Không ít người đã giao sức khỏe, tính mạng cho cơ sở thẩm mỹ “chui” không có chuyên môn làm phẫu thuật thẩm mỹ nên gặp phải những tai biến, cầu cứu khắp nơi điều trị, trong khi đó tiền mất tật mang, thậm chí tìm đến cái chết… để giải thoát.
Điển hình, Sở Y tế TP.HCM vừa tiếp nhận đơn tố cáo của nữ bệnh nhân T. (21 tuổi, tạm trú TP.HCM) với nội dung: Tháng 4.2020, chị T. đến thẩm mỹ viện Natural (Q.10) được bác sĩ N.A.D tư vấn nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo để đắp lên mũi và lấy sụn tai đắp bổ sung, nhưng sau nhiều lần phẫu thuật đến nay mũi bị biến dạng.
Bỏ ra 300 triệu đồng điều trị nhưng mũi vẫn bị biến dạng
Đáng nói, việc nâng mũi trên diễn ra tại Bệnh viện Q.Y ở Q.5. Phẫu thuật xong, mũi chị T. có dấu hiệu sưng viêm, chảy dịch, bác sĩ D. nhắn chị qua thẩm mỹ viện truyền kháng sinh 3 ngày liên tục, nhưng vẫn không hết viêm, sưng nên đặt ống dẫn lưu rút dịch ra và theo dõi truyền thuốc.
Sau một tuần điều trị, tình trạng mũi bệnh nhân vẫn không khá hơn, có dấu hiệu móp méo và gây khó thở, buộc bác sĩ tháo vật liệu nhân tạo ra. Mũi chị T. sau đó bị co rút, mất vách ngăn, trụ mũi lủng lỗ, gồ ghề.
Cuối tháng 5.2020, bác sĩ D. hẹn chị T. qua để mổ, điều trị mũi cho chị tại Bệnh viện Q.Y (Q.5). Lúc này, bác sĩ lấy sụn sườn bên phải, sụn tai đắp lại vô mũi. Tháng 8.2020, bác sĩ Hồ Phi Nhạn (Giám đốc thẩm mỹ viện Natural) thực hiện ca mổ mông chị T. lấy mỡ trung bì đắp lên mũi, nhưng vẫn không hết biến dạng, tình trạng viêm nhiễm ngày càng trầm trọng, liên tục uống kháng sinh trong nhiều tháng liên tiếp. Cũng theo đơn tố cáo, tổng cộng 4 lần phẫu thuật chỉnh sửa mũi và điều trị kéo dài nhiều tháng nên mũi chị T. bị biến dạng.
Nhưng các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho chị T. đã thay đổi thái độ điều trị, không tiếp tục điều trị hay chuyển viện, khiến tinh thần chị T. bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Tôi hoang mang, lo lắng, trầm cảm suốt thời gian dài, khiến tôi có những suy nghĩ tiêu cực. Ngày 13.9.2020, tôi uống 30 viên panadol tự tử nhưng may mắn được người nhà phát hiện kịp thời, đưa vào bệnh viện điều trị”, chị T. uất ức. “Giữ được tính mạng là tốt rồi, chứ vừa rồi, một nhân viên tên B.B (19 tuổi, quê Lâm Đồng) của nhà hàng M. ở Q.7 (TP.HCM) đã gieo mình xuống sông tự tử cũng vì sửa mũi bị biến dạng không đẹp khiến gia đình bàng hoàng, đau đớn”, người quen của nạn nhân B.B cho hay.
|
Do bệnh tình ngày càng trầm trọng nên chị T. liên tục đi thăm khám, tư vấn điều trị ở nhiều bệnh viện, bác sĩ. Để phục hồi mũi, chi phí ước tính tạm thời khoảng 300 triệu đồng. Hiện chị T. được bác sĩ các bệnh viện chẩn đoán bị biến dạng mũi do phẫu thuật, phát sinh bệnh lý hẹp đường thở, nhiễm trùng do viêm… Hiện chị T. cũng đang chờ thẩm mỹ viện bồi thường để có kinh phí đi điều trị.
“Bác sĩ” dạo đến tận nhà nâng mũi
Tháng 9.2020, một phụ nữ tên P. từ Lâm Đồng tìm đến một bệnh viện thẩm mỹ ở TP.HCM cầu cứu vì đứt lìa trụ mũi, đầu mũi bị thủng, lỗ mũi chảy dịch và máu nham nhở sau 12 ngày nâng mũi của “bác sĩ” thẩm mỹ dạo.
Theo chị P., qua mạng xã hội, một người tự xưng “bác sĩ” từ TP.HCM lên Lâm Đồng phẫu thuật nâng mũi cho chị tại nhà mình, trong điều kiện không vô trùng, không có hệ thống tiền mê. Hai ngày sau, chị P. cảm giác chiếc mũi của mình tựa như có hàng ngàn con ong đâm chích vào từng thớ thịt. Chị gọi điện cho “bác sĩ” nói trên nhiều lần, nhờ can thiệp nhưng được hồi đáp một cách vô cảm: “Không sao đâu, một thời gian nữa sẽ hết…”.
Qua thăm khám, bác sĩ ở TP.HCM nhận định đây là trường hợp bị hoại tử mũi rất nặng. Nếu không điều trị gấp, vùng da, sụn đang hoại tử sẽ lan rộng ăn mòn cả chiếc mũi. Đáng sợ và bất ngờ nhất là không hiểu sao “bác sĩ” dạo kia cắt đứt rời trụ mũi với đường rách toạc nham nhở. Trụ mũi đứt rời cháy đen như bị a xít ăn mòn với cả đống chỉ khâu. Họ nhét hẳn một chiếc sụn nhân tạo vừa to dài, vừa cứng vào chiếc mũi của bệnh nhân, mà không cần quan tâm chiếc sụn này có bị quá cỡ so với cơ địa hiện tại của bệnh nhân hay không.
|
Chưa hết, tháng 11.2020, nữ bệnh nhân T.T.T.N (24 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt) trong tình trạng sau nâng mũi thì mũi xuyên thủng, đồng thời bị hoại tử mông. Nữ bệnh nhân này cho hay chị được người quen giới thiệu nâng mũi tại spa C.N ở địa phương bằng phương pháp “tối tân nhất” và “giữ trọn đời” với mức giá 25 triệu đồng. Nhưng chỉ sau 4 ngày phẫu thuật thì mũi chị N. bị sưng, ủ dịch, kèm đau nhức, nhiễm trùng nên chị quay lại spa, được bơm rửa mũi bằng một loại dung dịch.
Chủ spa bảo do cơ địa yếu và giới thiệu mua 2 hộp sữa non (giá 4 triệu đồng) uống tăng sức đề kháng. Một tuần sau, 2 lỗ mũi chị N. liên tục chảy dịch đen hôi khó chịu nên chị quay lại spa để cầu cứu. Chị N. được nhân viên spa tiêm kháng sinh vào mông. Về nhà, mông chị N. bị tích tụ ổ vi khuẩn và hình thành ổ áp xe lớn, hoại tử mông nặng. Lần thứ 3 tìm đến spa, chị được chủ spa tư vấn nâng mũi bọc sụn tai và tháo miếng megaderm (tấm đặt giữa sụn nhân tạo và đầu mũi). Miếng megaderm lấy ra biến sắc đen sì, còn đầu mũi teo tóp, tím rịm. Nhưng cũng chỉ sau 1 tuần thì mũi chị N. lại đau nhức hơn trước, đầu mũi xuất hiện mụn nhọt to tướng. Quá sợ hãi và đau đớn sau 3 lần sửa tới sửa lui tại spa, chị N. đã xuống TP.HCM nhờ bác sĩ chuyên ngành “giải cứu” chiếc mũi.
Bác sĩ một bệnh viện ở TP.HCM đánh giá mũi chị T.T.T.N bị nhiễm trùng, hư hại nghiêm trọng. Đầu mũi thủng dịch mủ đang chảy, nghiêm trọng hơn là một lỗ thông toang hoác xuyên qua vách ngăn, lỗ thông sắp cắt đứt rời trụ mũi, hai bên trong lỗ sát đường viền cánh mũi là nhiều đường mổ chi chít... Ngoài ra, cả khối sụn nhân tạo to cứng được đưa vào mũi cùng nhiều mảnh sụn tai rải rác và mũi chỉ khâu chằng chịt. “Người thực hiện hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn, khiến cấu trúc mũi tan nát từ trong ra ngoài. Lạ đời nhất, họ tiêm kháng sinh vào mông bên trái của bệnh nhân để sửa lại mũi”, vị bác sĩ nhận định.
Cấp phép xăm, phun, thêu trên da... nhưng làm thẩm mỹSau sự cố của chị T. tại thẩm mỹ viện Natural (Q.10), Thanh tra Sở Y tế kiểm tra và đề xuất UBND TP.HCM xử lý. Ngày 23.11.2020, UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt thẩm mỹ viện Natural 120 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động 9 tháng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết đã rút chứng chỉ hành nghề (CCHN) tạo hình - thẩm mỹ của bác sĩ Hồ Phi Nhạn, vì giấy thực hành mà Bệnh viện Trưng Vương cấp cho bác sĩ Nhạn là chuyên khoa ngoại (bác sĩ Nhạn thực hành tại Khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ). Bác sĩ Nhạn đã nộp bản chính CCHN về Sở Y tế Bình Thuận. Sở Y tế TP.HCM cho hay đã chuyển vụ việc sang công an xác minh CCHN bác sĩ Nhạn.
Ở một diễn biến khác, sau sự cố xảy ra với chị T.T.T.N, Sở Y tế Lâm Đồng mời bà A., chủ spa C.N, đến làm việc và xử phạt vi phạm hành chính bà A. 45 triệu đồng. Theo Sở Y tế Lâm Đồng, spa C.N chỉ được phép xăm, phun, thêu trên da, không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm hay phẫu thuật nâng mũi.
Lâm Viên - Duy Tính
|
Bình luận (0)