Bà Merkel đưa ra lời kêu gọi trên trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh hôm nay 6.9. Nữ lãnh đạo Đức cho hay bà đã thảo luận về tình hình Hồng Kông với Thủ tướng Lý và cho rằng cần phải có một giải pháp hòa bình cho đặc khu. “Tôi nhấn mạnh các quyền và tự do dành cho các công dân [Hồng Kông] phải được công nhận”, bà Merkel phát biểu tại cuộc họp báo.
“Trong tình hình hiện nay, bạo lực phải bị ngăn chặn. Chỉ có đối thoại mới có tác dụng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ đề nghị một cuộc đối thoại. Tôi hy vọng điều đó trở thành hiện thực và những người biểu tình có cơ hội tham gia trong khuôn khổ quyền của các công dân”, bà Merkel nhấn mạnh.
Về phần mình, Thủ tướng Lý nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ “một quốc gia, hai chế độ” và “người Hồng Kông quản lý người Hồng Kông”. Ông cho biết thêm Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực của chính quyền Hồng Kông "kết thúc bạo lực và hỗn loạn theo luật pháp để trả lại trật tự, vốn bảo vệ ổn định và phồn thịnh lâu dài của Hồng Kông".
Tuyên bố này đánh dấu ông Lý trở thành quan chức Trung Quốc cấp cao nhất đưa ra phát biểu về tình hình ở Hồng Kông kể từ khi cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi bùng phát hồi tháng 6, theo tờ South China Morning Post.
Trong buổi họp báo hôm 5.9, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà tự đưa ra quyết định rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi vào ngày 4.9 nhằm “ngăn chặn bạo động, chấm dứt hỗn loạn”, chứ đây không phải là chỉ đạo từ đại lục, theo AFP. Nữ lãnh đạo tiếp tục kêu gọi người biểu tình đối thoại với chính quyền đặc khu, ngừng những hành vi đã gây ra đụng độ thường xuyên với cảnh sát trong vòng 14 tuần qua.
Trong chuyến thăm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc hôm nay 6.9, Đặc khu trưởng Lâm cho hay việc rút dự luật dẫn độ chỉ là bước đầu tiên và thừa nhận: "Chúng tôi không thể dừng bạo lực ngay lập tức”, theo Reuters.
Một số vụ đụng độ nhỏ liên quan đến những người biểu tình quá khích xảy ra rải rác tại vài nơi ở Hồng Kông trong ngày 4 và 5.9, theo South China Morning Post. Trên những diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội, người biểu tình tiếp tục lên tiếng phản đối chính quyền đặc khu và kêu gọi tuần hành, bao gồm kế hoạch chặn tuyến đường hướng đến sân bay quốc tế Hồng Kông vào ngày 7.9.
Ngoài hủy bỏ dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang đại lục để xét xử, phe phản đối còn có 4 yêu cầu khác: tiến hành điều tra độc lập về việc cảnh sát tấn công người biểu tình, bỏ thuật ngữ “bạo động” khi mô tả các cuộc tuần hành, trả tự do cho tất cả người biểu tình bị bắt và bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Bình luận (0)