Lắt léo chữ nghĩa

'Thảo mai' là gì?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
03/08/2024 06:30 GMT+7

'Thảo mai' là từ khá thịnh hành trong thời gian gần đây, nhiều người sử dụng, đặc biệt là ở miền Bắc, song nguồn gốc của từ này xem ra còn khá mơ hồ.

Thảo mai là gì? Xin thưa, từ này có nghĩa là giả tạo, dùng để chỉ người cư xử xã giao, bề ngoài tỏ vẻ thân thiện nhưng không thật lòng. Trong quyển Vietnamese for Assholes (2019), tác giả Barry Taybalo giải thích thảo mai"fake, untruthful. Cách cư xử của anh ấy thảo mai lắm. His behavior is really fake" (tr.19). Như vậy, "thảo mai" có nghĩa là giả tạo (fake), sai sự thật (untruthful), chỉ người không thành thật, nói năng giả dối, chẳng hạn: His behavior is really fake (Cách cư xử của anh ấy giả tạo lắm).

Dưới đây là những giả thuyết về nguồn gốc của từ thảo mai.

a. Trang Wiktionary tiếng Anh cho biết thảo mai là từ Hán Việt, kết hợp từ chữ thảo (草: cỏ, thảo dược) và mai (梅: Prunus mume, Ochna integerrima); nghĩa bóng là "trông có vẻ ngây thơ".

b. Thảo mai (草梅) có nghĩa là dâu tây (Fragaria × ananassa) hoặc là tên một vị thuốc dùng trong Đông y.

c. Thảo mai hình thành từ một món ăn vặt, chế biến từ cam thảo và ô mai, có vị thơm ngọt.

d. Thảo mai xuất phát từ câu ca dao: "Thảo mai rao bán chỉ vàng/Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh". Câu này nhằm châm biếm người thiếu trung thực, vì cô gái đã nói dối là bán chỉ vàng, nhưng lại bán chỉ xanh.

e. Thảo mai là tiểu thiếp của Kinh Xuyên (con Vua Đất) trong truyền thuyết Thủy Cung Thánh Mẫu. Thảo Mai ngoài mặt ngọt ngào nhưng bên trong ganh ghét, đố kỵ Thủy Cung Thánh Mẫu (vợ Kinh Xuyên), vu oan Thánh Mẫu tư thông với người khác. Kết quả là Thánh Mẫu bị Kinh Xuyên đuổi đi.

Rất tiếc, trang Wiktionary tiếng Anh chỉ dừng lại ở việc giải thích nghĩa bóng của từ thảo mai (草梅) là "trông có vẻ ngây thơ" chứ không cho thấy tính chất "giả tạo" chứa trong từ này. Còn các giả thuyết cho rằng thảo mai có nguồn gốc từ dâu tây, một vị thuốc hay món ăn vặt vẫn không thuyết phục, vì không nêu bật được tính chất "không chân thật".

Chúng tôi chưa tìm thấy câu "Thảo mai rao bán chỉ vàng/Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh" trong bất kỳ tài liệu nào. Có khả năng đây là "từ nguyên giả", do ai đó đã chế ra để giải thích nguồn gốc của từ thảo mai chăng?

Giả thuyết đáng tin cậy nhất là Thảo Mai, tên của nhân vật trong truyền thuyết Thủy Cung Thánh Mẫu. Chúng ta biết rằng có những danh từ, tính từ hình thành từ tên của các nhân vật trong lịch sử, truyền thuyết, văn chương, phim truyện và kịch… Chẳng hạn như những ví dụ trong đoạn trích từ quyển Cơ-cấu Việt-ngữ (tập 3) của Trần Ngọc Ninh: "Trong Việt-ngữ, thông dụng nhất là: Sở - khanh, Tú - bà, Thảo Mai, Thị Mầu, Chúa Chổm, Tào Tháo, Trương Phi, Bao Công, Hạng Võ…" (NXB Lửa Thiêng, 1973). Từ cứ liệu này cho thấy thuật ngữ thảo mai xuất hiện trễ nhất cũng từ nửa cuối thế kỷ 20, miêu tả tính chất đặc trưng của một nhân vật cụ thể, có khả năng đó là Thảo Mai, "tình địch" của Thủy Cung Thánh Mẫu (水宮聖母). Vị Thánh Mẫu này còn được gọi là Mẫu Đệ Tam (母第三), Đệ Tam Thánh mẫu (第三聖母) hay Mẫu Thoải (母水), chữ thoải đọc chệch từ chữ thủy (水), người chịu trách nhiệm về các vùng sông nước, thường được thể hiện trong các nghi thức tôn giáo và nhạc lễ Chầu văn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.