Thận trọng khi đưa tàu, thuyền vào hoạt động ở hồ Tây

31/03/2023 09:19 GMT+7

Xung quanh dự thảo Quy định quản lý và khai thác hồ Tây (Q.Tây Hồ, Hà Nội) UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng không nên chú trọng khai thác riêng lợi ích kinh tế đơn thuần, phải thận trọng trong vấn đề đưa các phương tiện vào hoạt động ở hồ Tây.

Cần khai thác cả lợi ích văn hóa

UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Quy định quản lý và khai thác hồ Tây (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trong đó giao UBND Q.Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất và phối hợp với các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.

Thận trọng khi đưa tàu, thuyền vào hoạt động ở hồ Tây - Ảnh 1.

Hà Nội đề xuất UBND Q.Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, thống nhất hoạt động tại hồ Tây

ĐÌNH TRƯỜNG

Trước đó, để quản lý hồ Tây bền vững, đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế phục vụ cho cộng đồng, năm 2009, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định giao UBND Q.Tây Hồ quản lý hồ Tây.

Sau khi quyết định được ban hành, tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép, đeo bám khách du lịch, xâm phạm hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời; tình hình an ninh trật tự, trật tự xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài ra, trong giai đoạn 2009 - 2016, việc cho các đơn vị khai thác, sử dụng mặt nước hồ đã đem về cho ngân sách quận khoảng 2 - 2,3 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, từ tháng 9.2016 đến nay, việc quản lý, khai thác hồ Tây được giao cho 6 sở thuộc Hà Nội, gồm: Xây dựng, GTVT, TN-MT, NN-PTNT, VH-TT, Du lịch quản lý theo từng lĩnh vực chuyên ngành và không có đầu mối thống nhất quản lý. Điều này gây ra nhiều khó khăn, bất cập.

Trong Dự thảo, Q.Tây Hồ được giao quản lý các lĩnh vực gồm: quản lý mặt nước, hạ tầng kỹ thuật, bến thuyền; các hoạt động dịch vụ văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí; giám sát, đánh giá chất lượng nước…

Cụ thể, UBND TP.Hà Nội giao Q.Tây Hồ tổ chức quản lý môi trường và dịch bệnh thủy sản; bảo vệ và khai thác nguồn lơi thủy sản hồ Tây. Các tổ chức, cá nhân trước khi thả động vật, thực vật xuống hồ phải thông tin tới cơ quan quản lý thủy sản của địa phương hoặc UBND phường sở tại để được hướng dẫn, giám sát theo quy định.

Đặc biệt, trong Dự thảo còn nêu ra 12 loại dịch vụ kinh doanh ở khu vực hồ, bao gồm: kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ; vận chuyển khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); biểu diễn nhạc nước, thuyền buồm, dù lượn…

Nêu quan điểm về Dự thảo, TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, lưu ý các cơ quan quản lý nhà nước không nên chú trọng khai thác riêng lợi ích về kinh tế đơn thuần mà cần khai thác cả lợi ích văn hóa gắn với hồ Tây, để truyền bá lịch sử, văn hóa của Thăng long Hà Nội.

"Quanh hồ Tây có nhiều di tích, làng nghề, cảnh quan đặc biệt. Giá trị của hồ Tây không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn có yếu tố văn hóa, tâm linh, là nơi mang đậm dấu ấn đặc thù riêng của Hà Nội. Những giá trị này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân thủ đô, người dân trong nước và du khách nước ngoài", ông Nghiêm nói.

Đặt vấn đề vệ sinh môi trường lên hàng đầu

Dành nhiều sự quan tâm tới đề xuất 12 loại dịch vụ kinh doanh ở khu vực hồ Tây, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nhìn nhận việc Hà Nội xem xét mở lại các loại hình dịch vụ trên hồ Tây sau nhiều năm cấm đoán chắc chắn đã có sự nghiên cứu kỹ.

"Nên lấy tiêu chí bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học của hồ Tây làm đầu; phải ưu tiên việc bảo tồn, đừng đặt lợi ích kinh tế đầu tiên. Đối với các ngành nghề kinh doanh, thành phố cần nghiên cứu kỹ về quy mô, mật độ, thậm chí các quy định về tiếng ồn, nước thải…; khi cho phép mở lại các dịch vụ phải thực hiện chặt chẽ hơn các nơi khác", ông Tùng bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, đề xuất nêu ra cần phải lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các nhà khoa học để có sự đồng thuận, hợp lý, vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát huy được giá trị truyền thống.

"Riêng ý định đưa các phương tiện vào hoạt động ở hồ Tây thì nên cân nhắc, làm thận trọng hơn vì tàu, thuyền là "cái nôi" dễ xảy ra việc không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong khi đó, hồ Tây là "lá phổi xanh" chính, là nơi để cân bằng môi trường cho cả thủ đô. Đối với mặt nước phải đặt vấn đề vệ sinh môi trường lên hàng đầu", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP.Hà Nội diễn ra ngày 28.3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm, trước mắt không xem xét đưa du thuyền hoạt động trở lại tại hồ Tây. "Sau này nếu có tính toán đến việc hoạt động trở lại phải xem xét rất kỹ mọi mặt, tuyệt đối bảo đảm môi trường nước, giữ gìn sinh thái hồ", ông Dũng nói.

Vào năm 2017, do không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường; phòng cháy, chữa cháy; kiểm định phương tiện... nên TP.Hà Nội chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; lên kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để 147 phương tiện ra khỏi hồ. Hiện, 143 phương tiện đã được di chuyển, song bên mé hồ Tây vẫn đang tồn tại xác của 3 con tàu cùng 1 bến cập du thuyền (mặt sàn). Do bị bỏ hoang nhiều năm nên những khối sắt này đang hoen gỉ, có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.