Thấp thỏm đêm tránh bão số 13: “Lỡ nhà sập về lấy gì mà ở“
15/11/2020 11:49 GMT+7
Người dân miền biển tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, thành phố) cứ đến mùa mưa bão luôn phải trong tâm thế sẵn sàng để thấp thỏm khăn gói theo chân lực lượng chức năng rời những căn nhà tạm của mình để đến nơi kiên cố, an toàn để tránh trú bão. Cơn bão số 13 cũng không ngoại lệ. Mỗi người ở nơi tránh trú lại có những tâm sự riêng.
Tự động phát
Đêm dài ở nơi trú bão
Khoảng 20 giờ ngày 14.11, PV Thanh Niên có mặt tại Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà), nơi đang có nhiều người tránh trú bão số 13. Giữa tiếng gió thổi mạnh, cây cối nghiêng ngả ào ào, ông Đặng Văn Sớt (72 tuổi, trú P.Nại Hiên Đông) ăn vội hộp cơm được chính quyền địa phương chu cấp. Ông Sớt cho biết ông sống cùng con trai tại căn nhà cấp 4 tạm bợ, tính đến nay trong chưa đầy 1 tháng ông đã 3 lần đi tránh trú bão.
Xúc động tình làng nghĩa xómBên cạnh việc chính quyền quyết liệt di dời dân, ngay tại các địa phương ở Thừa Thiên-Huế, nhiều gia đình có nhà cửa kiên cố cũng đã mở rộng cửa, nấu cơm để đón người có nhà tạm đến tránh bão.
Tại tổ dân phố Giáp Thượng 2, P.Hương Văn, TX.Hương Trà, vợ chồng chị Phạm Thị Điệp, giáo viên cấp 2, có ngôi nhà kiên cố cũng đã mở cửa đón hơn 30 người đến ở. "Không chỉ vợ chồng em, nhiều đồng nghiệp của em có nhà kiên cố cũng đăng Facebook thông báo và đón người có nhà tạm đến ở để tránh bão. Với người già, sợ lúc bão đến lo sợ lên huyết áp nên em đã chuẩn bị sẵn cả máy đo huyết áp luôn", chị Điệp chia sẻ.
Tại TP.Huế, nhà báo Nguyễn Tâm Hành (cựu PV Báo Thừa Thiên-Huế) có ngôi nhà kiên cố cũng thông báo mở cửa nhà mình để đón người đến trú bão. Không những sẵn lòng mở rộng cửa, phục vụ ăn uống, nhà báo Tâm Hành còn thông báo anh có ô tô bán tải sẵn sàng đi đón những người không di chuyển được đến nhà anh trú tránh bão.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (H.Phú Vang), cho biết tại xã Phú Thuận, chính quyền đã tiến hành di dời 153 hộ với 609 người, trong đó có 1 hộ phải tiến hành cưỡng chế. Nhưng chỉ một số ít trong đó là đến ở tập trung ở niệm phật đường Hòa Duân, trụ sở UBND xã, trạm y tế...; còn lại đa số đều ở trong các ngôi nhà kiên cố của người dân địa phương. “Nguồn lực của nhà nước có hạn, chính nhờ tình làng nghĩa xóm giúp nhau trong bão lũ, mới tạo nên sức mạnh cộng đồng vượt qua khó khăn”, ông Tùy nói.
Bùi Ngọc Long
|
Sau bữa ăn tối tại khu tập trung, bà Nguyễn Thị Hai (44 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã liên tục gọi điện cho các con đang làm việc tại TP.HCM thông báo về việc bà đã được chính quyền đưa đi trú bão để các con khỏi lo lắng. Bà Hai kể ở Quảng Ngãi khó tìm việc làm, bà lặn lội ra TP.Đà Nẵng được 2 năm, sống nhà thuê và mưu sinh bằng nghề bán cá tại cảng cá Thọ Quang (Q.Sơn Trà). “Bão số 9 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi gây thiệt hại, ngôi nhà cấp 4 của gia đình ở quê nhà bị tốc mái, tôi phải tức tốc về quê. Vừa ra lại Đà Nẵng làm được 5 ngày thì gặp bão phải đi di tản”, bà Hai thở dài.
“Mong bão qua, trời sáng về xem nhà cửa”
Cẩn thận đắp tấm chăn mỏng cho cô con gái ốm yếu, mắc bệnh về thần kinh, bà Lê Thị Điệp (61 tuổi, trú P.Nại Hiên Đông) cho biết bà làm nghề buôn bán cá ở cảng cá Thọ Quang, vất vả nuôi cô con gái mắc bệnh, đau ốm triền miên. Cứ đến mùa mưa bão là mẹ con lại nơm nớp lo sợ khi sống trong ngôi nhà tạm bợ. “Con gái tôi mắc bệnh đến 6 tuổi mới biết đi, thần trí không bình thường, cuộc sống bộn bề vất vả. Họ hàng ở xa, không có chính quyền lo lắng thì chắc mẹ con tôi không biết đi đâu. Mong bão qua đi, trời sáng về xem nhà cửa có bị gì không”, bà Điệp tâm sự.
Theo ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông, cho biết từ sáng 14.11, theo kế hoạch địa phương dự kiến sẽ di dời 164 người sống ở nhà tạm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của người dân muốn tránh trú bão tại nhà người thân nên đến trưa 14.11, địa phương đã di dời 34 người dân đến tạm trú tại Trường THCS Phạm Ngọc Thạch.
Bình luận (0)