Theo Khánh, hiện nay các nền tảng việc làm vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò cầu nối giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Vẫn còn nhiều sinh viên gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm sau khi ra trường và buộc phải chấp nhận làm những công việc trái ngành. Trong khi đó, các doanh nghiệp thì lại gặp khó khăn trong việc “săn” tài năng cho các vị trí then chốt và quan trọng của công ty do thiếu nguồn thông tin để tiếp cận đến đối tượng.
Không những vậy, các nền tảng việc làm luôn thiếu đi sự trung thực trong vấn đề viết CV (sơ yếu lý lịch) của ứng viên như: giả mạo bằng cấp, chứng chỉ, khai báo sai thông tin về kinh nghiệm, kỹ năng... Điều này không chỉ gây khó khăn cho ngành nhân sự mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, khiến họ khó có thể tiếp cận được đến nguồn nhân lực tốt. Vì lẽ đó, nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain đã ra đời nhằm giải quyết vấn đề này, như: Blockcert, VECefblock, EduCTX...
“Tuy vậy mô hình lưu trữ tập trung kiểu này không đảm bảo được độ bảo mật và tính toàn vẹn của dữ liệu khi mà khả năng bị tấn công là vô cùng lớn. Cuối cùng, cả ba nền tảng đều chỉ xoay quanh các chỉ số mà chưa gây ra được những tác động đáng kể nào đến mảng việc làm”, Khánh nhận định.
Một vấn đề khác là đào tạo trực tuyến. Khánh cho rằng thời gian qua các mô hình học trực tuyến nổi lên và dần trở thành một công cụ thịnh hành để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong toàn xã hội, có thể kể đến như Zoom Cloud Meeting, Google Classroom, Udemy…
“Tuy nhiên, các mô hình học trực tuyến hiện nay đang thiếu đi sự quan tâm sâu sắc cho học viên trong suốt quá trình họ tham gia một khóa học. Cụ thể, các nền tảng chỉ tập trung vào việc cung cấp các khóa học, sau khi đã tham gia khóa học đó, học viên sẽ phải tự mình “vận động” trong một quá trình dài. Do đó, người học thường có xu hướng rất hăng say trong những ngày đầu, nhưng dần dần lại bỏ bê và chán nản vì thiếu đi sự quyết tâm cũng như lý tưởng học”, Khánh nói.
Đó là chưa kể có nhiều vụ bê bối về dữ liệu và bảo mật hiện nay luôn là điều khiến người dùng phải quan tâm và lo ngại. “Thế nên tôi nghiên cứu việc kết hợp mô hình học trực tuyến, quản lý chứng chỉ và nền tảng giới thiệu việc làm tích hợp các thông tin về chứng chỉ, kinh nghiệm…, từ đó ứng dụng công nghệ Blockchain để xây dựng và hoàn thiện nền tảng giáo dục và việc làm Jobchain. Nền tảng cung cấp một môi trường học thuật năng động và tích cực bằng việc đổi mới phương pháp đào tạo, đồng thời hậu thuẫn người dùng trong quá trình xin việc và chuyển việc làm. Ngoài ra, các vấn đề xoay quanh dữ liệu và bảo mật của người dùng cũng được giải quyết nhờ vào giao thức tập trung và chia sẻ dữ liệu được xây dựng và phát triển dựa trên công nghệ Blockchain”, Khánh chia sẻ.
Theo Khánh, mục tiêu của nghiên cứu này hướng đến cả việc làm lẫn đào tạo trực tuyến.
Đối với việc làm, Jobchain chính là một nền tảng việc làm kết hợp với mô hình đào tạo trực tuyến nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc sử dụng công nghệ Blockchain để xác thực dữ liệu.
Còn đối với đào tạo trực tuyến, nghiên cứu này áp dụng mô hình “Learning is Earning”. Theo đó, đào tạo trực tuyến của Jobchain sẽ là một nền tảng có nhiều sự tương tác với người học hơn để thúc đẩy sự hăng say và phấn khích ở họ. Đồng thời kích thích sự chủ động của học viên trong việc học bằng cách cho họ một lý tưởng, một đích đến đáng để họ bỏ công sức và trí tuệ khi theo học ở mô hình này.
Bình luận (0)