Sương khói độc hại dày đặc tiếp tục bao trùm miền bắc Thái Lan, với tỉnh Lampang chịu tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất, và mức độ bụi mịn không an toàn đe dọa sức khỏe người dân tại 8 quận của thủ đô Bangkok, theo báo cáo ngày 15.1 của Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCD). Theo Tổ chức Air Quality Life Index (xếp hạng chất lượng không khí), Thái Lan đứng thứ 7 trong số những quốc gia có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, khiến tuổi thọ trung bình giảm 2 năm.
Giải pháp muộn màng
Dù tình trạng ô nhiễm tồn tại nhiều năm liền, nhưng mãi đến tháng 10.2019, chính quyền Bangkok mới lắp đặt các thiết bị lọc không khí ở trung tâm thành phố. Động thái này trở thành tâm điểm truyền thông nhưng bị chỉ trích là quá muộn, theo tờ Bangkok Post.
Bên cạnh đó, ông Supat Wangwongwattana - cựu Giám đốc PCD và hiện là giảng viên Đại học Thammasat, cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng khí thải từ xe cộ là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi PM2.5 nghiêm trọng ở Bangkok. Tuy nhiên, lượng xe đăng ký mới ở Bangkok lại tăng. Cụ thể, chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2019, đã có 180.000 phương tiện giao thông cá nhân được đăng ký mới ở thủ đô với dân số 15 triệu người.
Kể từ năm 2014, Thái Lan áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với các phương tiện giao thông. Tiêu chuẩn khí thải Euro (với 6 mức độ) của Liên minh Châu Âu (EU) bao gồm những định mức về nồng độ của các loại khí thải từ xe cộ như cacbon monoxit (CO) và các loại bụi tạp chất khác. “Tuy nhiên, chính phủ đã trì hoãn 13 năm mới áp dụng Euro 4, dự kiến năm 2022 là Euro 5. Nhiều doanh nghiệp ô tô chưa sẵn sàng đầu tư để thay đổi động cơ đáp ứng tiêu chuẩn này nên vận động hành lang để chính phủ trì hoãn kế hoạch Euro 5 cho đến khi họ sẵn sàng”, theo ông Supat.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng Thái Lan dành quá ít ngân sách cho phòng chống ô nhiễm. Cụ thể, trong năm tài chính 2019, ngân sách dành cho môi trường chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng ngân sách 3,1 nghìn tỉ baht, tương đương khoảng 0,05% GDP.
“Quýt làm cam chịu”
Giới phân tích đánh giá các biện pháp của chính quyền Thái Lan không hiệu quả nên bầu không khí vẫn ô nhiễm mỗi ngày. Chuyên gia Supat lưu ý: “Nạn nhân gánh chịu hậu quả trong khi kẻ gây ô nhiễm không khí không phải chịu trách nhiệm hay tốn kém tiền bạc. Điều này thật không công bằng”.
Nghiên cứu mới đây từ Đại học Phòng Thương mại Thái Lan cho thấy người dân ở Bangkok tiêu tốn 600 triệu baht (457 tỉ đồng) để mua khẩu trang chống ô nhiễm từ tháng 12.2018 - 1.2019, thời điểm chất lượng không khí ở mức tồi tệ nhất. Bên cạnh đó, khoảng 800.000 người phải khám sức khỏe vì ô nhiễm không khí, chi trả khoảng 800 triệu baht.
Trong tình cảnh đó, chính phủ Thái Lan vẫn chưa nhất quán về ngưỡng bụi mịn an toàn để có biện pháp kiểm soát ô nhiễm phù hợp. Theo ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong vòng 24 giờ, mỗi người tiếp xúc PM2.5 không được quá 25 mg/m³. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, PCD áp dụng tiêu chuẩn không khí với ngưỡng “an toàn” PM2.5 cao gấp đôi mức khuyến cáo của WHO. Cụ thể, “ngưỡng an toàn” của PCD đưa ra là 50 mg/m³ trong một ngày. Bên cạnh đó, các số liệu thống kê cho thấy lượng PM2.5 trung bình trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2019 là 24 mg/m³, riêng Bangkok cùng các khu vực lân cận là gần 30 mg/m³.
Trong khi đó, Ủy ban Môi trường quốc gia Thái Lan lại tuyên bố điều chỉnh tiêu chuẩn PM2.5 là không cần thiết với lý do không đủ số liệu và cần thu thập thêm trong vòng 6 - 7 năm nữa.
Bình luận (0)