Tháo nút thắt cho đầu tư PPP

31/10/2024 06:16 GMT+7

Sáng 30.10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án "1 luật sửa 4 luật" sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và luật Đấu thầu.

Tại luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp. Thủ tục để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong 15 ngày, nhà đầu tư (NĐT) không phải thực hiện một số thủ tục trong 3 lĩnh vực gồm xây dựng, bảo vệ môi trường và PCCC; cắt giảm 260 ngày thủ tục hành chính.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần xây dựng pháp luật để vừa quản lý tốt nhưng phải thông thoáng tạo hành lang cho kiến tạo, phát triển, "chứ không phải cái gì không quản được thì cấm". Theo đó, "thủ tục phải rất đơn giản", "chứ còn xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà cho doanh nghiệp".

"Chúng ta tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Thủ tục đơn giản thì thuận lợi cho doanh nghiệp, loại trừ việc phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Thủ tục gọn nhẹ cũng giúp chống lãng phí bởi có khi 1 dự án thực hiện 1 năm nhưng thủ tục thì 2 năm...", Phó thủ tướng nêu.

Tháo nút thắt cho đầu tư PPP- Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu hôm qua

ẢNH: GIA HÂN

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc trình dự án luật sửa đổi một số điều tại 4 luật liên quan tới quy hoạch, đầu tư là thực hiện tư duy đổi mới xây dựng pháp luật mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc của Quốc hội. Để hiện thực yêu cầu này cần phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và "cơ chế xin cho"; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân cấp, phân quyền triệt để hơn.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh các nước không ngừng đổi mới, nếu ta không đổi mới, cạnh tranh thì NĐT sẽ đi mất. "Nhà nước ta có rất nhiều quyền, cho ai làm, làm ở đâu, làm thế nào, ra sao. Còn NĐT chỉ có 1 quyền thôi, đấy là không làm. Vì vậy phải hài hòa, quản lý nhà nước, nhưng cũng thu hút, khuyến khích đầu tư để NĐT mạnh dạn bỏ tiền", ông Dũng lưu ý.

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng dự án PPP đang là điểm nghẽn. "Như trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhu cầu vốn ngân sách đáp ứng chỉ khoảng 1/3, chưa nói đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sắp tới cần tới 67 tỉ USD. Ngoài ra, hai hệ thống metro tại Hà Nội và TP.HCM cũng cần vốn rất lớn, theo quy hoạch Hà Nội sẽ làm khoảng 600 km đường sắt đô thị với khoảng 55 tỉ USD, TP.HCM tương tự khoảng 50 tỉ USD", ông Thường dẫn chứng.

Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề đụng đến các dự án BT đang treo lại tại các địa phương "vô cùng phức tạp, liên quan đến cả pháp luật, đơn thư kiện cáo rất khó giải quyết". Để xử lý các dự án BT treo, Chính phủ dự kiến đưa ra nghị quyết riêng, nhưng ông Thường đề xuất cần xử lý sớm vì để kéo dài quá lâu.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thì nêu thực tế nhiều NĐT "sợ" dự án PPP vì không có cơ chế xử lý rủi ro. Điển hình là các dự án BOT giao thông, NĐT làm xong không cho thu phí nên không ai dám làm nữa. Ông đề nghị hoàn thiện hơn cơ chế xử lý rủi ro, đồng thời quy trách nhiệm cho cơ quan phê duyệt dự án PPP.

Đề xuất cho bán vật chứng, tránh lãng phí tài sản

Sáng 30.10, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Viện KSND tối cao đề xuất 5 biện pháp xử lý, như trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng… Đồng thời đề xuất nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 và được thực hiện không quá 3 năm.

Thảo luận tại tổ, ĐB Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đây là vấn đề rất vướng mắc. Có những tài sản trong vụ án kéo dài, thậm chí đến giai đoạn thi hành án dài hàng chục năm chưa giải quyết được. Đơn cử TP.HCM có vụ EPCO Minh Phụng, vụ Ngọc Thảo, vụ án trong lĩnh vực ngân hàng thời điểm này 30 năm rồi vẫn chưa giải quyết xong. "Có vụ việc tham nhũng, kinh tế, từ nguồn tin chúng ta biết rõ ràng đối tượng tình nghi thực hiện hành vi phạm tội và có tài sản nhưng không thể thu giữ, xử lý được. Dẫn đến khi khởi tố, xét xử rồi thì tài sản này không còn vì đã đủ thời gian để tẩu tán", ông Hải nêu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) thì cho rằng việc xử lý vật chứng cần xem xét rõ ở từng giai đoạn, trên nguyên tắc suy đoán vô tội. Nếu tòa án không xử lý hình sự, mà chỉ xử lý cảnh cáo, án treo hay phạt tiền mà vật chứng bị định giá và bán thì hạn chế quyền định đoạt của bị can.

Đồng tình với dự thảo, ĐB Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, nêu thực tế công an TP đang phải quản lý số lượng vật chứng tài sản rất lớn, rất lãng phí, trong khi có những tài sản để lâu quá mất giá trị. "Chủ phương tiện không để ý là coi như bỏ luôn. Thanh lý thì không thanh lý được, cứ phải ngồi giữ khư khư", ông Trung nói và cho rằng thực tế rất bất cập, bức xúc. Tuy nhiên, cho rằng phạm vi điều chỉnh quá hẹp nếu chỉ thí điểm, theo ông Trung cần mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian thí điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.