của mình “thắng hay thua là do cách nghĩ, cách làm” và xây dựng kế hoạch, quyết định làm theo cách của mình”.
Thạch 'đá' làm rau2

Học sinh tham quan nông trại rau

Cách đầu tiên của Thạch là liên kết, bởi ở cái xứ đất mắc như vàng này mà tìm khu đất rộng để sản xuất quả thật là chuyện quá khó nên anh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con để đảm bảo được nguồn nguyên liệu. Cách tiếp theo là làm thị trường theo mô hình mở điểm bán nhượng quyền thương hiệu nhằm “rủ” nhiều người cùng làm với mình để đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng. Tiếp theo là bán hàng qua mạng, giúp người tiêu dùng không phải ra chợ mà được nhận hàng tại nhà. “Xu thế hiện nay về nhu cầu rau an toàn, đảm bảo chất lượng, sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn VietGAP là tất yếu nên các khâu của chúng tôi đều phải theo chuẩn này. Phương châm hoạt động là: chất lượng, giá cả, dịch vụ, từ tâm nhằm mang đến sức khỏe tốt, bữa ăn ngon cho mọi người và chúng tôi cũng đã mua bảo hiểm cho sản phẩm rau của mình. Trong chuyện liên kết, bà con sẽ được cung ứng vật tư, hạt giống, cây giống, được hỗ trợ kỹ sư hướng dẫn, theo dõi quy trình sản xuất cho từng loại sản phẩm và cam kết bao tiêu. Phân bón chúng tôi cũng cung cấp và cho bà con nợ lại đến 70% và trả nợ sau khi thu hoạch, thậm chí chúng tôi còn bảo lãnh cho bà con vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Chúng tôi cũng tính toán chi tiết với thành viên liên kết, trồng loại cây gì, lời lãi bao nhiêu trên từng diện tích, nếu không đủ chúng tôi sẽ bù, bà con yên tâm sản xuất, chỉ thực hiện đúng quy trình mà chúng tôi đưa ra là đảm bảo có thu nhập”, Thạch cho biết.
Năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp, HTX nói chung đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng với hướng đi đúng của mình, HTX Sunfood Đà Lạt không ngừng mở rộng quy mô và tuyển dụng thêm hàng chục lao động, nâng tổng số lao động tại HTX lên 34 người với quỹ lương bình quân hơn 250 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, HTX còn đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng khu trải nghiệm du lịch canh nông rộng 12.000 m2, nhà hàng buffet rau có sức chứa 500 thực khách ngay tại trung tâm TP.Đà Lạt để khép kín quy trình làm rau của mình. Du khách có thể đến khu sản xuất để trải nghiệm việc sản xuất, tự tay làm đất, trồng, chăm sóc, tham quan, tìm hiểu việc sản xuất rau an toàn trồng trong nhà kính, nhà lưới và ngoài trời của HTX, rồi lên nhà hàng ăn rau, nếu thấy thích thì ghé lại cửa hàng trưng bày mua rau mang về. Riêng học sinh không chỉ được tham quan mà còn có thể tự trồng rau rồi đặt lên kệ được đánh dấu riêng, để lại HTX chăm sóc, đến khi cây trưởng thành thì thu hoạch, ship về tận trường cho các em làm thực phẩm hằng ngày. Quy trình này có camera ghi lại, khách hàng có thể xem hằng ngày việc chăm sóc và sự sinh trưởng phát triển của cây.
Chính nhờ cách làm như vậy, HTX Sunfood Đà Lạt đã có bước tiến thần tốc và vững chắc, khi từ 5 ha sản xuất ban đầu với 15 cửa hàng phân phối sản phẩm thì đến nay diện tích sản xuất đã tăng lên 70 ha với gần 200 cửa hàng phân phối ở hầu khắp các tỉnh, thành trong nước. Hằng năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn gồm 70 loại rau, củ, quả an toàn với mức giá từ 20.000 - 60.000 đồng/kg, mang về doanh thu hàng chục tỉ đồng. Thạch nói vui: “Thạch là đá, mọi người vẫn hay đùa gắn cho biệt hiệu Thạch “đá”, nay thì lại thêm biệt danh Thạch “rau”. Biệt danh nào cũng vui cả, nhưng đến nay tôi vui nhất là được nhìn thấy ước mơ của mình đang dần trở thành hiện thực”.
Trước khi chia tay anh, tôi hỏi vui: “Còn khoản nợ mấy trăm triệu sao rồi?”. Thạch cười: “Tôi trả xong cách đây ba năm rồi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.