Nên bỏ hẳn hạn điền
|
Phương án hai, bỏ hẳn quy định về hạn mức này. Phương án này không có giới hạn mức sử dụng đất, cho phép hộ gia đình, cá nhân có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu và năng lực của mình. Điều mà Bộ TN-MT cũng như nhiều người lo lắng sẽ dẫn đến một số đối tượng đầu cơ đất đai. Bộ TN-MT chỉ đề xuất xóa bỏ hạn điền trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân.
Ông Nguyễn Thành An (Chủ nhiệm HTX sản xuất lúa Nhật ở H.Thoại Sơn, An Giang) nói: “Luật đất đai 2013 cho phép một hộ nông dân sở hữu 3 ha. Lúc đó tôi ước gì luật cho phép mình sở hữu được gấp 10 lần như vậy. Nhưng thật lòng mà nói “sức” của tôi có thể làm được vài trăm héc ta. Nếu bây giờ luật có tăng lên 10 lần thì cũng còn rất hạn chế. Bây giờ có nhiều nông dân giỏi, họ làm cả vài ba trăm, thậm chí cả ngàn héc ta. Tôi nghĩ lần này luật nên bỏ hẳn quy định về hạn điền, tạo cơ hội cho nông dân giỏi phát triển. Còn những người không muốn gắn bó với nghề nông có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp”.
Tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn là xu hướng của sự phát triển đã được thừa nhận rộng rãi trong xã hội. Theo TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (tại TP.HCM), nền nông nghiệp và mỗi trang trại muốn tồn tại và phát triển, có lợi nhuận cao, nhất thiết phải sản xuất nông sản an toàn: an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất và an toàn cho môi trường. Muốn thế, các trang trại phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại, thực hiện tiêu chuẩn và quy trình GAP, phù hợp với yêu cầu của mỗi loại thị trường. Muốn áp dụng công nghệ cao, hiện đại, các trang trại phải có quy mô kinh doanh đủ lớn, tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô. Do vậy, tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất là một tất yếu kinh tế khách quan. Khi đã nhìn nhận rõ vấn đề như vậy thì việc cần làm là phải “cởi trói” cho nó, không nên nới lỏng dần dần vì như vậy sẽ kéo dài sự trì trệ của cả nền nông nghiệp.
Kiến tạo chứ không làm thay
Cũng theo TS Khải, hiện nay, ở một số địa phương, chính quyền đứng ra thuê đất của các nông dân nhỏ lẻ, thậm chí sử dụng ngân sách địa phương chi trả tiền thuê đất một lần cho nông dân với thời hạn thuê 20 năm. Sau đó, chính quyền cho doanh nghiệp thuê lại và việc trả tiền thuê đất của doanh nghiệp cho chính quyền địa phương được thực hiện nhiều kỳ trong thời hạn 20 năm. Điều này nảy sinh mấy vấn đề: UBND xã, huyện, hay tỉnh không phải là một pháp nhân, không có tư cách pháp lý thuê đất của người này rồi cho người khác thuê lại. Nếu trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp bị phá sản thì tự nhiên ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân bị mất trắng. Đó là chưa kể nguy cơ diễn ra tình trạng chính quyền địa phương ép dân phải cho thuê đất để có thành tích. Để chính quyền đóng vai trò kiến tạo cho sự phát triển, kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển, chính quyền nhất thiết chỉ có thể là cơ quan ban hành chính sách, kiểm soát việc thực thi chính sách, không trực tiếp thực thi các hoạt động kinh doanh.
tin liên quan
Giải quyết bồi thường, tái định cư theo luật Đất đai mới Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đất đai là vấn đề nhạy cảm ở VN. Những nhà nông và người làm việc liên quan đến nông nghiệp chờ đợi một chính sách đất đai thực sự cởi mởi để làm nền tảng thúc đẩy nông nghiệp phát triển đã nhiều năm. “Hồi năm 2013, tôi và nhiều người đã trông đợi và kỳ vọng về một cú hích thật sự về chính sách. Tuy nhiên nó đã không xảy ra như mong đợi. Suốt từ đó đến nay, vấn đề này đã được dư luận đề cập rất nhiều, ngay cả những lãnh đạo cao cấp cũng có chung suy nghĩ và phát biểu trên các diễn đàn, hội thảo, hội nghị. Chính vì vậy tôi tin rằng lần này sẽ được Chính phủ và Quốc hội xem xét một cách nghiêm túc”.
Bình luận (0)