Thập Vạn Đại Sơn - chiến dịch ít được biết đến: Giúp bạn cũng như giúp mình

07/10/2022 07:14 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký: “Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng”.

Tương trợ chiến đấu

Tư liệu lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam ghi lại: Năm 1948, ông Trang Điền được chỉ thị của ông Chu Ân Lai sang gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Lục Giã (Thái Nguyên). Tại cuộc tiếp kiến, ông Trang Điền báo cáo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc, quân Tưởng Giới Thạch tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam. Những đơn vị du kích của Hồng quân Trung Quốc đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Đảng Cộng sản Trung Quốc mong nhận được tiếp viện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả và trong sáng, coi giúp bạn như giúp mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận đề nghị đó. Ngày 23.4.1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh cho Liên khu 1 "Giúp giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng vùng Ung - Long - Khâm (huyện Ung Ninh, Long Châu, Khâm Châu) liền với Đông Bắc của ta, thông ra biển, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón đại quân Giải phóng quân Trung Quốc Nam hạ". Tiếp đó, ngày 8.5, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn do Tư lệnh Liên khu 1 Lê Quảng Ba làm chỉ huy trưởng; Trần Minh Giang (đại diện của Giải phóng quân ở vùng Thập Vạn Đại Sơn) là Chính trị ủy viên; hai ông Đỗ Trình (người Việt Nam) và Bằng Tự (người Trung Quốc) làm Chính trị hiệp trợ viên. Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia làm hai mặt trận:

Mặt trận thứ nhất do Trung đoàn trưởng Nam Long (sau này là trung tướng) làm chỉ huy trưởng; Hoàng Bình - cán bộ Quân giải phóng Trung Quốc làm chỉ huy phó; Đỗ Trình (sau này là trung tướng) làm chính trị viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (trái) căn dặn Tư lệnh Lê Quảng Ba (phải) trước khi lên đường

Tư liệu K.M.S

Mặt trận thứ hai do đại tá Thanh Phong làm Tư lệnh; Trung đoàn trưởng Chu Huy Mân (sau này là đại tướng) và Trung đoàn trưởng Hoàng Long Xuyên (sau này là đại tá) làm Phó tư lệnh.

Trước khi đoàn lên đường sang Thập Vạn Đại Sơn giúp bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Tư lệnh chiến dịch Lê Quảng Ba: “Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi”.

Những ẩn số lịch sử

Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn (Biên khu Việt Quế) bên kia biên giới Lạng Sơn, Hải Ninh (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) do Tư lệnh Lê Quảng Ba trực tiếp chỉ huy. Lực lượng gồm có tiểu đoàn 426 được tăng cường một đại đội 1488; tiểu đoàn 1 (còn gọi là tiểu đoàn Minh Hổ); một bộ phận cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của mặt trận Duyên Hải - Đông Bắc, được bổ sung các tổ quân y, quân dược chuyển thành cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn (mặt trận phía Đông). Hai tiểu đoàn 426 và 1 được tổ chức thành Chi đội 6 do trung đoàn trưởng trung đoàn 59 Nam Long làm Chi đội trưởng, Hoàng Bình - trung đoàn trưởng trung đoàn độc lập Hải Ninh làm Chi đội phó, Đỗ Trình làm Chính trị ủy viên chi đội kiêm Chính trị hợp trợ viên cho Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn. Sau trận Trúc Sơn, ông Đỗ Trình được gọi về nước nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng Thế Dũng - chính trị viên trung đoàn Hải Kiến (Hải Phòng - Kiến An, sau này mang phiên hiệu trung đoàn 42) sang thay.

Trên mặt trận này, lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc có ba tiểu đoàn được tổ chức thành một chi đội mang tên Chi đội 3 do Vương Cương (Voòng Coóng) làm Chi đội trưởng, ngoài ra còn có một số trung đội du kích địa phương.

Bên cạnh Chính ủy Trần Minh Giang, phía Hồng quân Trung Quốc còn có các ông bà: Trần Phát, ủy viên khu Thập Vạn Đại Sơn; Lê Công (Lầy Cống), Tham mưu trưởng; Lê Liên (Lý Sỉu), Chủ nhiệm Chính trị; Hoàng Nhị Thư (Vòng Dì Chế) phụ trách hậu cần...

Sinh thời, đại tá - nhà văn Lê Kim đã viết trên tạp chí Lịch sử Quân sự, tháng 12.2008 như sau: “Cuộc hành quân chiến đấu dọc Thập Vạn Đại Sơn, với một loạt chiến tích anh hùng, thắm đượm tình quốc tế vô sản, cho tới nay cũng vẫn chưa có cuốn sách nào phản ánh thật đầy đủ...”. Thời gian trôi qua, những nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch lần lượt qua đời. Nhiều thông tin vẫn là ẩn số. Trong đó, có thể kể đến thông tin sau: Có tư liệu viết, ông Việt Hưng - Trung đoàn phó trung đoàn 59 ở lại trong nước để chỉ đạo các đại đội độc lập của trung đoàn đang phân tán hoạt động ở hai tỉnh Bắc Giang, Hải Ninh và đường số 4 từ nam Lạng Sơn ra Tiên Yên, Móng Cái. Sau đó, ông Việt Hưng có nhiệm vụ đưa bộ đội sang bảo vệ đường rút về của quân ta qua địa phận Thượng Tư và Tư Lạc. Song từ nhiều năm trước lại có một vài ý kiến cho rằng ông Việt Hưng sang làm Tham mưu trưởng Chi đội 6 và đơn vị này đã diệt được một đồn biên phòng của địch. Hoặc vì sao giữa chiến dịch lại cử ông Hoàng Thế Dũng sang thay ông Đỗ Trình? (còn tiếp)

Thập Vạn Đại Sơn - chiến dịch ít được biết đến

Anh dũng hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.