Phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ
Trả lời Thanh Niên, đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết đang lấy ý kiến các sở, ngành và quận, huyện để phối hợp bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ ban hành làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời điểm áp dụng bắt đầu ngày 1.1.2021; khi đó TP.Thủ Đức rộng hơn 211 km2 và hơn 1 triệu dân, dự kiến có 34 phường trực thuộc.
Về tổ chức bộ máy, TP.Thủ Đức là một cấp chính quyền địa phương, bao gồm cả HĐND và UBND. Trong đó, HĐND TP.Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại luật Tổ chức chính quyền địa phương; có quyền quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương…
Về thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, Quốc hội đã có nghị quyết riêng về chính quyền đô thị tại TP.HCM, trong đó nêu rõ Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, đình chỉ công tác chủ tịch và phó chủ tịch UBND các phường trực thuộc. Các phường trực thuộc UBND TP.Thủ Đức không có HĐND mà chỉ có UBND, chủ tịch và phó chủ tịch do Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức bổ nhiệm trực tiếp.
Về thẩm quyền cụ thể và cơ chế cho TP.Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức mô hình “thành phố trong thành phố” theo hướng tạo đột phá, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong điều hành.
Riêng khoảng hơn 600 cán bộ, viên chức, người lao động dôi dư khi thực hiện mô hình mới, Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết sẽ hoàn thành việc giải quyết số cán bộ dôi dư này trong năm 2022, để giúp họ chủ động tìm công việc mới.
Hạ tầng “đi trước một bước”
Thuyết minh đề án thành lập TP.Thủ Đức, UBND TP.HCM đánh giá về tổng thể hạ tầng giao thông khu vực phía đông tương đối đồng bộ gồm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, QL1, xa lộ Hà Nội… Thế nhưng, ngoài một số tuyến đường lớn thì đa số đường khu vực này nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, chưa kể nhiều dự án chậm triển khai hoặc thi công dang dở như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3… khiến người dân bức xúc nhiều năm qua.
Đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cũng nhìn nhận hạ tầng 3 quận khu đông thời gian qua được đầu tư, chỉnh trang, nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự gia tăng dân số. Người dân vẫn còn rất bức xúc trước tình trạng ngập nước, kẹt xe trên các tuyến đường Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt (Q.9), Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định đoạn cảng Cát Lái, đường Quốc Hương - Thảo Điền (Q.2).
“Nhiều người dân đã quá khổ sở, vất vả với cảnh nước tràn vào nhà, ngập đến thắt lưng, còn giao thông thì thường xuyên ùn ứ khiến người dân mệt mỏi và bất lực”, ông Đức nêu thực tế và đề nghị khi thành lập TP.Thủ Đức, vấn đề hạ tầng thoát nước đô thị và hạ tầng giao thông đô thị phải được quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Không nên “cộng dồn cơ học”Theo một số chuyên gia, TP.Thủ Đức là “thành phố trong thành phố” đầu tiên ở Việt Nam nên cần mạnh dạn thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo ra sự đột phá; nếu không chỉ là sự “cộng dồn cơ học” của 3 quận thành đơn vị hành chính mới.
Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng bộ môn luật hành chính (Trường ĐH Luật TP.HCM), đề xuất tổ chức các cơ quan chuyên môn theo hướng tăng cường yếu tố “đa ngành, đa lĩnh vực” để giảm đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm ở một số lĩnh vực giao thoa.
|
Về vấn đề hạ tầng giao thông, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đã ban hành kế hoạch hành động xây dựng Khu đô thị sáng tạo - tương tác cao phía đông, trong đó bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Đáng chú ý, ngành giao thông sẽ tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án then chốt, tháo gỡ điểm nghẽn như khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; mở rộng đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, cải tạo nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức... Tổng nguồn vốn để hoàn thiện giao thông khu đông trong 10 năm tới ước tính khoảng 300.000 tỉ đồng, dự kiến huy động từ ngân sách, vốn T.Ư và ODA...
Ông Bằng nhấn mạnh các dự án có vai trò kết nối liên vùng như Vành đai 2, Vành đai 3, Nguyễn Duy Trinh phải được ưu tiên đầu tư để “đi trước một bước”. Vì thế, theo ông, công tác giải phóng mặt bằng phải được đẩy nhanh để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, tránh tình trạng dự án thi công dang dở vì vướng mặt bằng như dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long…
Thủ tục hành chính phải thông suốt
Là một trong 3 quận thuộc diện sáp nhập, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Q.9 cho biết đã gửi góp ý đến Sở Nội vụ tổng hợp nhằm xây dựng kế hoạch triển khai lập TP.Thủ Đức một cách cụ thể, đảm bảo mọi công tác liên quan đến bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức phải hoàn tất trước thời điểm bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp (dự kiến tổ chức vào tháng 5.2021). Sau khi có kế hoạch tổng thể của TP.HCM, từng sở, ngành và đơn vị liên quan sẽ xây dựng kế hoạch riêng theo từng lĩnh vực.
Về kế hoạch sắp tới, ông Bảy cho biết sẽ tập trung hỗ trợ người dân trong các thủ tục hành chính và chuyển đổi giấy tờ. Đơn cử như ngành công an cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi hộ khẩu, căn cước công dân… chứ không thể chờ người dân đến làm như hiện nay. Việc chuyển đổi giấy tờ có thể thực hiện cuốn chiếu theo từng phường, nếu người dân có nhu cầu chuyển đổi gấp cho công việc cá nhân thì làm trước.
Kích hoạt các nguồn lực then chốtTheo tính toán của UBND TP.HCM, 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM năm 2019, tương đương 7% GDP.
Sau khi được thông qua, TP.Thủ Đức sẽ phát triển 8 trọng tâm, bao gồm trung tâm tài chính Thủ Thiêm (Q.2); trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc (Q.9); trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (Q.9); trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Fulbright, Trường đại học Nông Lâm và các đại học lân cận); trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa và Long Phước (Q.9); trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng quốc tế Cát Lái (Q.2); khu đô thị tương lai Trường Thọ (Q.Thủ Đức). 8 trọng tâm phát triển này sẽ góp phần tăng mức đóng góp GRDP trên 30%.
Liên quan nguồn lực phát triển cho TP.Thủ Đức sắp tới, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhìn nhận các khu vực tiềm năng có thể chuyển thành đất đô thị để mang lại nguồn lực tốt hơn, bao gồm các phường Long Phước, Long Bình, Long Thạnh Mỹ, mở rộng Khu Công nghệ cao (Q.9); P.Trường Thọ và 4 khu công nghiệp - khu chế xuất gần hết thời hạn giao đất, cho thuê đất gồm: Linh Xuân, Linh Trung 1, Linh Trung 2 và Linh Trung 3 thuộc Q.Thủ Đức; hơn 600 ha khu Đại học Quốc gia TP.HCM.
Để biến tiềm năng thành nguồn lực, theo ông Châu, TP.HCM cần điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở kêu gọi đầu tư, thuê đơn vị tư vấn quốc tế làm quy hoạch chung TP.Thủ Đức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đầu tư hạ tầng giao thông để tăng giá trị đất đai.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng khi xây dựng TP.Thủ Đức cần ưu tiên tập trung phát triển 3 trụ cột sẵn có, gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), Khu Công nghệ cao (Q.9) và Khu Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức) bằng các cơ chế, chính sách đột phá để phát triển đúng định hướng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.
|
Bình luận (0)