Thảm họa chực chờ hơn 90.000 đập nước Trung Quốc giữa mưa lũ kỷ lục

24/07/2020 22:08 GMT+7

Con đập tại một hồ chứa nhỏ ở khu vực Quảng Tây (Trung Quốc) bị vỡ vào tháng trước sau những ngày mưa lớn có thể là một dấu hiệu đáng quan ngại cho phần nhiều trong số khoảng 94.000 con đập tại nước này khi thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Gạch đá ngổn ngang phá hỏng một phong cảnh đẹp như tranh của Trung Quốc. Một con mương khô cằn là thứ còn sót lại của một con đập khổng lồ một thời ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Được tu bổ lần cuối vào 25 năm trước, con đập đã bị lũ tràn qua vào tháng 6 gây ra thiệt hại to lớn, làm đường sá lụt lội, ruộng đồng ngập úng.
Sự cố vỡ đập cho thấy sự lơ là khiến hồ chứa gánh chịu thảm họa. Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại nhất là điều này cũng có thể xảy ra với một trong số khoảng 94.000 con đập cũ trên khắp Trung Quốc. Những con đập này có ở mọi lưu vực sông và đồng bằng mà hiện có mật độ dân số đông hơn nhiều so với khi đập mới được xây dựng.

Toàn cảnh thị trấn Dương Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) bị ngập lụt nhìn từ trên cao, ảnh chụp ngày 7.6

Reuters

Con đập được xây dựng vào năm 1965 bằng đất nện và được thiết kế để giúp tưới tiêu cho các trang trại ở Shazixi. Hồ chứa có thể chứa lượng nước tương đương 78 bể bơi dùng cho Thế vận hội. Khi đập bị vỡ vào tháng 6, truyền thông Trung Quốc không đưa tin. Nhưng trong chuyến thăm hồ chứa vào giữa tháng 7, Reuters phát hiện ra rằng hầu hết chiều dài đập - khoảng 100 mét - đã biến mất.
Không rõ liệu đợt mưa lớn vượt kỷ lục vừa qua có phải là nguyên nhân khiến đập bị vỡ hay không, hay đã có lỗi về thiết kế. Giới chức địa phương đã không trả lời yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ sớm đón một số cơn bão thậm chí còn mạnh hơn nữa.

Một người đàn ông nằm nghỉ trên một chiếc thuyền phao trên một con đường bị ngập lụt ở thị trấn Zhegao gần hồ Chao, tỉnh An Huy (Trung Quốc) vào ngày 23.7

Reuters

Lũ lụt là một phần của cuộc sống ở Trung Quốc, và trong lịch sử, nước này đã trải qua nhiều trận lụt nguy hiểm chết người. Nhưng các nhóm môi trường nói rằng biến đổi khí hậu đang khiến mưa lớn hơn và thường xuyên hơn. Chỉ riêng tại Quảng Tây, dữ liệu chính thức cho thấy cả lượng mưa và nhiệt độ trung bình tăng lên đáng kể trong 30 năm qua.
Từ đó nổi lên câu hỏi liệu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể theo kịp biến chuyển chóng mặt của khí hậu hay không. “Mỗi con đập ở đây đều đã trải qua khoảng 50 năm. Ngay cả nhà ở thì qua 50 năm dĩ nhiên cũng có nguy hiểm. Nếu bạn không sửa chữa và bảo vệ thì các con đập sẽ không thể tồn tại lâu”, một người dân nói.

Một máy xúc dỡ đá và đất để gia cố bờ sông Gantang ở Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 17.7

Reuters

Hàng ngàn con đập như thế này được xây dựng vào những năm 1950 và 1960 trong giai đoạn lãnh đạo của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông nhằm chống hạn hán trong thời kỳ xã hội nông nghiệp. Nhưng hơn nửa thế kỷ sau, không rõ liệu các con đập có thể trụ lại được bao lâu.
Một quan chức Trung Quốc từng phát biểu vào năm 2006 rằng nhiều đê nước đã sụp tại hơn 3.000 hồ chứa trong 50 năm qua do chất lượng không đạt chuẩn và quản lý kém. Nhận thức được rủi ro, nhà chức trách cho biết họ đang cho củng cố và nâng cao những con đập cũ, đẩy mạnh rà soát và lên kế hoạch xây đập mới với khả năng trữ nước lớn hơn. Nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi liệu các con đập ở Trung Quốc có thể kìm hãm được thảm họa và bảo vệ kế sinh nhai của hàng triệu người dân ở hạ lưu hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.