Dự án Manhattan là biệt danh dùng để chỉ nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm phát triển bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ hai. Kết quả là sự ra đời vũ khí hạt nhân, kế tiếp là việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8.1945 khiến Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện.
Đối thủ mới
Bất chấp tranh cãi, Dự án Manhattan được đánh giá đã mang đến một trong những đột phá lớn lao của thế kỷ 20, cho phép quân đội Mỹ giành được lợi thế trên chiến trường.
Giờ đây, Lầu Năm Góc đang triển khai một dự án mới với kỳ vọng mang lại cho Mỹ lợi thế tương tự như bom nguyên tử đã làm được trong quá khứ. Và lần này các thế lực mà Mỹ phải đối mặt là Nga và Trung Quốc, theo trang tin c4isrnet.
|
Phát biểu tại Diễn đàn quân sự USNI tại Washington D.C hôm 5.12, tân tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đô đốc Michael Gilday tuyên bố để đối phó Nga và Trung Quốc, hải quân nước này buộc phải tìm cách tận dụng lợi thế đến từ các hệ thống vũ khí và cảm biến được kết nối và dàn trải trên một khu vực rộng lớn.
Tuy nhiên, công nghệ hiện tại không cho phép xây dựng một kiến trúc mạng quy mô đến thế, một phần do đối phương phát triển hệ thống tác chiến điện tử hiệu quả.
Để đạt được mục đích, hải quân buộc phải hợp tác với không quân Mỹ, bằng mọi giá phải kết nối hệ thống vũ khí và khí tài của hải quân với các oanh tạc cơ và tiêm kích hiện đại của không quân. Thế là Dự án Manhattan 2.0 chính thức ra đời.
Liên kết mọi khí tài
Theo trang Defense News, hải quân Mỹ đang tìm cách xây dựng khái niệm chiến dịch liên kết các tàu chiến, máy bay và những nền tảng không người lái, từ thiết bị bay cỡ nhỏ đến máy bay cảnh báo sớm công nghệ cao như E-2D Hawkeye và cả chương trình Future Frigate trong tương lai.
Trong đó, Future Frigate là dự án đóng 20 tàu hộ vệ thế hệ mới, với chi phí hơn 800 triệu USD/tàu, theo The Drive.
Ý tưởng đằng sau dự án này là bằng mọi cách phải dàn trải lực lượng trên một khu vực rộng lớn, thay vì co cụm xung quanh một tàu sân bay của Mỹ như hiện nay. Như vậy, lực lượng Mỹ mới gây áp lực tối đa cho hệ thống thu thập tình báo và trinh sát của Nga và Trung Quốc.
Đồng thời, mạng lưới cũng kết nối với mọi dạng khí tài của hải quân và không quân Mỹ, cho phép nhanh chóng bắn hạ bất kỳ đối tượng nào nằm trong vòng phủ sóng.
|
Đô đốc Gilday dự kiến một mạng lưới như thế sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2033 đến 2035. Tuy nhiên, ông công nhận mốc thời gian đó quá xa. Vì thế, để đạt được hiệu quả tốt nhất, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ quyết định bắt tay với Tham mưu trưởng không quân, tướng David Goldfein để đẩy nhanh tiến độ.
“Chúng tôi cần kết hợp lực lượng và có lẽ thiết lập các mốc phân bổ ngân sách ăn khớp với nhau và cùng tìm ra giải pháp nhanh nhất, giống như một dạng “Dự án Manhattan”,” theo đô đốc Gilday, phần nào cho thấy tính cấp bách của tình hình.
Trước đó, USNI News là trang đầu tiên đưa tin về thỏa thuận trên. Theo chính quyền Washington, Nga và Trung Quốc vừa được liệt vào nhóm đối thủ tiềm năng trong trường hợp bùng nổ xung đột vũ trang.
Dựa trên sự phân loại này, Lầu Năm Góc đã điều chỉnh các nỗ lực quân sự, bao gồm khía cạnh phát triển vũ khí và khí tài thế hệ mới.
Bình luận (0)