Việt Nam đã dẫn dắt “cuộc chơi”
Tại buổi nói chuyện, các diễn giả chia sẻ những thông tin quan trọng về quá trình tham gia của Việt Nam vào ASEAN và vị trí của Việt Nam hiện nay trong ASEAN; đặc biệt, đưa ra những so sánh quý báu để thanh niên (TN) Việt Nam biết đang ở vị trí nào trong khu vực và cần phải làm gì trước những thách thức trong quá trình hội nhập.
Theo tiến sĩ Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Malaysia, Việt Nam đã tham gia vào ASEAN cả 3 lĩnh vực trụ cột gồm: kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó TN là lực lượng đã tham gia tốt nhất trong quá trình hội nhập ASEAN hiện nay.
Ông Thái cho rằng trong những năm qua, khi tham gia ASEAN, chúng ta tham gia tích cực, chủ động và bắt đầu dẫn dắt “cuộc chơi”; trong tất cả các lĩnh vực đều có sáng kiến và đã hội nhập sâu rộng, được đánh giá là đi nhanh hơn khá nhiều nước trong khu vực.
Anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Quốc tế T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp TN Việt Nam, cũng cho biết những năm qua, T.Ư Đoàn - Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam đã tham gia vào cơ chế hợp tác TN ASEAN với nhiều thành công.
“Chúng ta tham gia ngày một chủ động hơn, ngày một thể hiện vai trò vị thế của Việt Nam; đa dạng trong lĩnh vực như: hợp tác doanh nhân trẻ, nhà khoa học trẻ và tình nguyện…”, anh Minh nói.
Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, T.Ư Đoàn - Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam có những sáng kiến, hoạt động nổi bật sẽ tổ chức trong năm 2020 và trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hợp tác TN trong khu vực, qua đó đóng góp cho sự phát triển hơn nữa của Cộng đồng ASEAN. Ngoài việc tiếp tục tổ chức Diễn đàn doanh nhân trẻ ASEAN và Diễn đàn nhà khoa học trẻ ASEAN thì sẽ có các Diễn đàn TN tình nguyện ASEAN, lần đầu tiên tổ chức mời các nước sang chia sẻ kinh nghiệm…
Nhiều thách thức với thanh niên
Tại buổi nói chuyện, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với TN Việt Nam khi hội nhập ASEAN. Theo tiến sĩ Hà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB-XH), Việt Nam có thể dẫn dắt một số lĩnh vực, mang lại nhiều cơ hội cho TN như: cơ hội nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn, tạo cơ hội việc làm cho TN nói riêng và người lao động nói chung; cơ hội dịch chuyển lao động có kỹ năng, giúp cho không chỉ việc làm trong nước mà cơ hội việc làm ở ngoài nước tăng lên; cơ hội giao lưu văn hóa nhiều hơn khi được tự do đi lại trong khu vực.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, đang liên thông chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học của các nước trong khu vực, trong đó đã có 27 trường tham gia. Sinh viên có thể sang học tại các trường trong khu vực và được công nhận chuyển đổi tín chỉ.
Tuy nhiên, bà Đức cho rằng TN Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cực lớn về trình độ người lao động. Trình độ lao động bậc cao của Việt Nam vẫn ở vị trí thấp; người lao động không được đào tạo đầy đủ kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa làm việc… Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh phổ thông rất thấp trong khu vực.
Bà Đức nói: “Nếu xét ngôn ngữ chung, Việt Nam không có ngôn ngữ chung với nước nào trong khu vực, trong khi Malaysia, Indonesia, Brunei và một phần Singapore có chung ngôn ngữ; Lào và Thái Lan có ngôn ngữ khá tương đồng. Trong khi Việt Nam chưa phổ cập giáo dục tiếng Anh”.
Trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cũng được đánh giá là nước mới chớm sẵn sàng, trong khi nhiều nước khác đã dẫn đầu. Vì vậy, theo bà Đức, TN phải tận dụng cơ hội học tiếng Anh trên mạng; học đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử… để xây dựng đất nước có tầm nhất định trong khu vực và thế giới. “Khi năng lực được nâng cao, chúng ta có đủ tố chất để vươn ra trên thế giới cao hơn, xa hơn”, bà Đức nhấn mạnh.
Bình luận (0)