Thấy gì từ lợi nhuận 'hoành tráng' hơn 8.122 tỉ đồng của BIDV?

Anh Vũ
Anh Vũ
02/08/2021 16:21 GMT+7

Dù lợi nhuận tăng 86,3% so với cùng kỳ, nhưng chất lượng tài sản của BIDV vẫn còn là một ẩn số khi nợ xấu khá cao và đặc biệt, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ tiềm ẩn 6 tháng 2021 tăng mạnh.

Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2021. Con số đáng chú ý nhất là lợi nhuận trước của nhà băng này tăng đột biến, đạt hơn 8.122 đồng, tăng 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói, sau 2 năm "phú quý giật lùi", với doanh thu và lãi bị hụt hơi so với Vietcombank và VietinBank, 6 tháng đầu năm, BIDV lại tăng tốc hoành tráng, vượt qua 2 "ông lớn" về tỷ lệ tăng trưởng. Nhưng đó chỉ là con số phần trăm, bởi nếu xét về số tuyệt đối thì BIDV vẫn còn thua xa (lợi nhuận sau thuế của BIDV hơn 6.510 tỉ đồng, trong khi Vietcombank đạt hơn 10.418 tỉ đồng và VietinBank đạt 8.709 tỉ đồng). Xét trên toàn hệ thống, BIDV đứng thứ 6 về lợi nhuận. 
Điểm trừ của BIDV là hiệu quả sử dụng tài sản sinh lời (ROA) kém hơn hẳn so với Vietcombank và VietinBank, bởi BIDV có tổng tài sản đạt trên 1,642 triệu tỉ đồng, lớn nhất hệ thống. Trong khi, VietinBank thấp hơn, đạt 1,47 triệu tỉ đồng; và Vietcombank xếp thứ 3, với hơn 1,3 triệu tỉ đồng.
Điều đó cho thấy, lợi nhuận cao không phản ánh chất lượng thực sự, cũng như hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng mới là yếu tố then chốt đối với mỗi nhà băng. 
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, thu nhập lãi thuần của BIDV 6 tháng năm 2021 đạt hơn 23.527 tỉ đồng, tăng hơn 74% so với cùng kỳ 2020. Nếu nguồn thu này đến từ việc mở rộng cho vay các khách hàng, nó sẽ cho thấy khả năng tăng tín dụng của BIDV tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế, thu nhập từ lãi vay và các khoản thu nhập tương tự của BIDV chỉ đạt khoảng 50.023 tỉ đồng, gần như không tăng so với năm ngoái (49.993 tỉ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu BIDV tăng thu nhập lãi thuần nhờ huy động được vốn đầu vào giảm. Bảng thuyết minh tài chính tiền tệ của BIDV cho thấy, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng (CASA) của BIDV tăng gần 6,3%. Do đó, chi phí lãi và các chi phí tương tự đã giảm mạnh (2 quý 2021 đạt khoảng 26.495 tỉ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ). 
Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã tăng tổng tài sản lên 1,6 triệu tỉ đồng, tăng dư nợ tín dụng thêm 6,8% nhưng thu nhập từ lãi lại không tăng mà chủ yếu do giảm chi phí đầu vào mà sinh ra thu nhập thuần. Yếu tố này cho thấy, việc tăng tài sản, mở rộng cho vay của BIDV vẫn chưa thực sự hiệu quả. 

Cổ phiếu BID của BIDV đi ngược chiều, giảm hơn 22% so với đầu năm 2020 khi mà toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng có đà tăng mạnh

Ảnh T.P

Nợ tiềm ẩn, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh

Một yếu tố đặc biệt khác cần phân tích kỹ khi đánh giá lợi nhuận, hiệu quả hoạt động của ngân hàng là chất lượng tín dụng. BIDV thông báo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này theo Thông tư 02 là 1,39% (giảm 0,15% so với đầu năm).
Con số này vẫn còn cần phải được đánh giá thận trọng hơn, bởi xét về cơ cấu, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của BIDV giảm gần 1.100 tỉ đồng (giảm 6,6% so với cùng kỳ), nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm khoảng 800 tỉ đồng, tương đương 32,4%. BIDV tính toán theo Thông tư 02, nợ xấu chỉ còn 1,39%, tuy nhiên trên báo cáo tài chính nợ xấu tuyệt đối của BIDV là hơn 21.440 tỉ đồng, vẫn chiếm 1,6% tổng dư nợ (giảm nhẹ so với mức 1,76% của 6 tháng 2020). 
 Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn của BIDV lại tăng lên rất mạnh (948 tỉ đồng, tăng gần 40%), nó có thể xuất phát từ việc các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên. 
 Về dự phòng rủi ro cho khách hàng, tại thời điểm 30.6.2021, BIDV có trích lập 27.749 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý, dự phòng cụ thể đạt 18.138 tỉ đồng, tăng hơn 80,5% so với thời điểm 30.6.2020. Nó cho thấy, nhà băng này đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thể khá mạnh. Nhưng trong kỳ, ngân hàng cũng đã dùng 6.683 tỉ đồng từ nguồn dự phòng để mạnh tay xử lý nợ xấu, tăng hoàn nhập và cải thiện lợi nhuận. 

BIDV có tổng tài sản lớn nhất hệ thống nhưng lợi nhuận đứng thứ 6

Ảnh T.P

Nhìn tổng thể từ báo cáo tài chính bán niên của BIDV có thể thấy, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng mạnh 86,3% vẫn chủ yếu do ngân hàng tận dụng được nguồn vốn huy động rẻ, tăng thu từ dịch vụ và mạnh tay xử lý nợ xấu. Trong khi, việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng của BIDV vẫn chưa hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nợ xấu vẫn còn tương đối lớn, đặc biệt là các khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối cân toán tăng 44.848 tỉ đồng (tăng gần 17,6% so với cùng kỳ).
Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng... Dù nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp khó khăn sẽ có thể trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro. 
Ngoài các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của một ngân hàng như trên, thì giá cổ phiếu cũng là một thước đo quan trọng. Trong vòng hơn 1 năm qua, hầu hết các ngân hàng đều có được mức tăng giá ấn tượng, có mã tăng bằng lần thì BIDV (mã BID sàn HoSE) lại giảm khá mạnh. Đóng phiên giao dịch ngày 2.8, BIDV hiện có mức giá 42.550 đồng, thấp hơn 22,3% so với giá đỉnh gần 54.800 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2020. Thị trường định giá đúng kỳ vọng cũng như sự thiếu hấp dẫn của cổ phiếu của nhà băng này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.